Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Ba Lan - Maestro Wojciech Czepie, dàn nhạc giao hưởng Hà Nội đã trình diễn tác phẩm mang âm hưởng dân gian Việt Nam - "Vũ điệu Chèo và lên đồng" của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Ở tác phẩm này, nhạc sĩ đã sử dụng các làn điệu chèo như: "Con gà rừng", "Xẩm xoan", "Cách cú", "Hề mồi", "Bình thảo", "Lưu không" và Chầu Văn "Dọc cờn xá".
Czepiel là người đầu tiên dàn dựng và chỉ huy "Vũ điệu Chèo và lên đồng" cho dàn nhạc giao hưởng. Và theo nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, đây cũng là lần đầu tiên trống đế của Chèo được chơi như một soloist trong dàn nhạc giao hưởng. Điều đặc biệt này đã tạo sự bùng nổ và nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của hàng trăm khán giả ở phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Ba Lan - Maestro Wojciech Czepie, dàn nhạc giao hưởng Hà Nội đã trình diễn "Vũ điệu Chèo và lên đồng" của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc (Ảnh: Nguyễn Quyết).
Trước đó, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chia sẻ rằng, việc đưa hai loại hình nghệ thuật chèo và chầu văn vào dàn nhạc giao hưởng là sự nỗ lực rất lớn của những người làm nghệ thuật trong việc bảo tồn, phát huy và quảng bá nghệ thuật truyền thống tới giới trẻ cũng như bạn bè thế giới.
"Tác phẩm này tôi đã hoàn thành trong thời gian đại dịch và đến nay mới có dịp biểu diễn trước công chúng", nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc nói.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc (giữa) chia sẻ về niềm vui khi đứa con tinh thần đến được với khán giả (Ảnh: Nguyễn Quyết).
Ngoài tác phẩm "Vũ điệu Chèo và lên đồng", đêm nhạc còn có phần biểu diễn độc tấu của tài năng Nguyễn Việt Trung với bản Piano Concerto No. 23 (Mozart), các nghệ sĩ dàn nhạc giao hưởng Hà Nội biểu diễn bản "Restored Torch" (Jakub Polaczyk)...
Nguyễn Việt Trung kết nối với khán giả bằng âm nhạc và kỹ thuật điêu luyện, trở thành tâm điểm của đêm diễn (Ảnh: Nguyễn Quyết).
Trước buổi biểu diễn, cũng trong tối 12/11, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã ra mắt cuốn sách "Tác phẩm cho hợp xướng, A Cappela, nhạc thính phòng và giao hưởng". Các tác phẩm được công diễn trong đêm nhạc đều nằm trong cuốn sách này.
"Tác phẩm cho hợp xướng, A cappella, nhạc thính phòng và giao hưởng" là tâm huyết của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc và là cuốn sách được Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trân trọng giới thiệu nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày thành lập.
Cuốn sách tổng kết toàn bộ cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc ở mảng hòa nhạc thính phòng và giao hưởng. Trong đó, bản đầu tiên được viết từ thập niên 1970, khi ông 20 tuổi, phổ thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi. Bài mới nhất được sáng tác năm 2021, tặng cố nhà thơ, họa sĩ Đặng Đình Hưng - bố danh cầm Đặng Thái Sơn...
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã ra mắt cuốn sách "Tác phẩm cho hợp xướng, A Cappela, nhạc thính phòng và giao hưởng" tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Quyết).
Phát biểu tại buổi ra mắt sách, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho rằng, các tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc là sự kết hợp khéo léo và tài tình các chất liệu từ dân ca Việt Nam với những kỹ thuật và bút pháp sáng tác hiện đại của thế giới.
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cũng đánh giá về cuốn sách: "Chúng ta đang sống ở kỷ nguyên số, vậy mà một thư viện điện tử cho ngành âm nhạc vẫn là ước mơ chẳng biết bao giờ mới thực hiện được. Muốn có một ngân hàng trên nền tảng số thì trước tiên phải số hóa tất cả các tác phẩm âm nhạc. Việc số hóa đó cực kỳ khó khăn, mặc dù rất cấp bách nhưng thực hiện không hề dễ dàng. Nhiều tổng phổ chưa bao giờ được vang lên. Nhạc cổ truyền của ta là truyền miệng, không có văn bản. Và ngay cả các tác giả, ý thức lưu trữ còn kém.
Khi Viện Âm nhạc có dự án xuất bản các tác phẩm giao hưởng Việt Nam, chúng tôi gặp nhiều khó khăn nên Viện mới thực hiện được 7 cuốn và dừng lại, không biết bao giờ mới hoàn thành. Trong 7 cuốn đó, mỗi tác giả chỉ có 1 giao hưởng và mới thực hiện tới tác giả sinh năm 1933.
Vì vậy, nếu thực hiện từ tác giả sinh năm 1953 như nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc thì không biết đến bao giờ. Vì vậy rất may cho chúng ta là nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc rất có ý thức lưu trữ và lưu trữ rất giỏi. Anh không chỉ giữ cho riêng mình và đã làm người đầu tiên ra cuốn sách cách đây 10 năm là 60 romance rất chuyên nghiệp. Và bây giờ trước thềm tuổi 70, tác giả đã ra một cuốn sách rất đồ sộ. Đây là sự kiện có ý nghĩa".
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu (phải) chia sẻ tại buổi ra mắt sách của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc (Ảnh: Nguyễn Quyết).
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sinh năm 1953, tốt nghiệp hai chuyên ngành Sáng tác và Piano tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), sau đó trở thành giảng viên của Học viện. Ông đi tu nghiệp tại Nhạc viện Paris của Pháp (1991-1992).
Sáng tác của ông gồm hai mảng chính là viết cho thanh nhạc (giọng hát) và khí nhạc (nhạc đàn). Ở mảng viết cho thanh nhạc, ông đã xuất bản "Tuyển tập 60 bài Romances và ca khúc cho giọng hát và piano" (2012). Và lần xuất bản này gồm bản: Hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng "Đất nước" (1973) cùng 10 bài viết cho hợp xướng A Cappella (2004).
Ở mảng viết cho khí nhạc, ông đã xuất bản "Tác phẩm cho đàn piano solo, 4 tay, 2 piano, 4 piano" (2018). Và lần xuất bản này là các tác phẩm viết cho hòa tấu nhạc thính phòng và giao hưởng.
Điểm chung các tác phẩm là kết hợp chất liệu từ dân ca Việt Nam với những kỹ thuật sáng tác hiện đại thế giới. Tác phẩm của ông được biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, trong đó, tác phẩm viết cho piano từng được danh cầm Đặng Thái Sơn thể hiện.
Cuốn sách tổng kết toàn bộ cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc ở mảng hòa nhạc thính phòng và giao hưởng (Ảnh: Nguyễn Quyết).
Ông còn viết nhạc cho hàng trăm bộ phim và nhiều vở diễn sân khấu kịch nói, múa, rối, xiếc... như các phim truyện nhựa: "Bỉ vỏ", "Ngõ hẹp", "Người đàn bà nghịch cát", "Tướng về hưu", "Dòng sông hoa trắng"..
Năm 2005, ông được trao giải Kim Tước cho nhạc phim xuất sắc tại Liên hoan phim Thượng Hải với phần âm nhạc trong phim "Thời xa vắng". Trước đó, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 tháng 12/2001, ông đã giành tất cả hai giải nhạc phim xuất sắc nhất cho phim nhựa "Mùa ổi" và phim video "Nắng chiều"…