photo-1-16608719361631732884483.jpg

2 phiên bản ca từ của "Còn tuổi nào cho em" do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tay. Bản trái là ảnh do bà Dao Ánh cung cấp cho gia đình nhạc sĩ, với câu đầu "Tuổi nào mang bướm hồng ép vào tay" (cũng đã được in trong cuốn "Thư tình gửi một người"). Bản phải in trong cuốn "Những tình khúc Trịnh Công Sơn" năm 1968, với câu đầu "Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay" - Ảnh: Bà Dao Ánh, MC Minh Đức cung cấp

Lâu nay, phiên bản phổ biến của Còn tuổi nào cho em vẫn có câu đầu tiên quen thuộc: "Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay".

Vì thế, khi nhìn thấy bức ảnh bản nhạc có câu đầu "Tuổi nào mang bướm hồng ép vào tay", nằm trong loạt ảnh chụp thư tình do bà Dao Ánh cung cấp cho gia đình nhạc sĩ mới đây, nhiều khán giả không khỏi ngạc nhiên.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, bản nhạc có ca từ "Tuổi nào mang bướm hồng ép vào tay" đã được công bố lần đầu trong cuốn sách Thư tình gửi một người, bản in đầu tiên năm 2011 và tái bản nhiều lần sau đó. Bản nhạc này được Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh trong bức thư năm 1964, cụ thể là ngày 3-12-1964.

photo-1-166087193814696216766.jpg

Sách "Thư tình gửi một người" (bản cứng, in năm 2011) với ca từ "Tuổi nào mang bướm hồng ép vào tay" - Ảnh: KHẢ LINH

Còn câu hát "Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay" xuất hiện từ năm nào? Theo MC Minh Đức, đến năm 1968, cuốn sách Những tình khúc Trịnh Công Sơn do chính tác giả ấn hành đã in bài Còn tuổi nào cho em với câu hát mới này.

Cả hai phiên bản câu hát đều được in với chữ viết tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nên không phiên bản nào là giả. Theo suy luận, có thể trong vòng 4 năm từ 1964 - 1968, nhạc sĩ đã suy nghĩ và thay đổi câu hát.

Rõ ràng, câu hát "Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay" mới là câu hát quen thuộc, đi vào lòng khán giả nhiều thế hệ. Còn câu "Tuổi nào mang bướm hồng ép vào tay" đầy lạ lẫm, khiến nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi, nhưng lại là câu hát gốc của bài Còn tuổi nào cho em.

Theo MC Minh Đức, vấn đề không lớn nhưng cũng cần thông tin lại rõ vì nhiều người lần đầu thấy câu "Tuổi nào mang bướm hồng ép vào tay" lại tưởng là sai.

Anh suy luận: "Vậy có thể coi “bướm hồng” là phiên bản nội bộ của hai người, liên quan tới kỷ niệm riêng nào đó, còn “lá vàng” là dành cho quần chúng đông đảo nơi nơi". Do đó, nếu sau này có ai hát "bướm hồng" thì cũng không thể coi là sai.

photo-2-16608719382281539340022.jpg

Cuốn "Những tình khúc Trịnh Công Sơn" (1968) có thể là ấn bản đầu tiên đổi sang câu hát "Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay" - Ảnh: MC Minh Đức cung cấp

Bình luận cùng MC Minh Đức trên mạng xã hội, ca sĩ Quang Dũng viết: "Có những bài hát nguyên bản, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết theo thời cuộc và mộng mơ của thời đó. Còn ở những tuyển tập ca khúc sau này, nhạc sĩ có ý đổi ca từ để phù hợp thực tại. Nhiều bài đã được thay đổi để âm nhạc gần gũi với đời sống hôm nay".

Cũng trong cuộc thảo luận này, nhà văn - nhà thơ Nguyễn Anh Vũ cho biết năm 1999, anh theo bác đến hầu rượu mấy nhạc sĩ ở nhà Trịnh Công Sơn và đã được nghe phiên bản "bướm hồng ép vào tay".

"Tôi hân hạnh được nghe lời giải thích rằng nhạc ảnh đó là cánh phượng ép trong vở học trò" - Nguyễn Anh Vũ viết.

Ca khúc "Còn tuổi nào cho em" - ca sĩ Bùi Lan Hương (nhạc phim "Em và Trịnh") với phiên bản "Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay"

Còn khán giả trẻ khá đón nhận phiên bản "mới mà cũ" này. Khán giả Ngọc Linh nói với Tuổi Trẻ Online: "Từ "bướm hồng ép vào tay" sang "lá vàng úa chiều nay", ai cũng nhìn thấy sự thay đổi rất lớn ở tâm thế của nhạc sĩ. Một bên là sự tươi trẻ, ngây thơ của mối tình thanh xuân học trò, một bên là chiếc lá úa sắp rụng báo hiệu tuổi già, chia ly.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không còn nữa để giải thích vì sao lại thay đổi câu hát, nhưng nếu là người yêu nhạc Trịnh, hẳn ai cũng lắng lòng để tự cảm nhận được".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022