Nhiều năm nay, bảo đảm an ninh trong dịp Tết té nước Songkran luôn là thách thức đối với cảnh sát Thái Lan. Bất chấp các khuyến cáo an toàn, người dân, du khách vẫn uống quá nhiều rượu. Theo các thống kê, tai nạn đường bộ tăng trong "bảy ngày nguy hiểm hàng năm" - thời gian diễn ra lễ hội.
Năm ngoái, 278 người chết và 1.869 người bị thương trong các vụ va chạm giao thông từ ngày 11/4 đến 14/4. Trong đó, các vụ tai nạn giao thông liên quan rượu, bia chiếm hơn 60%. Đối với nhiều người Thái, đặc biệt là người thuộc thế hệ cũ, ý nghĩa ban đầu của Songkran dần mất. Lễ hội bị biến tướng do thương mại hóa. Truyền thống vẩy lượng nước nhỏ lên các nhà sư, bạn bè, người thân để thể hiện sự tôn trọng đã nhường chỗ cho những hoạt động được quảng cáo là cuộc chiến súng nước "điên cuồng" nhất thế giới.
Một người tưới nước tại chùa Wat Mahabut ở Bangkok. Người dân Thái Lan té nước lên tượng Phật trong lễ Songkran để gột rửa những điều xui xẻo tích tụ trong năm cũ. Ảnh: AFP
Càng ngày, người ta sử dụng súng nước càng lớn và các vòi cứu hỏa phun nước càng mạnh, có thể gây nguy hiểm cho người chơi. Du khách đến Thái Lan thời điểm này, dù muốn hay không, đều có thể bị bắn nước vào người khi bước chân ra đường. Mọi người thường cho điện thoại vào túi ziplock (túi nylon có khóa) nhưng chúng vẫn có thể bị ướt, gây phiền toái.
Bên cạnh đó, nghiên cứu do Tổ chức Phong trào Tiến bộ Phụ nữ và Nam giới Thái Lan (WMP.) tiến hành cho thấy một nửa số phụ nữ, bé gái tham gia khảo sát phàn nàn đã bị sàm sỡ hoặc quấy rối tình dục trong các lễ hội Té nước. Do đó, Thái Lan tăng cường lực lượng cảnh sát mỗi dịp lễ hội, chỉ định các khu vực an toàn và khuyến khích nạn nhân tố cáo khi gặp sự cố.
Ngoài ra, Thái Lan khuyến cáo du khách, người tham gia lễ hội Té nước nên lưu ý các vấn đề an toàn vệ sinh, cân nhắc sử dụng các loại nước màu không rõ nguồn gốc. Một số khách du lịch từng báo cáo bị đau bụng sau Songkran vì bị tạt nước bẩn. Hãy đeo kính bảo vệ mắt khi tham gia lễ hội.
Các cô gái trang bị súng nước trong lễ Songkran. Ảnh: Reuters
Đồng thời, người tham gia được khuyên nên chú ý sức khỏe. Lễ hội diễn ra vào mùa hè, thời điểm nắng nóng nhất năm, khiến nhiệt độ cơ thể thường xuyên thay đổi do hoạt động quá sức. Đặc biệt, nhiều người dội các xô nước đá nhằm tăng kịch tính, trong khi thời tiết nóng, dẫn đến người bị tạt nước dễ bị cảm, thậm chí viêm phổi. Vì thế, bên cạnh việc trang bị súng nước tham gia "cuộc chiến", du khách nên chuẩn bị một số thứ như: kem chống nắng, phấn rôm, túi chống nước, kính bơi... Một đôi giày có độ bám tốt sẽ giúp bạn tránh các tình huống xấu bởi đường phố sẽ trở nên trơn tượt hơn ngày thường. Du khách được khuyên tốt hơn hết nên để đồ trang sức, điện thoại, máy ảnh hay đồ điện tử tại khách sạn.
Du khách nước ngoài và người Thái tham gia cuộc chiến té nước để chào mừng Songkran trên đường Khaosan, Bangkok. Ảnh: AFP
Lễ hội Songkran, hay còn gọi lễ hội té nước, là nghi lễ lâu đời của người Thái Lan, Lào và Khmer. Dịp này, người dân mang nước ra đường và đổ vào người khác với ý nghĩa cầu phúc, an lành, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu. Ở Thái Lan, người dân còn có phong tục đổ bột mì vào người khác để cầu chúc may mắn. Sau này, một số nơi đổi thành ném bột màu.
Như truyền thống, năm nay lễ hội diễn ra trong ba ngày, từ 13/4 đến 15/4, kéo dài cả tuần tại một số thành phố, sau bốn năm bị hủy hay hạn chế vì Covid-19 và lễ đăng quang của nhà vua. Đây là sự kiện toàn quốc, nhưng bầu không khí đặc biệt sôi động ở Bangkok, nơi từng đạt Kỷ lục Guinness về cuộc chiến súng nước lớn nhất thế giới (3.477 người bắn súng nước vào nhau trong 10 phút), năm 2011. Songkran cũng là dịp bạn bè tụ tập, tham gia các hoạt động như lễ hội âm nhạc, ẩm thực.
Người dân chạy xe máy tham gia lễ hội té nước. Ảnh: Tim Pile
Diệp Tử (theo SCMP)