Camera kỹ thuật số lớn nhất thế giới nằm ở đài quan sát Vera C. Rubin. Ảnh: Jacqueline Ramseyer Orrell/SLAC
Nằm trong Đài quan sát Vera C. Rubin, kính viễn vọng mới sắp hoàn thành ở Cerro Pachón, ngọn núi cao 2.682 m cách thủ đô Santiago của Chile khoảng 482 km về phía bắc, camera có độ phân giải 3.200 megapixel, tương đương lượng pixel của 300 điện thoại di động. Mỗi ảnh chụp của camera sẽ bao phủ vùng trời lớn bằng 40 trăng tròn, CNN hôm 23/10 đưa tin.
Cứ cách 3 đêm, kính viễn vọng sẽ chụp ảnh toàn bộ bầu trời có thể quan sát, tạo ra hàng nghìn bức ảnh cho phép nhà thiên văn học xem xét bất cứ thứ gì di chuyển hoặc thay đổi ánh sáng. Theo dự kiến, Vera Rubin sẽ phát hiện khoảng 17 tỷ ngôi sao và 20 tỷ thiên hà mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Clare Higgs, chuyên gia ở đài quan sát, cho biết kính viễn vọng sẽ khảo sát bầu trời đêm trong một thập kỷ, chụp 1.000 bức ảnh mỗi đêm.
Bắt đầu xây dựng từ năm 2015, kính viễn vọng được đặt theo tên nhà thiên văn học tiên phong người Mỹ Vera Rubin. Bà là người xác nhận sự tồn tại của vật chất tối lần đầu tiên. Đó là hợp chất bí ẩn cấu thành phần lớn vật chất trong vũ trụ nhưng chưa bao giờ được quan sát. Dự án khởi động vào đầu thập niên 2000 từ nguồn đóng góp tư nhân, bao gồm tỷ phú Charles Simonyi và Bill Gates. Sau đó, dự án nhận được thêm kinh phí từ Văn phòng khoa học của Bộ Năng lượng Mỹ và Hiệp hội Khoa học Quốc gia Mỹ.
Dù Vera C. Rubin là đài quan sát của Mỹ, nó nằm trên dãy Andes ở Chile cùng với một số kính viễn vọng khác vì nhiều lý do. Theo Higgs, kính viễn vọng quang học đòi hỏi khu vực cao, tối và khô ráo để tránh vấn đề ô nhiễm ánh sáng và độ ẩm không khí có thể làm giảm độ nhạy của thiết bị. Ngoài ra, chất lượng bầu trời đêm ở Chile cực tốt. Vị trí của đài quan sát khá hẻo lánh nhưng không quá xa xôi để gặp vấn đề trong thu thập dữ liệu. Hiện nay, đài quan sát đang trong giai đoạn xây dựng cuối cùng và dự kiến hoạt động năm 2025. Sau vài tháng thử nghiệm, cuối năm 2025, cơ sở sẽ thực hiện những quan sát đầu tiên.
Nhiệm vụ chính của đài quan sát Vera C. Rubin mang tên Legacy Survey of Space and Time (LSST). Về cơ bản, khảo sát kéo dài 10 năm này cho phép các nhà nghiên cứu tạo ra một bộ phim về bầu trời phía nam trong một thập kỷ. Camera chụp ảnh 30 giây một lần, tạo ra 20 terabyte dữ liệu sau 24 giờ. Khi hoàn thành, khảo sát sẽ tạo ra hơn 60 triệu terabyte dữ liệu thô.
Tuy nhiên, mỗi hình ảnh chỉ mất 60 giây để chuyển từ Chile tới California, nơi AI và thuật toán sẽ phân tích dữ liệu trước, tìm kiếm bất kỳ thay đổi nào hoặc vật thể di chuyển, và cảnh báo nếu phát hiện thứ gì đó. Dữ liệu sẽ được chia sẻ với một nhóm nhà thiên văn học mỗi năm. Cứ hai năm, mỗi bộ dữ liệu sẽ được chia sẻ công khai để cộng đồng khoa học trên toàn cầu có thể nghiên cứu.
Dữ liệu sẽ phục vụ 4 lĩnh vực nghiên cứu chính gồm tạo ra bản liệt kê hệ Mặt Trời, bao gồm phát hiện những thiên thể mới, thậm chí cả hành tinh thứ 9 còn ẩn giấu, lập bản đồ toàn bộ thiên hà, khám phá một loại vật thể đặc biệt mang tên "transient" thay đổi vị trí và độ sáng theo thời gian, và hiểu rõ bản chất của vật chất tối.
An Khang (Theo CNN)