Mới đây, cư dân mạng đã không khỏi xôn xao khi một tạo hình Bạch Liên do Denis Đặng thủ vai trong MV "Canh Ba" của Nguyễn Trần Trung Quân đã bị tố đạo nhái tạo hình của một nhân vật trong bộ kịch rối Đài Loan. Sự việc không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, mà khiến cả mạng xã hội nước bạn cũng xôn xao, đăng tải về việc "mượn" tạo hình này.
Một tài khoản weibo đăng tải về sự giống nhau của tạo hình Bạch Liên trong MV Canh Ba.
Cụ thể, tạo hình của nhân vật Bạch Liên trong phân đoạn khâm liệm - tổ chức "minh hôn" (đám cưới với người chết), bị cho là "đạo" tạo hình của nhân vật Cung Vô Hậu từ vở kịch rối Phích Lịch Bố Đại Hí của Đài Loan. Lời lẽ những bài đăng này khá gay gắt.
Các bình luận trên MXH Việt Nam.
Được biết, “Phích Lịch Bố Đại Hí” là bộ kịch rối có sức truyền bá rất rộng rãi, cốt truyện ban đầu được phát triển ra gồm đủ cả giang hồ ân oán tình thù, tính đến nay đã phát hành được trên 1500 tập mà các nhân vật cũng đã trở thành hình ảnh thương hiệu rất quan trọng của công ty Phích Lịch, trở thành thần tượng của không ít khán giả khiến những sản phẩm liên quan như con rối, băng đĩa, trò chơi… đều mang đến nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Nhưng, sự việc này nên hiểu ra sao?
Thứ nhất, cùng phân tích kĩ về màu sắc trên tạo hình của Bạch Liên với Cung Vô Hậu
Việc tạo hình của Bạch Liên lấy tông chủ đạo là màu đỏ khó có thể nói là "mượn ý tưởng" từ nhân vật của Đài Loan vì bộ trang phục trên là một tạo hình "hỉ phục" - tức trang phục dùng trong dịp lễ cưới, và màu đỏ chính là màu sắc chủ đạo của lễ cưới theo truyền thống Á Đông, nên nếu không sử dụng màu đỏ thì khó có thể dùng màu khác được. Tạo hình trang phục trên xuất hiện trong cảnh Hoàng thượng làm lễ cưới với thi hài của Bạch Liên, thế nên Bạch Liên được trang điểm lộng lẫy và mặc trang phục phù hợp với dịp này.
Việc cả tạo hình lấy màu đỏ làm chủ đạo vô hình trung tạo nên một ấn tượng thị giác ban đầu về sự giống nhau giữa Bạch Liên và Cung Vô Hậu. Trong khi thực chất màu đỏ này được sử dụng đúng dịp, đúng trường hợp.
Thứ hai nói về vấn đề phục trang của Bạch Liên so với Cung Vô Hậu
Cung Vô Hậu sử dụng phục trang là một chiếc áo giao lĩnh (hai vạt đan chéo) cùng một chiếc áo khoác ngoài dạng đối khâm (hai vạt song song) màu đỏ, điểm tô phục sức và các loại phụ kiện cầu kì. Trang phục của Bạch Liên sử dụng khá tương đồng: một chiếc giao lĩnh bên trong cùng áo khoác lụa mỏng bên ngoài. Đây không phải là dạng thức trang phục đặc trưng của riêng nhân vật Cung Vô Hậu, mà là cách phối trang phục phổ biến ở các nước Á Đông trong thời cổ - trung đại, bao gồm cả Việt - Trung - Hàn - Nhật.
Dạng phối phục trang giống của Bạch Liên: giao lĩnh bên trong, đối khâm bên ngoài. Trang phục được phục dựng của Vietnam Centre.
Tuy nhiên, điểm khác biệt đáng chú ý: hai vạt chéo của Cung Vô Hậu nằm sát với cổ nhân vật, trong khi hai vạt chéo của Bạch Liên không sát cổ, nằm thõng về phía bên dưới hơn. Giao lĩnh với hai vạt thõng xuống thay vì sát cổ là một biến tấu độc đáo của người Việt Nam, tạo điểm khác biệt đặc trưng với giao lĩnh của Trung Quốc. Có thể thấy, khi tiến hành thực hiện trang phục cho Bạch Liên, ekip đã có sự nghiên cứu khá kĩ để tạo nên nét khác biệt với Trung Quốc.
Giao lĩnh của Bạch Liên sử dụng so sánh với giao lĩnh thuần Việt do Nam Văn Hội quán phục dựng.
Giao lĩnh Việt cổ trong sách cổ.
Thứ ba, về chiếc mũ của Bạch Liên và Cung Vô Hậu
Thoạt nhiên, hai chiếc nón có vẻ khá giống nhau, nhưng khi nhìn kĩ thì không phải vậy. Chiếc mũ của Cung Vô Hậu là một tổng thể đồng nhất với phần trên và phần dưới được lắp lại với nhau, hai "chiếc cánh" vòng từ phần dưới ra sau tạo nên điểm nhấn của chiếc mũ. Trong khi chiếc mũ của Bạch Liên có cấu trúc khác hoàn toàn: một khối trụ nhỏ chính giữa, bao bọc xung quanh thêm một tấm bọc, tạo thành 2 phần tách biệt. Chính vì việc có cùng màu đỏ và hình dáng thuôn, dài khiến nhiều khán giả nhầm lẫn.
Dạng thức mũ của Bạch Liên dù chưa được chủ nhân xác nhận, nhưng có thể lấy cảm hứng từ hai loại mũ quan lại của Á Đông: mũ lương quan (thông dụng ở cả Việt - Trung - Hàn) và mũ bình đính (tiêu biểu của Việt Nam thời Lê Trung hưng).
Dạng mũ lương quan là loại mũ dành cho quan lại trong các dịp triều hội, lễ tế của các nước Á Đông, thông dụng ở cả Việt Nam - Trung Quốc - Hàn Quốc vào thời trung đại. (tham khảo: Lịch triều Hiến chương Loại chí và Ngàn năm áo mũ).
Mũ bình đính và các loại mũ chóp xuất hiện trên các bức họa cổ có niên đại vào thời Lê Trung hưng.
Tạm kết: đã làm phục trang Á Đông, chắc chắn sẽ có những nét tương đồng khó tránh khỏi
Chính Denis Đặng - giám đốc sáng tạo của toàn bộ dự án "Tự Tâm" lẫn "Canh Ba" - trong buổi họp báo ra mắt MV "Tự Tâm" đã phát biểu: "Một người làm sáng tạo chắc chắn sẽ biết tránh những điểm giống nhau và tương đồng, tuy nhiên vẫn sẽ học tập và chắt lọc từ những "nguồn tài nguyên" có sẵn. Việc xây dựng một MV mang màu sắc Á Đông sẽ không thể tránh khỏi những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc như hoa sen, mặt trăng, tiếng đàn cổ,... nhưng qua bàn tay sáng tạo, e-kíp đã thổi một hình ảnh và sự cách tân mới mẻ để dễ dàng tiếp cận khán giả hơn."
Tiếp đó, trong buổi họp báo "Canh Ba": "Canh Ba" cũng như "Tự Tâm" lấy hình tượng văn hóa Á Đông làm chủ đạo, mà trong đấy các hình ảnh biểu tượng như hoa sen, mặt trăng,... đều cực kì thông dụng, không phải của riêng ai. Bên cạnh đó, Denis cho biết anh đã đưa vào nhiều chi tiết văn hóa Việt trong MV này: nghi thức tang lễ của người Việt, hình ảnh quả trứng hột vịt lộn hay hình ảnh chiếc áo giao lĩnh,... Tất cả đều được nghiên cứu để đưa vào một cách có cân nhắc, để đảm bảo độ mĩ thuật cũng như gợi được phần nào nét Việt.
MV Canh Ba - Nguyễn Trần Trung Quân x Triple D
Có thể thấy, cả "Tự Tâm" lẫn "Canh Ba" ngay từ thời điểm ra mắt, bên cạnh sự đón nhận không nhỏ từ đông đảo khán giả, đã vấp phải không ít chỉ trích về nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, khán giả khó có thể phủ nhận nỗ lực cũng như sự đầu tư mà Nguyễn Trần Trung Quân lẫn Denis Đặng đã dồn sức cho những sản phẩm "bom tấn" này.
Thăm dò ý kiến
Bạn có thấy tạo hình Bạch Liên giống Cung Vô Hậu?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Rất giống, có đạo nhái ở đây rồi
Không hề, tạo hình Á Đông nên tương đồng là phải