Nghệ sĩ Quyền Văn Minh: "Tôi chỉ là người khởi xướng phong trào chơi jazz tại Việt Nam" - Ảnh: NVCC
May mắn được là người chuyển ngữ cuốn sách Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội (Omega+ và NXB Hội Nhà Văn) của tác giả Stan BH Tan-Tangbau vừa ra mắt ở Việt Nam, tôi có buổi trò chuyện cùng nhạc sĩ - nghệ sĩ QUYỀN VĂN MINH tại Bình Minh Jazz Club của ông trong một buổi chiều thu.
Đường dài "luyện quân" cho jazz Việt
* Xin chào nghệ sĩ Quyền Văn Minh. Hỏi thực, khi đọc lại về cuộc đời mình trong cuốn Chơi jazz ở Việt Nam do một người khác thuật lại, ông có thấy lạ lùng?
- Thực ra các thông tin nhắc đến tôi trong thế giới nhạc jazz thì truyền hình hay báo chí đã có rồi, thế nhưng một cuốn sách thì lại là sự tích tụ kiểu khác, vì các phương tiện kia người ta đọc rồi cũng lướt qua, song đã thành sách thì nó sẽ được lưu ở đấy.
Dù đã có bản lĩnh hơn xưa nhưng khi đọc lại tôi cũng hồi tưởng nhiều, có lúc còn rơm rớm nước mắt nữa.
* Người ta gọi ông là "bố già jazz Việt", nhưng người viết sách về ông lại là một người Singapore. Phải chăng thành tựu của ông được đánh giá công bằng hơn dưới lăng kính quốc tế?
- Hồi đó, tôi đưa một tốp nghệ sĩ qua biểu diễn ở Singapore và tình cờ Stan là khán giả. Sau này tôi mới biết Stan là một học sinh học tiếng Việt, cậu đưa cho tôi một tờ giấy năm hào hai xin chữ ký rồi dần trở thành khách quen ở quán Bình Minh Jazz Club.
Có lần Stan hỏi tôi định viết hồi ký không. Tôi bảo để khi nào jazz thành công ở Việt Nam đã chứ giờ thì chưa. Thế rồi Stan ngỏ ý viết cuốn sách này.
Tôi nghĩ dù sao người nước ngoài cũng vô tư hơn. Thí dụ mình nhờ ông bạn nhà văn nào viết hộ thì lại thành câu chuyện đánh bóng tên tuổi, ngại lắm.
* Cuộc đời của Quyền Văn Minh qua cuốn sách này khiến tôi liên tưởng tới cuộc đời của nghệ sĩ Charlie Parker. Ông cũng là người tự đào tạo, cũng sở hữu một quán jazz club nổi tiếng ở New York. Giờ đây là một nhà giáo, ông có nghĩ vai trò giáo dục jazz không quan trọng bằng nỗ lực tự thân?
- Về sự so sánh với Charlie Parker, tôi chỉ nhớ tôi từng xem một bộ phim tiểu sử về ông ấy, có đoạn khi ông mới tiên phong dòng nhạc bebop và chưa được khán giả đón nhận, ông liền đứng trên cầu ném cái kèn xuống sông. Tôi thì chắc là thôi, không làm thế được.
Nói về việc trở thành người thầy, phải kể từ khi tôi mới ký hợp đồng chơi nhạc jazz ở khách sạn Metropole. Lúc mới đầu, mình rất thích, dù thật ra cũng chỉ là cao hơn cái cát xét một tí vì mình là người sống chơi nhạc, và âm nhạc cũng chỉ là đồ trang trí thôi chứ chưa phải cuộc biểu diễn.
Năm 1996 khi tôi tới Paris, sau giờ diễn đến các jazz club của họ, với những bàn rất nhỏ chỉ để uống nước và mọi người đều tập trung vào sân khấu, tôi mới nghĩ mình phải làm được một nơi như thế, phải có chỗ biểu diễn thì người biểu diễn mới giỏi được.
Và sau buổi trình diễn thành công năm 1994 ở Nhà hát lớn, tôi đã ấp ủ kế hoạch luyện quân và đưa anh em ra biểu diễn nước ngoài.
Khi tôi chuyển sang làm thầy thì tôi chấp nhận phải đi chậm lại trên con đường nghệ sĩ, vì từ nay mình phải chia sẻ thời gian cho người khác. Tự tôi biết mình không thể trở thành một nghệ sĩ như các bậc vĩ nhân của jazz, vì tôi không thể nào vừa phấn đấu làm việc đó lại vừa lo cho quán được.
Về vai trò giáo dục trong jazz, là người tự học, tôi cũng hẫng nhiều kiến thức. Không như Quyền Thiện Đắc được học nghiêm túc, còn tôi nhiều khi phải dành cả đêm đọc thêm tài liệu.
Giờ đã về hưu, tôi vẫn dạy các cháu 12, 13 tuổi mà tôi hay đùa là còn mũi dãi cả, mình phải lau sạch sẽ cho chúng, rồi mong có ngày đưa được các cháu mang kèn saxophone ra quốc tế thi tài, chứ thực ra trước nay đã có ai đâu.
Jazz sống động từng phút một
* Jazz vốn bắt nguồn từ một khao khát tự do của người nô lệ da đen trên đất Mỹ. Còn với ông, có một khao khát tự do nào trong nhạc jazz của Quyền Văn Minh?
- Có chứ. Jazz là thứ âm nhạc rất dân chủ, các nghệ sĩ khi đứng trước jazz là một sự công bằng hết mức. Không ai đệm cho ai cả, ai cũng là nghệ sĩ độc tấu với tầm vóc như nhau. Cái tự do của jazz có trật tự riêng, nhưng người chơi jazz được tự lựa chọn thang âm và câu nhạc để chắp nối lại.
Thực ra nghệ sĩ jazz đều đã tập trước những đoạn ngẫu hứng rồi, nhưng khi lên sân khấu, bỗng mình như mê đi và chơi theo một hướng khác hẳn dù bố cục vẫn vậy, thì đó là cái hưng phấn vô giá của jazz. Jazz là thứ âm nhạc sống động từng phút một.
* Ban đầu, ông đã để nhạc jazz là nhạc nhẹ quốc tế trong các chương trình của mình. Phải đến buổi hòa nhạc của ông ở Nhà hát lớn năm 1994, chữ "jazz" mới xuất hiện một cách chính thống trong nội dung chương trình. Ông nghĩ bước chuyển này có ý nghĩa gì?
- Cực kỳ quan trọng. Khi jazz còn mang cái tên nhạc nhẹ quốc tế, tôi phải dùng một ban nhạc nhảy để đệm jazz. Đến năm 1994, cũng có người không vui khi tôi phá vỡ mô hình biểu diễn trước đó, nhưng tôi thực sự đã hướng đến mục tiêu khác rồi.
Tôi muốn biểu diễn saxophone với nhạc cổ điển, với jazz thế giới và với âm nhạc dân gian Việt Nam phong cách jazz. Thực ra, những nhạc sĩ lớn như Hoàng Vân hay Đỗ Hồng Quân đều thấu hiểu cả.
Đây cũng là một phần thưởng cuộc đời, vì bây giờ mọi người nhắc tới nhạc jazz thì vẫn nhắc tới ông Minh.
* Cả đời mình ông đã cống hiến cho jazz. Có bao giờ ông mong đợi jazz trả lại gì cho mình?
- Tôi nhớ hồi xưa khi còn sống trên cái lều ở tầng thượng khu nhà phố Hàng Giấy, dạy học xong lại xin vài lát dưa nhà hàng xóm nhâm nhi, nghèo đến thế. Thế mà âm nhạc nó luôn sống trong tâm thức mình. Lúc nào tôi cũng đặt cái đĩa jazz lên rồi tự hỏi bao giờ mình chơi được bài này.
Thực lòng tôi chẳng mong đợi gì từ jazz. Tôi có tiếng kèn mà đến giờ vẫn tự hào là nếu chơi tình khúc thì không học trò nào bằng. Nếu tôi muốn kiếm ăn bằng nghề biểu diễn trong không gian âm nhạc xã hội thì giờ chắc cũng giàu đấy, bởi đó là nhạc nịnh, nhạc chiều khán giả.
Song tôi nghĩ chắc mỗi người có một cuộc đời. Tôi chỉ là cây cỏ dại trong vườn thượng uyển âm nhạc đất nước, một cây cỏ mọc rất trật tự, nhưng mưa không chết, nắng không chết, nhổ không chết.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, tôi thích nhất chương Bàng Đức tử chiến với Quan Công. Lúc ấy Quan Công đã lừng lẫy lắm rồi, không ai dám đụng, thế mà Bàng Đức quyết định xuất quân. Khi ra quân, Bàng Đức đưa quan tài đi trước, sẵn sàng để chết.
Thế mà Quan Công đánh mãi không thắng được Bàng Đức, phải khi Phàn Thành bị ngập thì mới bắt được Bàng Đức. Vậy mà Bàng Đức không chịu hàng, bảo rằng mình chỉ thờ một chủ. Câu chuyện chắc là không liên quan, nhưng tôi vẫn luôn nghĩ tôi thờ một cái đạo, chính là đạo jazz.
Mơ ước làm một CD 9 tác giả jazz
Bìa cuốn sách Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội
* Dẫu cho jazz đã trở thành một tiểu văn hóa ở Việt Nam nhưng nó vẫn được coi là dòng nhạc không gần gũi với quần chúng. Nhiều nhạc sĩ đưa jazz thành một thành tố trong nhạc đại chúng, song dường như Quyền Văn Minh không phải người chịu thỏa hiệp với điều đó?
- Vâng, cá nhân tôi cho rằng đã là jazz thì nó phải có ngôn ngữ riêng. Khách Việt Nam ở quán của tôi giờ có nhiều, nhưng bao giờ mọi người nghe những bản nhạc dân gian Việt Nam phong cách jazz mà họ tán thưởng thì mới sướng.
Giờ mỗi khi chơi nhạc dân gian Việt Nam, công chúng thoáng nghe qua sẽ thấy dễ chịu, mình chơi bài nước ngoài rồi tự nhiên xen vào một bài Việt Nam thì mọi người thích, chứ nếu chơi liền năm bài Việt Nam thì chưa.
Tôi nghĩ để đại chúng hóa nhạc jazz thì còn phải chờ cả xã hội nữa. Mơ ước của tôi là làm được một chiếc đĩa CD với chín tác giả jazz, mỗi người sáng tác một bản jazz dựa trên nhạc dân gian Việt Nam.
Nó sẽ tạo cho thế hệ sau có niềm tin chơi jazz, hay một người quan tâm jazz trên thế giới nhìn vào là họ thấy tư tưởng của người làm ra chiếc đĩa này.
Thực ra nếu không có tôi thì nhạc jazz nước mình cũng chậm lại tí thôi. Ai bảo tôi mang jazz về Việt Nam cũng không phải, chỉ là tôi khởi xướng phong trào chơi jazz, tôi dám làm việc ấy vào thời còn nhiều cái khó. Vì nhạc jazz bắt nguồn từ Mỹ mà Mỹ khi ấy lại đang đối đầu Việt Nam.
"Tôi chỉ là cây cỏ dại trong vườn thượng uyển âm nhạc đất nước, một cây cỏ mọc rất trật tự nhưng mưa không chết, nắng không chết, nhổ không chết.
TTCT - "Câu chuyện nhạc jazz và cuộc đời một nghệ sĩ thật sự có thể giúp chúng ta diễn đạt câu chuyện lớn hơn và sâu hơn về đời sống văn hóa và sự biến đổi văn hóa - chính trị - xã hội ở Việt Nam"