Đường ống cống rộng đến mức có thể chứa vừa 3 chiếc xe bus đặt cạnh nhau. Ảnh: Đường hầm Thames Tideway
Mang tên Đường hầm Thames Tideway, công trình được thiết kế để giảm lượng nước thải thô chảy vào sông Thames. Đường ống dài 25 km sẽ chuyển hướng 34 trong số dòng nước thải ô nhiễm nhất đổ vào sông Thames, BBC hôm 27/3 đưa tin. Theo Andy Mitchell, giám đốc điều hành dự án Thames Tideway, họ sẽ giữ lại đại đa số nước thải đổ vào dòng sông, khiến sông Thames trở nên sạch hơn.
Ở bước xây dựng cuối cùng, nắp bê tông khổng lồ nặng 1.200 tấn được đặt bên trên đường ống ở phía đông London. Hệ thống nước thải hỗn hợp của London xử lý cả chất thải của con người và nước mưa, nhưng dân số thành phố khiến cơ sở hạ tầng quá tải. Trong điều kiện bình thường, nước thải thô sẽ đổ vào nhà máy xử lý nước thải, nhưng hiện nay, ngay cả một cơn mưa phùn nhỏ ở London cũng có thể làm tràn mạng lưới, dẫn tới nước lụt chảy xuống sông Thames. Thay vì chảy vào dòng sông, siêu cống mới sẽ lưu giữ gần như toàn bộ nước thải chảy tràn ở trung tâm London cho tới khi có thể xử lý.
Theo dự kiến, dòng nước thải đầu tiên sẽ chảy vào đường hầm trong mùa hè năm nay. Công trình sẽ hoạt động đầy đủ vào năm 2025. Trong khi chi phí dự kiến ban đầu là 5,3 tỷ USD, đường hầm tiêu tốn khoảng 6,3 tỷ USD. Chi phí đó sẽ được trả bởi các khách hàng của Thames Water trong vài thập kỷ.
Đường hầm rộng 7,2 m dốc dần đều từ Acton ở phía tây London tới Abbey Mills ở phía đông. Trong thời kỳ mưa kéo dài, đường hầm sẽ chứa hỗn hợp nước thải thô và nước mưa. Công trình có thể chứa lượng chất lỏng bằng 600 bể bơi Olympic, sau đó bơm vào cơ sở xử lý nước thải lớn nhất châu Âu ở Beckton phía đông London. Sau khi vận hành thử suốt mùa hè, siêu cống sẽ được bàn giao cho công ty nước Thames Water.
Dù siêu cống mới là một trong những nâng cấp lớn nhất đối với mạng lưới đường ống cống của London từ khi xây bởi Joseph Bazalgette vào thập niên 1860, chắc chắn đây không phải là giải pháp vĩnh viễn. Các nhà khoa học dự đoán biến đổi khí hậu sẽ đem nhiều trận mưa lớn tới Anh, nghĩa là sẽ có lúc ngay cả siêu cống khổng lồ cũng bị đầy.
Nhà hoạt động Theo Thomas của tổ chức London Waterkeeper cho rằng nhà chức trách nên chi tiền vào các dự án trên khắp London để ngăn nước mưa chảy trực tiếp vào đường ống cống và hòa lẫn với nước thải thô. Mitchell cũng đồng ý với quan điểm này nhưng cho biết việc nhanh chóng xây dựng một mạng lưới mới tách riêng nước thải và nước mưa ở London với chi phí vừa phải không khả thi.
An Khang (Theo BBC)