Bọ cạp vàng tại Viện Butantan, Sao Paulo, Brazil, ngày 2/10. Ảnh: Nelson Almeida/AFP
Bọ cạp, nhóm động vật chân đốt nổi tiếng với chiếc đuôi độc, đang phát triển mạnh do đô thị hóa và nhiệt độ ấm lên. Chúng trở thành loài vật có độc chết chóc nhất ở Brazil, gây ra mối nguy hiểm ngày càng tăng cho người dân và đẩy mạnh nhu cầu thuốc giải độc, AFP hôm 7/11 đưa tin.
Loài bọ cạp phổ biến nhất tại nước này, bọ cạp vàng Brazil (Tityus serrulatus), cũng là loài bọ cạp nguy hiểm nhất Nam Mỹ. Điều đặc biệt là chúng gồm toàn con cái và sinh sản vô tính, khiến việc kiểm soát số lượng trở nên khó khăn hơn.
"Với môi trường ấm lên, quá trình trao đổi chất của những sinh vật này cũng tăng lên. Do đó, chúng hoạt động mạnh hơn, ăn nhiều hơn và sinh sản nhiều hơn", Thiago Chiariello, điều phối viên sản xuất tại phòng thí nghiệm thuốc giải độc bọ cạp thuộc Viện Butantan ở Sao Paulo, Brazil, giải thích.
Thêm vào đó, sự đô thị hóa ồ ạt làm giảm số lượng những kẻ săn mồi tự nhiên của bọ cạp như thằn lằn và chim, trong khi tăng số lượng gián - món ăn ngon với bọ cạp. Điều này khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
"Các thành phố đang phát triển không kiểm soát, làm gia tăng rác thải khiến bọ cạp có nhiều thức ăn hơn. Điều này dẫn đến việc chúng tiếp xúc nhiều hơn với con người, đồng nghĩa với nhiều sự cố hơn", Chiariello giải thích.
Năm ngoái, có 152 trường hợp tử vong do bọ cạp chích ở Brazil, trong khi số trường hợp do rắn cắn là 140. Năm 2019, chỉ có 95 trường hợp tử vong do bọ cạp chích. Theo Bộ Y tế Brazil, tổng cộng hơn 200.000 vụ bọ cạp chích được ghi nhận năm ngoái, tăng 250% so với một thập kỷ trước. Trung bình, có gần 550 vụ chích mỗi ngày.
Người lớn khỏe mạnh có thể chỉ gặp các triệu chứng nhẹ đến trung bình từ vết chích của bọ cạp vàng Brazil, bao gồm đau đớn, nôn mửa, đổ mồ hôi nhiều và run rẩy. Nhưng có những triệu chứng nghiêm trọng hơn như sốc, tích tụ dịch trong phổi, trụy tim, suy tim, có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em và người già.
Điều này khiến thuốc giải độc của Viện Butantan trở nên vô cùng quan trọng. Nhóm của Chiariello thực hiện nhiệm vụ sản xuất thuốc giải với độ chính xác cao. Đầu tiên, họ dùng nhíp để đặt ngòi chích của bọ cạp sống vào bình chứa. Nọc độc sau đó được tiêm vào ngựa, vốn ít bị độc tố tác động hơn con người, từ đó sản xuất nhiều kháng thể hơn.
"Có cả một quá trình tinh lọc trong máu ngựa. Thuốc giải độc là cách cứu mạng duy nhất", Paulo Goldoni, nhà sinh học tại Viện Butantan, cho biết. Năm ngoái, hơn 11.000 người tại Brazil đã nhận thuốc giải độc bọ cạp, chủ yếu ở khu vực đông dân cư phía đông nam nước này.
Thu Thảo (Theo AFP)