NSND Trung Kiên và NSND Quý Dương học cùng khoa Thanh nhạc, Trường Âm nhạc Việt Nam (NSND Trung Kiên học khóa 3, NSND Quý Dương học khóa 1). Vì vậy, trong ký ức của NSND Trung Kiên, NSND Quý Dương là một người tài năng, hết sức giản dị.
“Anh Quý Dương hơn tôi 1 tuổi và thực sự là người có cống hiến rất lớn cho nền ca hát Việt Nam. Ngày còn trẻ, chàng trai Hà Nội gốc Quý Dương khá tài giỏi, đẹp trai đào hoa, có nhiều cô gái theo đuổi nhưng anh sống rất đàng hoàng, đúng mực”, NSND Trung Kiên kể.
Ông cho biết thêm, ngay từ năm thứ 2 tại Trường Âm nhạc Việt Nam, NSND Quý Dương đã được chọn đóng vai chính trong vở Opera nổi tiếng “Épghênhi Ônhêghin” của nhạc sĩ vĩ đại người Nga Traicôpxki, do một đạo diễn Liên Xô dàn dựng. Tiếp đó là các vở “Núi rừng hãy lên tiếng” của Triều Tiên, rồi đến "Madam Butterfly”, “Ruồi Trâu”… Năm 1959, sau khi tốt nghiệp, NSND Quý Dương được giữ lại làm giảng viên thanh nhạc của trường.
“Tôi, NSND Quý Dương, NSND Trần Hiếu hát với nhau rất ăn ý. Nhiều năm về trước, có tam ca 3A, nên chúng tôi gọi vui nhóm của mình là tam ca 3C, tức là… nhóm nhạc 3 cụ hát với nhau. Nhóm tam ca 3C của chúng tôi được khán giả yêu mến nhiều lắm. Sau này, anh Quý Dương ốm, không đi hát nhiều nữa, thì NSND Quang Thọ thế vào chỗ đó. Với tôi, NSND Quý Dương là người bạn tâm giao gắn bó từ kháng chiến chống Mỹ tới giờ”.
Theo lời kể của NSND Trung Kiên, thời bao cấp, NSND Quý Dương thường hay dành thời gian dạy nhạc cho công nhân và người lao động nghèo tại nhà riêng. Ông giản dị đến nỗi, vừa ngồi nhặt rau muống, vừa dạy nhạc một cách thoải mái vui vẻ. Thậm chí, sau khi trở thành Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, dù không đi hát nhiều nữa, nhưng NSND Quý Dương vẫn miệt mài dạy dỗ, truyền đạt kiến thức cho rất nhiều thế hệ học trò.
“NSND Quý Dương còn sở hữu một tiếng hát “địch vận” (tiếng hát vận động binh lính địch rời bỏ hàng ngũ) quý hiếm từng nổi danh một thời. Tiếng hát của ông đẹp, tình cảm, quyến rũ khiến cho không ít binh lính địch phải xao lòng”, NSND Trung Kiên nói. Sở dĩ NSND Trung Kiên biết rõ điều này vì 2 người từng có 1 thời gian cộng tác cho Đài tiếng nói VN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Với NSND Quang Thọ, thì sự ra đi của NSND Quý Dương không chỉ là sự mất mát to lớn của của riêng ông, mà còn của người yêu nhạc, của các thế hệ làm công tác thanh nhạc nói chung. Giống như chia sẻ của NSND Trung Kiên, sự ra đi của NSND Quý Dương không phải điều gì quá đột ngột với NSND Quang Thọ, bởi những người yêu mến ông vẫn luôn biết rằng một ngày không xa, ông sẽ phải ra đi vì căn bệnh hiểm ác.
NSND Quang Thọ may mắn gặp được NSND Quý Dương vào cuối năm 1964. Chính sự gặp gỡ tình cờ này là bước chuyển lớn nhất trong cuộc đời ca hát của ông.
“Tôi gặp NSND Quý Dương vào thời điểm vẫn còn là 1 anh công nhân mỏ - 1 ca sỹ nghiệp dư ở Quảng Ninh. Lần đó, NSND Quý Dương cùng đoàn nghệ thuật Trung Ương về Quảng Ninh biểu diễn. Sau khi nghe tôi hát, NSND Quý Dương tỏ ra thích thú và khuyên nên đi học chuyên nghiệp tại trường nhạc. Với lời khuyên như thế, đương nhiên, tôi rất vui và hạnh phúc. Nhưng, vào thời điểm đó, tôi chưa đủ điều kiện để đi học, nên vẫn tiếp tục là một anh công nhân mỏ, một ca sỹ nghiệp dư suốt 8 năm ở Quảng Ninh. Rồi sau đó, tôi vào chiến trường, dĩ nhiên, vẫn luôn nghe giọng hát của NSND Quý Dương. Tôi luôn đau đáu một điều rằng, nếu có cơ hội học thanh nhạc, sẽ cố gắng hát được như NSND Quý Dương”.
Năm 1972, sau khi đi chiến trường về, NSND Quang Thọ bắt đầu học nhạc chuyên nghiệp tại trường Học Viện Âm nhạc. Đây là khoảng thời gian ông được gần gũi, nhận sự giúp đỡ từ phía NSND Quý Dương - mặc dù không trực tiếp học NSND Quý Dương. Và, khi NSND Quang Thọ có chỗ đứng trong làng nhạc, khá nhiều lần ông được NSND Quý Dương mời cộng tác. “Dù tôi sinh sau đẻ muộn hơn hàng chục năm, nhưng NSND Quý Dương vẫn cho tôi quyền được là đồng nghiệp ngang hàng. Anh nhiều lần mời tôi biểu diễn thời còn làm Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Tôi thực sự biết ơn NSND Quý Dương đã dạy bảo, truyền đạt những kinh nghiệm để đời. Anh là 1 người giản dị, sống tình cảm. Trong những ngày tháng ốm đau, tôi biết, anh vẫn đi dạy. Đó thực sự là 1 điều đáng quý. Với tôi, NSND Quý Dương không chỉ là người phát hiện ra giọng hát, mà còn là đồng nghiệp, người bạn, người thầy đáng kính”. Cũng giống NSND Trung Kiên, hình ảnh giản dị vừa ngồi nhặt rau, vừa dạy nhạc của NSND Quý Dương chính là “điều không thể thiếu” trong dòng hồi ức của NSND Quang Thọ.
“NSND Quý Dương giản dị, không bao giờ màu mè. Có lần, tôi đến chơi lúc anh đang dạy học, anh vui vẻ nói với tôi rằng: Chú cứ lấy bia ở trong tủ mà uống, rồi xem dạy học. Tôi thấy anh vừa nhặt rau, vừa hướng dẫn thanh nhạc cho học trò một cách gần gũi, giản dị vô cùng. Đó có lẽ đó là hình ảnh để tôi nhớ mãi về anh. Một NSND đáng kính trọng”.