Ảnh chụp dưới kính hiển vi điện tử của gấu nước. Ảnh: Gregory S. Paulson
Để sinh tồn, gấu nước ép hết nước khỏi cơ thể và cuộn tròn thành hình cầu gọi là tun. Ở dạng này, gấu nước có thể chịu những môi trường khắc nghiệt nhất, thậm chí trong chân không vũ trụ. Với trạng thái tun, loài vi sinh vật này có thể trải qua nhiều năm không cần thức ăn hoặc nước, chịu được bức xạ và nhiệt độ cực hạn. Bản chất "sống dai" biến chúng thành đối tượng thử nghiệm hoàn hảo trong các thí nghiệm về sự sống.
1. Gấu nước trở thành đối tượng thử nghiệm trong không gian
Các nhà khoa học hy vọng tìm ra những gì khiến gấu nước trở nên gần như không thể hủy diệt. Chúng thực sự rất nhỏ, kích thước chỉ từ 100 đến 1.000 micron, tương đương độ mỏng của một tờ giấy. Năm 2021, NASA phóng 5.000 con gấu nước vào vũ trụ trong nhiệm vụ tái cung cấp vật tư cho Trạm Vũ trụ Quốc tế. Theo Thomas Boothby, nhà nghiên cứu chính trong thí nghiệm, họ muốn tìm hiểu bí kíp mà gấu nước và con cái chúng sử dụng để sinh tồn khi bay vào không gian.
Năm 2007, một nhóm nghiên cứu châu Âu đưa 3.000 con gấu nước lên quỹ đạo Trái Đất và ở bên ngoài tàu vũ trụ trong 12 ngày. Khi gấu nước quay trở về Trái Đất, các khoa học phát hiện 68% sống sót. Theo Ingemar Jönsson, chỉ đạo dự án thí nghiệm của châu Âu, chia sẻ phát hiện chủ chốt của ông và cộng sự là môi trường chân không với tình trạng khô hạn và bức xạ vũ trụ không phải vấn đề đối với gấu nước.
2. Gấu nước trên tàu thăm dò đâm xuống Mặt Trăng
Vào tháng 4/2019, một tàu thăm dò của Israel đâm vào Mặt Trăng trong khi chở hàng nghìn con gấu nước sấy khô. Nhiều người suy đoán những con gấu nước có thể vẫn sống sót sau tai nạn. "Chúng tôi tin chắc cơ hội sống sót của gấu nước cực cao", Nova Spivack, đồng sáng lập tổ chức gửi gấu nước trên tàu Israel. Theo Wired, bất kỳ con gấu nước nào tìm thấy trong tương lai cần được đưa về Trái Đất để tái cấp nước.
3. Gấu nước sống sót sau khi đóng băng 30 năm
Năm 2016, các nhà khoa học ở Viện nghiên cứu vùng cực Nhật Bản kiểm tra gấu nước thu thập từ mẫu vật rêu đóng băng lấy ở Nam Cực năm 1983. Sau khi cấp nước cho chúng, nhóm nghiên cứu hồi sinh thành công một con gấu nước đóng băng hơn 30 năm. Ngoài ra, họ nhận thấy gấu nước có thể sinh sản thành công sau hàng thập kỷ trong điều kiện lạnh giá. Dựa trên thí nghiệm, gấu nước thậm chí có thể sống sót ở -272 độ C, lớn hơn hai lần nhiệt độ lạnh nhất từng được quan sát trên bề mặt Trái Đất, theo NASA.
4. Gấu nước chịu được nhiệt độ nóng bỏng
Gấu nước có thể sống sót dưới nhiệt độ cực nóng. Chúng tồn tại ở một số môi trường khắc nghiệt nhất trên Trái Đất như miệng phun thủy nhiệt dưới biển sâu, suối nước nóng và núi lửa bùn. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu năm 2020, các nhà nghiên cứu nhận thấy tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài, thậm chí ở trạng thái ngủ đông, có thể giết chết gấu nước chỉ trong một ngày. Sau khi chịu nhiệt độ nước khoảng 37,8 độ C, một nửa số gấu nước trong mẫu vật nghiên cứu chết.
5. Gấu nước sống sót sau khi bị bắn từ súng ở tốc độ cao
Trong nghiên cứu vào năm 2021, các nhà khoa học đưa gấu nước ở trạng thái ngủ đông vào viên đạn và bắn vào mục tiêu trên cát ở nhiều tốc độ. Gấu nước vẫn sống sau khi lao vào mục tiêu ở tốc độ lên tới hơn 3.200 km/h. Những con gấu nước bắn với tốc độ cao hơn bị nổ khi va chạm. Nhóm nghiên cứu muốn kiểm tra liệu gấu nước thể sống sót sau va chạm trong vũ trụ hay không, từ đó suy đoán sự sống xuất hiện trong vũ trụ như thế nào.
An Khang (Theo Business Insider)