Trong tham luận gửi đến Hội thảo Văn hóa 2022 tổ chức ngày 17/12 ở Bắc Ninh, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung đề cập đến nhiều khó khăn đối với người sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc Việt Nam khi muốn xuất khẩu tác phẩm ra thế giới.
Theo ông, nền âm nhạc Việt Nam là "nền âm nhạc khép kín, trong nhiều năm không giao lưu, cọ xát, ước mơ hội nhập cho tới giờ vẫn là ước mơ. Mọi giao lưu với bên ngoài vẫn chỉ là đoàn ra, đoàn vào theo phương thức trao đổi văn hóa chứ chưa thực sự là nhu cầu của công chúng".
Quốc Trung cho rằng rất ít nghệ sĩ Việt Nam có khát vọng vươn xa hay ước mơ mang âm nhạc của mình ra bên ngoài. Đồng thời, nghệ sĩ Việt không hiểu và không biết làm thế nào để có được sản phẩm âm nhạc đủ sức thu hút và hội nhập với thế giới. Việc này dẫn tới việc "hạn chế năng lực sáng tạo, thị trường âm nhạc phát triển mất cân đối, tiềm năng thui chột, tâm lý tự ti, chộp giật, không có kế hoạch phát triển bền vững".
"Điều nguy hiểm là chưa hoặc rất hiếm hoi nghệ sĩ có thói quen tìm tòi sự mới lạ hay đặt mục tiêu xây dựng cá tính âm nhạc lên hàng đầu mà chủ yếu chạy theo trào lưu ngắn hạn", nhạc sĩ nhận định.
Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung phát biểu tại hội thảo sáng 17/12. Ảnh: Phạm Thắng
Ở chiều ngược lại, đa phần chỉ những ngôi sao quốc tế đã qua thời đỉnh cao từ 20-30 năm trước mới đồng ý về nước biểu diễn do phù hợp với thị hiếu khán giả và đòi hỏi thù lao thấp. Ban tổ chức trong nước hầu như không thể mời những ngôi sao đương thời, có giá thành quá cao vượt sức chi trả phổ thông cộng thêm yêu cầu phức tạp về trang thiết bị hay điều kiện tổ chức.
"Chính việc đó dẫn tới sự nghèo nàn không chỉ về kinh tế mà nghèo cả về sự cởi mở đón nhận, sự đa dạng không chỉ đối với khán giả mà ngay chính với nghệ sĩ, nhà sản xuất, nhà quản lý hay nói đúng hơn là toàn bộ những người tham gia vào nền công nghiệp âm nhạc và biểu diễn của Việt Nam", ông Quốc Trung nói.
Giải pháp căn cơ là cải thiện môi trường làm việc, môi trường sáng tạo; đẩy mạnh thị trường âm nhạc lành mạnh, cạnh tranh lành mạnh hướng tới nền công nghiệp âm nhạc tiên tiến. Đối với chế độ kiểm duyệt, cấp phép, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng cần sớm thay đổi theo định hướng mang tính ủng hộ, hỗ trợ cho nhà sản xuất tư nhân, thay vì kiểm soát hay soi xét.
"Sự quản lý và kiểm duyệt cũng cần có sự đồng nhất và tránh những cảm tính cá nhân. Cần có những quy định, luật định rõ ràng, tỉ mỉ cho dù những quy định ấy có thể có những đặc thù và khắt khe thì đều vẫn sẽ nhận được sự đồng lòng của tất cả", nhạc sĩ đề xuất.
Trình bày tham luận, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nhìn nhận ngành công nghiệp âm nhạc hiện nay có nhiều bất cập. Lực lượng lao động thiếu kỹ năng quản lý và kinh doanh chuyên nghiệp, công nghệ số hóa chưa được ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ, sự hợp tác giữa cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa chưa đảm bảo.
Bên cạnh đó, tình hình vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ còn diễn biến phức tạp trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, doanh thu chương trình thấp, kéo lùi đam mê cống hiến, sức sáng tạo của nghệ sĩ.
Phó chủ tịch TP HCM kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp lý trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá gắn với mục tiêu kinh doanh hiệu quả, khuyến khích và thu hút xã hội hóa cho dự án khởi nghiệp trên lĩnh vực âm nhạc.
Về cơ sở vật chất, ông Đức đề xuất đầu tư trọng điểm công trình nhà hát, trung tâm giải trí đạt chuẩn quốc tế, chuyển đổi số trên lĩnh vực văn hóanghệ thuật, áp dụng thành tựu của khoa học công nghệ...
Hội thảo Văn hóa 2022 chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, diễn ra với với hai phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với nhóm nội dung thảo luận chính về: Thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa
Sự kiện được tổ chức nhằm rà soát, phân tích hệ thống chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa và việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra.
Sơn Hà