Theo Sina, Vân cung tấn âm được nhiều khán giả đánh giá là nhạc phẩm hay nhất Tây du ký. Qua bốn thập niên, tác phẩm vẫn thường được nghe lại hoặc được fan ở châu Á chế thành các phiên bản vui nhộn. Tác giả bản nhạc là Hứa Kính Thanh, năm nay 80 tuổi. Ông sinh trong gia đình nghèo khổ, hồi nhỏ nhặt rác mưu sinh.
Nhạc mở màn "Tây du ký". Video: CCTV
Năm 14 tuổi, cha của Hứa Kính Thanh qua đời, cuộc sống của ông càng trắc trở. Tuy nhiên, đói nghèo không cản trở giấc mơ âm nhạc của Hứa Kính Thanh. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, ông đỗ vào Học viện nghệ thuật Cáp Nhĩ Tân, được phân bổ làm việc tại Trung tâm điện ảnh, truyền hình nông nghiệp Trung Quốc sau khi tốt nghiệp.
Năm 1983, đạo diễn Dương Khiết tìm người sáng tác khúc mở đầu cho Tây du ký, bảy nhạc sĩ giao tác phẩm cho đạo diễn nhưng bà không hài lòng bản nhạc nào. Qua giới thiệu, bà gặp Hứa Kính Thanh, yêu cầu ông sáng tác nhạc phẩm dài đúng hai phút 40 giây, vừa biểu đạt được không khí của "đại náo thiên cung", "giao chiến yêu ma" vừa thể hiện được chặng đường thỉnh kinh.
Bấy giờ, một số người khuyên Dương Khiết không nên mời Hứa Kính Thanh hợp tác vì ông không có danh tiếng nhưng đạo diễn nói: "Tôi không cần tiếng tăm, tôi cần âm nhạc". Sau khi nhận đề nghị, Hứa Kính Thanh mất ăn mất ngủ nhiều ngày vẫn không viết ra được nốt nhạc nào.
Nhạc sĩ Hứa Kính Thanh. Ảnh: Ifeng
Một hôm, vì quá mệt, ông lim dim ngủ. Lúc đó, bên ngoài, vài công nhân cầm thìa gõ lên hộp cơm ở giờ ăn trưa. Hứa Kính Thanh bừng tỉnh, bật dậy ghi lại các nốt nhạc đầu tiên "ten ten ten ten".
Hứa Kính Thanh là người đầu tiên sử dụng âm nhạc điện tử cho nhạc phim Trung Quốc. Ông nói: "Tây du ký vốn là thần thoại, không phải phim lịch sử cũng không phải võ hiệp, tôi nghĩ âm nhạc nên như thế". Đạo diễn Dương Khiết hài lòng với tác phẩm của Hứa Kính Thanh nhưng một số lãnh đạo của Dương Khiết không đồng ý, yêu cầu loại bỏ khúc nhạc, chấm dứt làm việc với Hứa Kính Thanh. Các lãnh đạo cho rằng bản nhạc quá lạ tai, không phù hợp văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Dàn nhạc giao hưởng chơi "Vân cung tấn âm". Video: i music
Theo The Paper, Dương Khiết đấu tranh dữ dội để giữ khúc nhạc. Bà từng nói: "Nếu đã giao tôi phụ trách về nghệ thuật, lãnh đạo đừng can thiệp". Hứa Kính Thanh cho biết biết ơn vì sự cứng rắn, quyết liệt của đạo diễn.
Khúc nhạc ban đầu không có tên. Nhiều năm sau, một khán giả gọi tác phẩm là Vân cung tấn âm, được Hứa Kính Thanh đồng tình. Ông cho rằng tên gọi này vừa mang màu sắc thần thoại vừa có vẻ đẹp văn học.Hứa Kính Thanh còn sáng tác 13 ca khúc, hơn 100 đoạn nhạc trong Tây du ký, trong đó có Xin hỏi đường ở nơi nào, Tình nhi nữ, Thiếu nữ Thiên Trúc...
Theo The Paper, những tác phẩm của Hứa Kính Thanh phổ biến quá rộng rãi nhưng tiền tác quyền cho ông thấp. Năm 2008, bản Trư Bát Giới cõng vợ gây sốt trở lại, được nhiều người tải làm nhạc chuông điện thoại nhưng Hứa Kính Thanh nói ông chỉ nhận được hơn 8.000 tệ (27 triệu đồng) tác quyền. Năm 2016, ông tiết lộ nhận được 100.000 nhân dân tệ tiền tác quyền (338 triệu đồng) mỗi năm.
"Vân cung tấn âm" phiên bản cổ tranh. Video: Moyun Official
Từ thập niên 1990, Hứa Kính Thanh mơ ước thực hiện đêm nhạc chủ đề Tây du ký. Tuy nhiên, nhạc sĩ không đủ kinh phí thực hiện. Năm 2016, sau khi viết tâm nguyện trên trang cá nhân, ông bất ngờ khi được nhiều khán giả động viên. Sau đó, Hứa Kính Thanh gạt đi các băn khoăn, e ngại để quyên góp kinh phí thực hiện đêm nhạc. Kết quả, gần 30.000 người gửi tổng số tiền khoảng năm triệu nhân dân tệ (gần 17 tỷ đồng) cho nhạc sĩ, vượt mức ba triệu tệ mà ông mong đợi. Nhiều người nói ủng hộ nhạc sĩ vì cảm thấy "nợ ông một tấm vé liveshow".
Bấy giờ, một doanh nhân đề nghị tài trợ khoản tiền lớn cho Hứa Kính Thanh với điều kiện để ông lên sân khấu hát một bài nhưng nhạc sĩ không đồng ý vì yêu cầu chất lượng nghệ thuật cao cho chương trình.
Liveshow kín khán giả. Kết thúc buổi diễn, Hứa Kính Thanh lên sân khấu, giọng nghẹn ngào: "Những năm qua thật không dễ dàng, bao nhiêu là gian khó nhưng tôi luôn tâm nguyện thực hiện đêm nhạc này. Nhờ giúp đỡ của mọi người, đêm nhạc thành hiện thực, bây giờ tôi không nói được gì, chỉ muốn khóc".
Thầy trò Đường Tăng trong "Tây du ký". Ảnh: QQ
Tây du ký bấm máy ngày 3/7/1982, sau đó được phát thử tập Trừ yêu ở nước Ô Kê vào tháng 10 cùng năm. Từ năm 1986, phim được phát trọn vẹn trên truyền hình, gây tiếng vang tại nhiều quốc gia châu Á. Theo Xinhua, tác phẩm có sức sống lâu bền, luôn được phát lại mỗi dịp hè hàng chục năm qua. Dù kỹ xảo thô sơ, tác phẩm đặc sắc nhờ nội dung, diễn xuất của dàn nghệ sĩ. Đến nay, nhiều khán giả cho biết vẫn nổi da gà khi nghe giai điệu của bộ phim.
Nghinh Xuân