Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là tác giả của nhiều nhạc phẩm phổ biến: Chiều mưa biên giới, Nhớ một chiều xuân, Sắc hoa màu nhớ, Khúc xuân ca, Nhớ một chiều xuân... Ông còn dùng một số bút danh khác để sáng tác như: Phượng Linh, Vì Dân và Đông Phương Tử, Phương Hà.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã viết những ca khúc đầu tiên khi ông mới 16 tuổi, đó là tác phẩm Thiếu sinh quân hành khúc, Tạm biệt mùa hè. Ông viết khá nhiều về đề tài người lính như: Chiều mưa biên giới, Phiên gác đêm xuân, Mấy dặm sơn khê...
Ông đã sử dụng bút danh Đông Phương Tử và Phượng Linh để viết nhạc nền cho nhiều vở tuồng và cải lương. Ông cũng là đạo diễn của 50 vở tuồng, cải lương nổi tiếng như: Nửa đời hương phấn, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng, Đoạn tuyệt ...
CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI - Nguyễn Văn Đông -Thanh Tuyền
Ông cũng đồng thời viết khá nhiều bản Thánh ca: Màu xanh Noel, Mùa sao sáng, Bóng nhỏ giáo đường, Tình người ngoại đạo… và viết lời Việt cho hàng loạt bản nhạc cổ điển, nhạc ngoại Giáng sinh: Ave Maria, Đêm Thánh vô cùng (Stille Nacht), Hồi chuông nửa đêm (Jingle Bells)…
Từng là là Giám đốc Hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chính là người đưa ra sáng kiến thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm.
Các danh ca thời đó như Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu, Phương Dung, Giao Linh, Thanh Tuyền... đều đã thực hiện album riêng từ sáng kiến của ông. Ngoài ra, ông còn thực hiện album riêng cho những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Sinh năm 1932 tại Sài Gòn, vốn là một tên tuổi lớn của nền tân nhạc nhưng từ sau năm 1975 ông chọn sống trong thinh lặng ở ngôi nhà ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận (TP.HCM).
Được biết sau năm 1975, vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mở tiệm bánh mì Nhiên Hương tại nhà để sinh sống. Những năm gần đây, khi trào lưu nhạc xưa trở lại thì gia đình ông có thêm tiền tác quyền nhiều từ tác phẩm âm nhạc của ông.
Trong buổi livestream vào sáng 27-2 từ hải ngoại, ca sĩ Thanh Tuyền - một trong những tên tuổi lớn lên nhờ sự dìu dắt của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông - nói sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là sự mất mát lớn.
"Cuộc đời sanh lão bệnh tử ai cũng phải chấp nhận nhưng đây là người thầy duy nhất đã cho tôi cuộc đời nghệ thuật ngày hôm nay, cho tôi từ Như Mai thành cái tên Thanh Tuyền hôm nay", ca sĩ Thanh Tuyền chia sẻ trong buổi livestream.
Gần gũi nhất với gia đình nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông những ngày cuối cùng là vợ chồng ca sĩ Giao Linh. Vợ chồng ca sĩ Giao Linh là người phụ trách cáo phó, lo hậu sự cùng vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
Ca sĩ Giao Linh với ca khúc Niềm đau dĩ vãng do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết riêng cho cô với bút danh Phượng Linh. Đây cũng là một trong những ca khúc cô yêu thích.
Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online, ca sĩ Giao Linh nói: "Hôm 26-2, hay tin thầy nhập viện là tôi cùng ông xã vào thăm ngay. Lúc đó gần 17h và thầy tỉnh táo lắm, vui vẻ trò chuyện, ăn uống còn thấy ngon miệng nữa. Không ngờ sau đó thầy lại ra đi.
Chúng tôi không nghĩ là thầy sẽ ra đi mà chắc thầy cũng không ngờ. Vì lúc nhập viện thầy chỉ kêu mệt, nghĩ là vô truyền vài chai nước biển rồi về. Nhưng có lẽ vì nhiều bệnh già nên thầy đã không qua khỏi.
Sự ra đi của thầy là một mất mát rất lớn với chúng tôi và cho cả nền tân nhạc Việt Nam nữa".
Trong khi đó, vợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng cho hay lâu nay nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có mắc nhiều bệnh như thoái hóa khớp, tiểu đường, đau dạ dày và huyết áp không ổn định.
"Những bệnh đó tôi đều biết và gìn giữ được bởi tôi cũng vốn xuất phát trong ngành y, nhưng 12h trưa hôm qua (26-2) thì ông phải nhập viện cấp cứu vì phù động mạnh chủ.
Đến 19h30 hôm thì ông ra đi vì vỡ động mạch chủ. Trước khi mất năm mười phút ông vẫn rất tỉnh táo trò chuyện với tôi nhẹ nhàng" vợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể.
Linh cữu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được quàn tại tư gia (271A Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Lễ động quan diễn ra vào 12h ngày 2-3 (nhằm ngày 15 tháng giêng Mậu Tuất), sau đó nhạc sĩ được hoả táng tại Bình Hưng Hoà. Gia đình thông báo xin miễn chấp điếu, hoa quả.
Nguồn: tuoitre.vn