bach-tuoc-nhay-nhot-duoi-day-bien-sau-4-800-m-1730195800.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1wsr-mx3hwc_fXPgFC7Rvg
Bạch tuộc nhảy nhót dưới đáy biển sâu 4.800 m

Bạch tuộc nhảy dưới đáy biển sâu 4.800 m. Video: Minderoo-UWA Deep-Sea Research Centre

Vùng sâu thẳm của đại dương chứa đựng nhiều bí ẩn. Những sinh vật ở đó có cuộc sống kỳ lạ, hoàn toàn khác với sinh vật trên bề mặt. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Western Australia đã chạm trán một trong những sinh vật kỳ lạ như vậy trong chuyến thám hiểm xuyên Thái Bình Dương bằng tàu Dagon, Science Alert hôm 28/10 đưa tin. Họ sử dụng các phòng thí nghiệm ngầm để quan sát sinh vật sống trong nhiệt độ cực lạnh, áp suất cao và bóng tối vĩnh cửu dưới biển sâu.

Dưới đáy Thái Bình Dương, nhóm nhà khoa học ghi lại thước phim hiếm có: Bạch tuộc jellyhead mắt to (Cirrothauma magna), thuộc nhóm bạch tuộc có vây biển sâu, nhảy nhót dưới đáy biển sâu 4.800 m.

Các chuyên gia chưa hiểu nhiều về loài vật này. Nơi chúng sống cực kỳ khó tiếp cận, vì thế, họ hiếm khi quan sát được chúng trong môi trường sống tự nhiên dưới biển sâu.

Một nghiên cứu trên tạp chí Marine Biology năm 1997 cung cấp một số manh mối về hành vi nhảy kỳ lạ này. Nghiên cứu mô tả những quan sát về bạch tuộc có vây biển sâu nhảy dưới đáy biển theo cách tương tự, và cho rằng đó là một hình thức di chuyển.

Tuy nhiên, hành vi này có thể còn mang ý nghĩa khác. Giới chuyên gia từng thấy bạch tuộc có vây biển sâu nhảy dưới đáy biển ở khu vực nông hơn.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences năm ngoái, nhà khoa học biển Alexey Golikov từ Trung tâm Nghiên cứu Đại dương GEOMAR Helmholtz (Đức) cùng đồng nghiệp đã mô tả hành vi nhảy kiếm ăn ở loài bạch tuộc jellyhead vây lớn (Cirroteuthis muelleri), cũng thuộc nhóm bạch tuộc có vây biển sâu. Trong nghiên cứu, nhóm nhà khoa học cho biết, con vật thực hiện cùng một chuỗi động tác như trong video mới về bạch tuộc jellyhead mắt to.

Đầu tiên, bạch tuộc nhảy lên khỏi đáy biển. Tại đỉnh của mỗi lần nhảy, nó xòe rộng các cánh tay, làm phồng lớp màng giữa các cánh tay để đáp xuống. Trong quá trình đáp, bạch tuộc tóm lấy bất cứ con mồi nào mà nó có thể bao bọc, sau đó nhảy lên lần nữa và lặp lại chuỗi động tác. Những quan sát trên được thu thập trong giai đoạn 2020 - 2022, đánh dấu lần đầu tiên hành vi kiếm ăn này được quan sát và ghi lại ở bạch tuộc có vây biển sâu.

Còn rất nhiều điều con người chưa biết về cuộc sống dưới các đại dương. Nhưng một điều đang trở nên ngày càng rõ ràng là, ở những nơi sâu nhất, tối tăm và lạnh giá nhất của đại dương, những hệ sinh thái đáng kinh ngạc vẫn tìm ra cách phát triển mạnh.

Thu Thảo (Theo Science Alert)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022