Giai điệu Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương, Xuân họp mặt của Văn Phụng... và rất nhiều bài nhạc xuân sáng tác trước năm 1975 du dương phát từ những đầu máy cổ như biến nơi đây thành một thế giới riêng đầy hoài cổ.
Những bải nhạc xuân được ghi bởi những cuộn băng cối nhuốm màu thời gian - Ảnh: MINH CHIẾN
Ông Phương Chánh Hùng bên chiếc máy phát nhạc quay đĩa dây thiều - Ảnh: MINH CHIẾN
Bảo tàng nhạc xưa thu nhỏ
Cùng với những băng đĩa lưu giữ nhạc xuân cũ để cho chủ nhân và những người yêu nhạc "đón xuân này tôi nhớ xuân xưa...", căn nhà 3 tầng của ông Hùng bày kín hàng trăm băng đĩa với nhiều nội dung khác nhau.
Thời cao điểm những năm 2003 - 2004, ông có hơn 200 đầu máy và khoảng 6.000 băng cối. Sau này, ông bán và tặng bớt cho bạn bè, chỉ giữ lại những băng có giá trị.
Nói về cái duyên sưu tầm nhạc xưa, ông Hùng kể trước năm 1975, nhà ông có một tiệm chè có tiếng ở Nha Trang. Tiệm lúc nào cũng mở nhạc bằng đầu máy băng cối phục vụ khách. Khi đó ông mới 5, 6 tuổi, rất thích nghe nhạc và "ngấm" dần lúc nào không hay.
"Những năm cuối thập niên 90, nhiều loại máy phát nhạc hiện đại ra đời, người ta bắt đầu vứt bỏ những máy nghe băng cối, tôi thấy tiếc nên sưu tầm đầu máy, băng cũ với mong muốn giữ lại những thanh âm xưa.
Để có những đầu máy, băng cối, tôi phải săn lùng từ Đà Lạt, Bình Thuận, TP.HCM… thậm chí từ những vựa ve chai, đồng nát. Hễ cứ nghe chỗ nào bán đĩa nhạc, đầu máy xưa là tôi phải tìm mua cho bằng được", ông Hùng nói.
Ông Hùng sở hữu hàng trăm đầu máy băng cối của các hãng Akai, Teac, Aiwa, Sony... - Ảnh: MINH CHIẾN
Nhiều đầu máy được sản xuất cách đây rất lâu - Ảnh: MINH CHIẾN
Theo ông Hùng, tìm được đầu máy đã khó, tìm những băng cối để nghe lại càng khó hơn, vì khi đầu máy không còn được sử dụng nữa thì hầu hết băng cối sẽ bị vứt và hư hỏng. Ngoài ra nếu muốn chơi thì phải am hiểu, khéo léo, nếu không băng sẽ bị rối, đứt, nhiễm âm thanh.
"Trước đây máy móc hư tìm kiếm linh kiện thay thế vô cùng khó khăn… nhưng nay có sàn eBay tôi hoàn toàn có thể đặt những linh kiện chính hãng đúng dòng máy về nên rất thuận tiện. Tuy nhiên máy móc có thể sửa còn âm thanh một khi hư hại thì sẽ không thể nào phục hồi được, nếu phục hồi thì chất lượng cũng không được như ban đầu", ông Hùng nói.
Ông Hùng dùng tay quay chiếc máy quay đĩa dây thiều được chạy bằng đầu đĩa than, âm thanh phát ra "rè rè" nhưng rất chân thật.
Ông Hùng cho hay những chiếc máy quay đĩa dây thiều này được phát minh từ khi chưa có điện. Thậm chí còn có những dàn radio đèn của Đức, những đầu máy băng cối nhỏ như một cuốn sách có thể đóng mở để mang đi bất cứ nơi đâu.
Những âm thanh được phát ra từ đầu máy băng cối rất đặc trưng - Ảnh: MINH CHIẾN
Bức tường treo đầy những băng đĩa nhạc sản xuất trước năm 1975 của nhiều nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao - Ảnh: MINH CHIẾN
Trong hành trình sưu tầm, một trong những kỷ niệm đáng nhớ cách đây hơn 20 năm là lần ông đến nhà một thầy giáo già ở đường Hát Giang, TP Nha Trang để mua chiếc đầu máy hiệu Sony nhưng máy bị đứt đầu từ. Dù thuyết phục đủ cách nhưng ông giáo vẫn kiên quyết không bán vì đó là vật kỷ niệm.
Hiểu được tình ý của chủ nhân, ông Hùng từ bỏ ý định. Khoảng mấy tháng sau khi mua được đầu từ, ông liền tặng cho thầy giáo… Một thời gian sau đó, ông giáo già tự tìm đến nhà ông Hùng và bảo: "Cậu đến nhà tôi lấy cái máy đi với mấy chục cuộn băng nữa, chỉ có người yêu nhạc mới hiểu được giá trị của nó mà thôi".
"Những năm sau đó tôi quay trở lại để tìm ông giáo xưa nhưng ông đã dọn đi nơi khác, thời điểm mua máy khoảng trước 1975 phải đến hơn mấy cây vàng chưa kể đây là vật kỷ niệm với họ. Cũng có một chuyện thú vị khác là một người đi đường đi ngang qua nhà tình cờ nghe thấy những bài nhạc xưa thì liền đem 2 cuộn băng đến tặng", ông Hùng chia sẻ.
Nhạc xưa đang dần trẻ
Với ông Hùng nhạc xưa là người bạn tâm giao hơn nửa cuộc đời - Ảnh: MINH CHIẾN
Trong một gian phòng trưng bày hàng trăm đĩa nhạc, có những băng gốc ông mua rất đắt tiền như Tiếng hát Duy Khánh 1, Tiếng hát Phương Dung 1, Tiếng hát Tơ Vàng, Tiếng hát Từ Công Phụng…
"Tôi có 400 băng master và băng gốc của các hãng băng đĩa: Việt Nam, Shotguns, Asia - Sóng Nhạc, Trường Sơn, Sơn Ca... Và có khoảng 1.000 đĩa than thu âm các giọng ca nổi tiếng từ trước năm 1975", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng cộng đồng nghe nhạc băng cối ở Nha Trang không nhiều bởi số tiền đầu tư dàn máy (đầu máy, âm ly, loa) khá lớn. Việc kiếm băng để nghe cũng rất khó vì thời nay các hãng ghi âm không ra băng mới, tiền sao chép băng cũng không rẻ… Tuy nhiên, với ông Hùng, thú chơi băng cối sẽ còn kéo dài, bởi khi đã đam mê thứ âm thanh chân thực, đặc trưng của băng cối thì rất khó bỏ.
"Nếu nói nhạc xưa dành cho người già thì cũng không đúng vì nhiều bạn trẻ cũng đang quan tâm thú chơi này. Nhiều bạn còn sở hữu dàn máy cả trăm triệu đồng, tuy nhiên chỉ cần đam mê bỏ ra vài triệu là cũng có một đầu máy xưa để hòa mình cùng âm nhạc", ông Hùng nói.
Ông Hùng còn nói thêm rằng Việt Nam cũng đã tái sản xuất lại đĩa than và băng cối để phục vụ cho một nhóm đối tượng nghe nhạc hiện đại nhưng vẫn chạy qua những đầu máy xưa. Phải kể đến như album Trăng của NSƯT Tố Nga phát hành năm 2020…
Chưa kể những năm gần đây, khi phong trào chơi băng cối bắt đầu phát triển trở lại, lượng đầu máy, băng từ nước ngoài về (băng trắng hoặc băng cũ) khá nhiều, nên người chơi có thể dùng để sang lại các băng nhạc cũ.
Ông Hùng còn có 1.500 tờ nhạc xưa được sưu tập từ hơn 30 năm qua - Ảnh: MINH CHIẾN
Ông Hùng còn sưu tầm cả đầu kim chạy đĩa than - Ảnh: MINH CHIẾN
Nhờ chơi nhạc xưa, ông Hùng có mối quan hệ rất thân tình với nhiều ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như: Giao Tiên, Đài Phương Trang, Nguyễn Vũ, Khánh Ly, Phương Dung… Mỗi lần có dịp đến Nha Trang, họ đều ghé thăm ông để tìm lại kỷ niệm cũ qua các bản nhạc xưa ông đang lưu giữ; để hàn huyên, tâm sự. Vì vậy, mà ông có được rất nhiều bút tích của các nghệ sĩ ký lên băng, đĩa, tờ nhạc.
Thậm chí ông còn được nhạc sĩ Từ Công Phụng ở Mỹ gửi tặng các tập nhạc đã phát hành, con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn gửi tặng bản scan các bản nhạc viết tay của nhạc sĩ này.
Không chỉ là nhà sưu tập, ông Hùng còn rất nặng lòng với các anh em văn nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ ở hải ngoại cũng thông qua ông để giúp đỡ nhạc sĩ Giao Tiên có tiền nuôi vợ đang chạy thận… Sắp đến con gái và cháu ngoại của nhạc sĩ Y Vân từ Mỹ trở về sẽ ghé thăm ông để ghi hình tư liệu.
Nhạc sĩ Giao Tiên đến thăm nhà ông Hùng để nghe lại những ca khúc của mình - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hơn 40 năm sưu tầm văn hóa, nhạc xưa. Khi làm chương trình "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" của đài truyền hình quốc gia, ê kíp rất cần tư liệu để viết kịch bản và quay hình ảnh đưa lên sóng. Và thật ngạc nhiên khi một trong những bộ "sưu tập nguồn" ấy không phải nằm ở Hà Nội hay Sài Gòn mà lại ở phố biển Nha Trang.
"Tôi chỉ muốn đơn giản đến bất kỳ đâu trong ngôi nhà này đều có thể nghe được nhạc xưa, tôi muốn sống trong những ký ức, âm thanh mà lúc trẻ mình được nghe. Tôi sẽ tiếp tục sưu tầm để sau này mở một bảo tàng nhạc xưa để những người yêu nhạc thế hệ sau có dịp hiểu và cảm nhận vì chỉ có âm nhạc mới khiến chúng ta gần nhau hơn", ông Hùng tâm sự.