Trả giá tốt sẽ có cô dâu mang về
Chợ cô dâu ở thị trấn Stara Zagora (Bulgaria) là chợ bán những trinh nữ khét tiếng nhất châu Âu và thế giới. Phiên chợ cô dâu đặc biệt này có xuất xứ từ những người Kalaidzhi (hay còn gọi là cộng đồng Roma), một tộc người thiểu số đông nhất ở Bulgaria, với 18.000 người, theo đạo Cơ Đốc giáo.
Hiện tại, khu chợ cô dâu này nhận được nhiều sự chỉ trích từ người dân châu Âu nhưng theo cộng đồng Kalaidzhi, đây là một nét phong tục truyền thống tốt đẹp của họ truyền từ bao đời nay nên cần được duy trì. Bởi vậy, khu chợ bán những thiếu nữ trinh trắng này vẫn công khai tổ chức.
Những người đến với chợ cô dâu đều có mục đích riêng của mình. Các cô dâu tương lai thì hy vọng mình sẽ được một người đàn ông tốt, giàu có mua, còn các chàng trai thì hy vọng mình sẽ tìm được một cô vợ xinh đẹp, giá tốt.
Các bậc phụ huynh cũng có mặt ở đây cũng với con mình để hỗ trợ trong việc thách giá, trả giá tốt hơn, khiến không khí khu chợ này càng trở nên nhộn nhịp, náo nhiệt. Đặc biệt, khu chợ còn có sự góp mặt của những du khách hiếu kỳ đến đây tham quan, vui chơi.
Trong chợ bán cô dâu, các cô gái trẻ đều trang điểm cầu kỳ, mặc váy áo xúng xính xinh đẹp, đeo những món trang sức bắt mắt và mang các đôi giày cao gót để tôn dáng.
Các cô gái xinh đẹp khi đến chợ
Ai cũng muốn bản thân mình trở nên nổi bật nhất để có thể thu hút được nhiều chàng trai ngỏ ý mua mình, nhờ đó tìm được người chồng tốt, giàu có.
Theo những bậc phụ huynh, họ đưa con gái tới đây để giúp con gái họ có cơ hội gặp gỡ được nhiều chàng trai và quan trọng là những chàng trai có tiền.
Bởi các thiếu nữ được đưa đến chợ đều là những cô gái xuất thân từ những gia đình nghèo khó trong cộng đồng Roma. Vì để tìm kiếm một món tiền giúp gia đình trả nợ và mong chờ các cô gái sẽ có cuộc sống tương lai khấm khá hơn, nên dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường, họ cũng được cha mẹ đưa đi bán.
Trước đây, khi cùng ngắm trúng một cô gái, các chàng trai sẽ phải thể hiện sức mạnh của mình qua màn vật tay. Ai thắng thì sẽ lấy được người vợ mình ưng ý. Nhưng bây giờ, sức mạnh của đồng tiền lên ngôi, chỉ cần có nhiều tiền hơn, trả giá cao hơn, người đàn ông đó có thể lấy được cô gái mình thích.
Từng có thời điểm, các cô gái được đứng trên sân khấu đấu giá, chàng trai nào trả giá cao nhất sẽ mua được cô gái xinh đẹp nhất mà họ muốn. Nhưng hiện tại, hình thức này không còn nữa.
Các cô gái ngồi đứng cùng mẹ ngổn ngang trong chợ. Các chàng trai sẽ dạo quanh xem xét, ngắm nghía, ưng ai họ sẽ bàn bạc giá cả với phụ huynh cô gái.
Thông thường, giá chung của một cô dâu là vào khoảng 55 triệu - 100 triệu. Tuy nhiên những năm gần đây, mức giá đó đã trở nên thấp hơn và ngày càng thắt chặt.
Nhưng cũng có những cô dâu vì dung mạo kiệt xuất và chàng trai muốn mua lại quá ưng cô gái, thì cô gái đó sẽ thách giá cao lên và được trả giá cao hơn, có thể lên đến 150 triệu.
Giá cả phụ thuộc vào vốn tự nhiên mà cô gái có, sự yêu thích của nhà trai... Nhưng nhìn chung, cứ nhiều tiền, trả giá tốt là các chàng trai có cô dâu đưa về, đều là những thiếu nữ đồng trinh, trong độ tuổi 15 - 18.
Một cô dâu được giá cao bên cạnh chú rể tương lai
Yêu nhau không bằng giá cao
Những cô gái được đưa đến chợ bán nhất thiết phải là gái còn trinh, còn các chàng trai đến chợ là những người chưa vợ. Họ thuộc cộng đồng người Kalaidzhi. Hầu hết các cô gái kiếm chồng và những chàng trai tìm vợ tại chợ này đều lần đầu tiên gặp gỡ nhau.
Các cô gái thường tỏ ra e thẹn, ngại ngùng, hay đỏ mặt khi các nam thanh niên tới tán tỉnh, trả giá.
Gặp được những chàng điển trai, phong độ hay hóm hỉnh, có tài ăn nói như rót mật vào tai, các thiếu nữ mới lớn đã động lòng ngay. Ngược lại, nhiều chàng trai thấy cô gái nào xinh, có duyên cũng yêu thích, tha thiết muốn có được.
Hai bên đều ưng nhau nhưng vấp phải nhà trai trả giá không tốt, vì gia đình những chàng trai ấy cũng không quá giàu có, cha mẹ thiếu nữ thì không đồng ý gả bán vì tiếc cô con gái nhan sắc có thể được giá hời hơn.
Rào cản tiền bạc, vật chất, gia đình khiến chàng trai - cô gái đó không đến được với nhau. Chàng trai đi tìm kiếm người vợ phù hợp với số tiền họ có hơn, còn cô gái được gả bán cho người đàn ông họ không ưng ý, nhưng nhiều tiền.
Vốn dĩ các thiếu nữ đến chợ, người hài lòng, người không hài lòng trước sự sắp đặt của cha mẹ. Nhưng chỉ vài người lên tiếng phản đối, còn phần đa họ đều tự nguyện, thuận theo ý muốn cha mẹ.
Vì các cô gái nghèo từ nhỏ đã được dạy dỗ, định hướng tương lai sẽ đến chợ cô dâu bán mình. Trong suy nghĩ của họ, đây là nét văn hóa truyền thống, là tục lệ lâu đời, không có gì đáng buồn hay xấu hổ. Họ được gả bán để kiếm tiền giúp đỡ gia đình.
Nhiều chàng trai - cô gái có tình ý nhưng không đến được với nhau
Theo Hoàng MinhBáo Đất Việt