Ngày 20-8, UBND tỉnh Bình Dương ban hành công văn về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 103 của Chính phủ.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các địa phương thông báo, hướng dẫn cho các đối tượng thuộc diện được hưởng; triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả, công khai và đúng đối tượng.
Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện theo tiến độ hỗ trợ cho UBND tỉnh và các bộ, ngành theo quy định. Sở Tài chính phải kịp thời bố trí, bổ sung kinh phí theo đúng quy định.
Nhân viên ngành y được điều chỉnh tăng lương
Mức hỗ trợ một lần là 3,7 triệu đồng/người, áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của địa phương đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Hỗ trợ một lần mức 2,2 triệu đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định. Thời gian thực hiện đến hết ngày 31-12.
Trong lĩnh vực y tế, quyết định điều chỉnh mức lương đối với nhân viên đang làm việc hợp đồng theo Nghị định số 68 của Chính phủ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Mức lương theo tháng cụ thể đối với trình độ thạc sĩ, chuyên khoa 1, bác sĩ nội trú là 6,037 triệu đồng; trình độ đại học là 5,61 triệu đồng; trình độ cao đẳng là 5,38 triệu đồng; trình độ trung cấp là 5,14 triệu đồng; trình độ sơ cấp đã qua đào tạo nghề là 5 triệu đồng.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 166 nhân viên y tế và trên 500 giáo viên xin nghỉ việc. Thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này.