VNE-River-9919-1732511030.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DLBHLZNCnVkNmiBdE1i4wQ

Theo NASA, sông khí quyển mang lượng nước nhiều gấp đôi so với sông Amazon. Ảnh: IFL Science

Tuy sông khí quyển đóng vai trò không thể thiếu trong chu kỳ nước từ rất lâu trước khi khủng long xuất hiện, thuật ngữ này được mô tả lần đầu tiên gần đây, vào năm 1994. Đây là thuật ngữ để chỉ cột hơi nước dài hẹp trôi qua khí quyển Trái Đất, giống như những dòng sông trên bầu trời. Sông khí quyển vận chuyển nước từ vùng nhiệt đới gần xích đạo Trái Đất tới vùng ôn đới và xa hơn. Chúng là một hiện tượng tạm thời và trung bình có 4 - 5 sông khí quyển tồn tại ở bất kỳ thời điểm nào, theo Bộ Năng lượng Mỹ (DoE).

Có lẽ sông khí quyển nổi tiếng nhất trong số đó là Pineapple Express, bắt đầu ở Thái Bình Dương gần Hawaii và đổ bộ vào vùng ven biển phía tây nước Mỹ. Theo NASA giải thích, sông khí quyển có xu hướng tồn tại ở vùng ngoài nhiệt đới thuộc khu vực Bắc và Đông nam Thái Bình Dương cùng với Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Sông khí quyển có thể di chuyển quãng đường khổng lồ, thường hạ cánh ở vùng ôn đới trong khoảng 30 - 60 độ vĩ bắc và vĩ nam, như các vùng ở bờ tây châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và New Zealand. Tại đây, chúng giải phóng nước dưới dạng mưa hoặc tuyết.

Sông khí quyển gắn liền với hệ thống nước của thế giới và cung cấp nguồn nước chủ chốt. Trên thực tế, theo Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), khoảng 30 - 50% lượng mưa hàng năm ở bờ Tây nước Mỹ là kết quả của một số sự kiện sông khí quyển. Trong khi đó, các nước như Pháp, Tây Ban Nha, Anh và nhiều khu vực như Đông Nam Á nhận hơn nửa lượng mưa từ sông khí quyển.

Tuy nhiên, chúng cũng có tiềm năng kích hoạt mưa lũ nghiêm trọng, gây sạt lở đất và thiệt hại về tài sản. Đó là trường hợp ở Bắc Mỹ hồi đầu năm nay. Trong tháng 9, một sông khí quyển đặc biệt mạnh gây ra mưa lớn suốt nhiều ngày ở Canada và đông nam Alaska.

Trong khi vùng ôn đới nhận lượng mưa lớn hơn từ sông khí quyển trong lịch sử, các nhà khoa học gần đây phát hiện thay đổi nhỏ do biến đổi khí hậu có thể tác động lớn tới nguồn cung cấp nước của thế giới. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia ở Đại học California, Santa Barbara, hé lộ sự dịch chuyển vị trí của sông khí quyển. Phát hiện hé lộ chúng đã di chuyển trung bình 6 - 10 độ gần hơn về phía vùng cực trong 40 năm qua. Thay đổi này có thể dẫn tới hạn hán nặng nề ở khu vực cận nhiệt đới như Brazil và điều kiện ẩm ướt hơn ở các nước nằm gần vùng cực tại châu Âu và khu vực tây bắc Thái Bình Dương của Mỹ.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra sự thay đổi trên có thể làm trầm trọng hơn xu hướng dẫn tới tổn thất nhiều băng biển hơn ở Bắc Cực. Khi lượng mưa từ sông khí quyển trở nên phổ biến hơn ở vùng cực vào mùa đông, những khu vực này có ít thời gian phục hồi từ quá trình tuyết tan chảy vào mùa hè hơn.

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022