Bức tượng cổ bị sơn màu lòe loẹt.
Những bức tượng được phát hiện đầu tuần trước tại huyện Nam Giang, tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc. Theo những bức ảnh được lan truyền trên Weibo, nhiều bức tượng Phật giáo bị phủ sơn màu sắc xanh đỏ, bao gồm cả quần áo, đài sen, vẽ thêm mắt mũi và toàn bộ thân tượng.
Một quan chức thuộc cơ quan bảo vệ di tích văn hóa đã xác nhận vụ việc xảy ra tại địa phương. Theo thông tin ban đầu, một người sùng đạo lớn tuổi ở trong huyện đã thuê nhân viên sơn màu lên những bức tượng để tỏ lòng tôn kính. Tuy nhiên, vì màu sắc lòe loẹt, đối lập với màu sắc rêu phong nguyên bản, hành động này bị chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội nước này, thậm chí còn bị cho rằng đã phá hỏng di tích lịch sử và thiếu tôn trọng với thần linh.
Một bức tượng khác cũng bị sơn xanh dương và đỏ.
Văn phòng phụ trách di tích văn hóa địa phương đã hợp tác với các chuyên gia từ Học viện Khảo cổ học Tứ Xuyên và Trường Khảo cổ học và Bảo tàng học của Đại học Tứ Xuyên để đưa ra kế hoạch khôi phục hiện trạng ban đầu, đồng thời lên án "đây là hành vi đáng xấu hổ", cần phải ngăn chặn.
Bức tượng có tuổi đời hàng nghìn năm tuổi. Tuy nhiên, qua thời gian, từng lớp rêu phong đã phủ kín tác phẩm này nên tới năm 2017, chúng mới được một cán bộ ở làng vô tình phát hiện ra.
Cơ quan bảo tồn đã thực hiện một số biện pháp như di dời về nơi an toàn, lắp đặt mái che mưa và thiết bị giám sát nhưng vẫn để tình huống đáng tiếc xảy ra.
Bức tượng Phật cổ với hình dáng ban đầu.
Thành phố Bazhong, nơi có huyện Nam Giang, được mệnh danh là "quê hương của nghệ thuật chạm khắc đá Trung Quốc". Những tác phẩm chạm khắc trên vách đá đầu tiên được tìm thấy từ cuối triều đại Bắc Ngụy (năm 386-534 sau Công Nguyên), hiện nay đều trở thành di tích tham quan, thu hút du khách.
Hà Nguyên (Theo Shine.cn)