vo_ha_tram_3_1.jpg

Năm 2022, Võ Hạ Trâm được nhiều người nhắc đến sau khi một giọng ca bí ẩn dưới mascot O Súng xuất hiện ở chương trình The Masked Singer - Ca sĩ mặt nạ. Dù không lên tiếng xác nhận, với giọng hát và thông tin trong chương trình, nhiều khán giả khẳng định O Súng chính là Võ Hạ Trâm.

Bước chân vào thị trường âm nhạc từ rất sớm, khi chỉ mới 17 tuổi, nhưng số lượng sản phẩm âm nhạc của Võ Hạ Trâm không nhiều. Khán giả thường biết đến Trâm với vai trò giảng viên tại Nhạc viện TP.HCM hay thí sinh của các cuộc thi âm nhạc như Ngôi sao tiếng hát truyền hình hay Gương mặt thân quen. Võ Hạ Trâm khi đi hát tại các tụ điểm cũng thường cover nhạc của các ca sĩ khác rất nhiều.

Quyết định trở lại với single Về với em là một sự liều lĩnh của Trâm. Một giọng ca hoạt động đã lâu nhưng chưa có hit, lại sử dụng chất liệu nhạc không quen thuộc tại Vpop, khán giả thắc mắc liệu Võ Hạ Trâm có cách nào để kết nối với người nghe hay không?

Giảm bớt yếu tố “hàn lâm”, khán giả đón nhận

Từ trước đến nay, không ít khán giả có định kiến rằng các giọng ca được đào tạo bài bản về thanh nhạc, thậm chí còn là giảng viên như Võ Hạ Trâm thường gắn liền với những ca khúc khó nghe, có sự sâu sắc nhất định trong mặt ca từ, cần phải suy ngẫm thay vì mang yếu tố giải trí.

Chính Võ Hạ Trâm cũng từng không thoát ra khỏi định kiến đó khi luôn gắn liền với những ca khúc rất khó hát, thách thức khả năng thanh nhạc của bản thân và cả thị hiếu của người nghe. Việc chủ yếu đi hát tụ điểm thay vì phát hành các sản phẩm phòng thu cũng khiến cho Võ Hạ Trâm có phần xa cách với khán giả đại chúng.

Tuy nhiên, ở single Về với em, Trâm đã phần nào bước ra khỏi hình ảnh đã quen thuộc. Ngay từ hướng đi ban đầu, Võ Hạ Trâm đã không lựa chọn một ca khúc có tiết tấu chậm rãi nhẹ nhàng cô vẫn trình bày mà là một bản dance pop - EDM nhanh và mạnh mẽ. Ekip sản xuất cho bài hát cũng không phải là một tên tuổi lớn, có kinh nghiệm nào mà là đội ngũ CLK Production còn khá trẻ.

vo_ha_tram_2.jpg

Võ Hạ Trâm khai thác chất liệu Ấn Độ mới mẻ trong single Về với em.

Với sự mới mẻ của phần sản xuất, âm nhạc của Võ Hạ Trâm cho thấy bộ mặt rất khác. Ca khúc theo đuổi mạnh mẽ chất liệu âm nhạc của Ấn Độ với việc tận dụng triệt để Sarod - một nhạc cụ dây truyền thống của người Ấn. Võ Hạ Trâm thậm chí còn có 1 phân đoạn hát tiếng Ấn với cách triển khai giai điệu và nhấn nhá, luyến láy rất đặc trưng của dòng nhạc này.

Tất nhiên, người nghe không bất ngờ khi Trâm thực hiện được kỹ thuật khó vì cô vốn có nền tảng thanh nhạc rất vững chắc, thứ gây bất ngờ ở đây là cách Trâm dám bứt phá ra khỏi khuôn khổ sau một thời gian rất dài làm nghề.

Về với em không hẳn là một sự đột biến quá mạnh mẽ trong mặt âm nhạc khi đội ngũ sản xuất chủ yếu khai thác một cách trọn vẹn chất liệu Ấn Độ với nhạc điện tử chứ không phối hợp quá nhiều các yếu tố. Tuy nhiên, đối với Võ Hạ Trâm, đây là lần đầu tiên cô thử sức với nhạc có tiết tấu nhanh và giọng hát của cô không phải là thứ được làm nổi bật nhất.

Rõ ràng, khi Võ Hạ Trâm giảm bớt sự tập trung vào giọng hát, chia đều sự chú ý cho yếu tố sản xuất và chú trọng hơn tới việc xây dựng đoạn hook bắt tai, khán giả dễ dàng tiếp nhận âm nhạc của cô hơn hẳn. Single Về với em đạt thành tích rất khả quan về lượt nghe cũng như mức độ bàn tán trên mạng xã hội.

Kỹ thuật vẫn là thứ khác biệt

Tuy nói rằng Võ Hạ Trâm đã không để giọng hát của mình chiếm lĩnh sự chú ý quá nhiều, kỹ thuật hát vẫn là thứ khiến cho single Về với em mang tính độc bản, khác biệt với những ca khúc EDM khác trên thị trường. Điều đó thể hiện rõ nhất trong đoạn drop.

Đa số các ca khúc được xây dựng theo cấu trúc EDM khác trên thị trường thường để đoạn drop là các âm thanh điện tử, nơi các producer có thể thoải mái trình diễn sự kết hợp, phối trộn tạo ra đoạn nhạc bắt tai nhất có thể. Ca sĩ có đưa giọng hát của mình vào phân đoạn này thì cũng chỉ là các câu hát ngắn. Như ở See tình, khi đến drop Hoàng Thùy Linh chỉ hát đúng 1 câu “Anh tính sao giờ đây anh tính sao?”.

vo_ha_tram.jpg

Đoạn drop độc đáo giúp Về với em khác hẳn với các bản EDM khác trên thị trường.

Về với em thì lại khác. Đoạn drop trong ca khúc này sử dụng chính giọng hát của Võ Hạ Trâm là âm thanh chính. Cô liên tục sử dụng quãng head voice cao vút với sự kiểm soát lực và tiết tấu hoàn hảo để theo sát từng sự biến hóa trong mặt âm thanh. Ở drop cuối cùng, Trâm còn lồng thêm một đoạn vocal bè, vừa giúp làm dày bài hát, giúp cho các phân đoạn có sự khác biệt không nhàm chán, vừa tiếp tục khoe khả năng belting quãng cao tốt của mình.

Chính việc đặt giọng hát vào một phân đoạn không dễ đoán, khoe kỹ thuật đúng lúc đúng chỗ, Về với em không tạo ra sự hàn lâm khiến khán giả cảm thấy xa cách mà dễ dàng bắt vào đoạn drop rất bùng nổ của bài. Mặt khác, việc sử dụng drop là chính giọng hát cũng khiến Về với em là một bản EDM chỉ có Võ Hạ Trâm mới có thể làm ra được bởi đa số các ca sĩ theo đuổi EDM khác không có nền tảng kỹ thuật tốt để thực hiện những kỹ thuật khó như cách Trâm phô diễn ở đây.

Khai thác chất liệu âm nhạc độc đáo trên thị trường và dám bước ra khỏi vùng an toàn, Võ Hạ Trâm cho thấy tình yêu và sức sáng tạo với âm nhạc của cô vẫn còn rất lớn.

Về với em, Trâm đã dung hòa được giọng hát của mình với thị hiếu của khán giả, không còn hình ảnh một cô giảng viên nghiêm túc với những màn show giọng khủng nữa, mà là một ca sĩ Võ Hạ Trâm xây dựng được một ca khúc bắt tai và đáng nhớ.

Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc

Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.

Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022