Con trai trưởng của nhạc sỹ Hoàng Hà, nhạc sỹ – NSƯT Hoàng Lương từng kể: Cha anh sinh ra trong một gia đình dân nghèo thành thị tại Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Cha của nhạc sĩ Hoàng Hà là một họa sĩ công chức nhỏ, đã qua đời ở tuổi 37. Mẹ ông, một phụ nữ tảo tần và dũng cảm từ trước năm 1945 đã là cơ sở cách mạng bí mật của các lãnh đạo tiền bối như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trân... Bản thân ông, đi học hết lớp 4 đã phải đi làm công nhân nhà máy in Viễn Đông của Pháp để giúp gia đình. Chính tại nơi đây, ông đã được giác ngộ cách mạng. Thời kỳ Nhật đảo chính Pháp, ông tham gia tự vệ vũ trang làng Yên Phụ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhạc sỹ Hoàng Hà tham gia các hoạt động tại quê hương, phụ trách thiếu nhi. Năm 1955, nhạc sỹ Hoàng Hà là Đoàn trưởng văn công tỉnh Vĩnh Phúc sau đó phụ trách Mỹ thuật và âm nhạc của Ty Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc. Nhạc sĩ từng là Bí thư Tỉnh Đoàn Hưng Yên và là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa 2, khóa 3...Năm 1962, ông được cử đi học tại Trường Đại học Âm nhạc Hà Nội. Năm 1965, nhạc sỹ là biên tập âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Năm 1977, ông được giao trách nhiệm thành lập Phòng Văn nghệ thiếu nhi – Mẫu giáo Đài tiếng nói Việt Nam và làm trưởng phòng này. Thực hiện sáng kiến của nhạc sĩ Phạm Tuyên, khi đó là Trưởng Ban Văn nghệ, ông đã chỉ đạo khôi phục đội Hợp xướng Sơn Ca, sáng lập dàn nhạc Tuổi Xanh, lăn lộn thực hiện các chuyến công tác phục vụ cho Hội diễn ca hát thiếu nhi “Hoa phượng đỏ”. Nhiều nhạc sĩ, diễn viên, nghệ sĩ ưu tú đã trưởng thành từ đó.
Từ năm 1984, nhạc sỹ Hoàng Hà là Ủy viên Ban biên tập văn nghệ, chuyên viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1985, ông chuyển vào Vũng Tàu và công tác tại Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến khi nghỉ hưu.
Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Hoàng Hà đã được trao: Huân chương Lao động hạng Nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Huy chương "Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật"; Huy chương "Vì Sự nghiệp Phát Thanh"; Giải A Uỷ Ban Thiếu niên - Nhi Đồng (1967) với bài hát "Con mèo ra bờ sông"; Hạng A nhạc phim truyện (1973) với nhạc phim truyện nhựa "Người về đồng cói"; Giải Nhì Ca khúc Giải thưởng Âm nhạc Hội nhạc sĩ Việt Nam (1997) với bài "Mang theo mùa đông" (phổ thơ Hoàng Quý); Giải đặc biệt giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1999): Giao hưởng hợp xướng Côn Đảo; Giải Nhất giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2002) với bài "Tiếng rừng dương"... ông đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2017.
Với người yêu âm nhạc thuộc nhiều thế hệ khác nhau, nhạc sĩ Hoàng Hà là tên tuổi quen thuộc bởi những đóng góp to lớn của ông với nền âm nhạc nước nhà qua những bài ca còn mãi với thời gian như: “Đất nước trọn niềm vui”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Ánh đèn cầu Việt Trì”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Thanh niên làm theo lời Bác” và một số bài hát dành cho thiếu nhi như: “Cho tôi đi làm mưa với”, “Cùng múa hát mừng xuân”, “Con mèo ra bờ sông”...
Năm 2000, tham gia chuyên mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” của chương trình Ca nhạc theo yêu cầu thính giả, về bài hát “Đất nước trọn niềm vui”, bạn Vũ Duy Thao ở thôn Toàn Mỹ, thị trấn Vôi, Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã tâm sự với chúng tôi: “Mỗi năm cứ đến ngày 30/04 trong lòng tôi lại ngóng đợi một niềm vui, một cảm xúc dào dạt đọng lại từ ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” sáng tác của nhạc sỹ Hoàng Hà”. Bạn viết tiếp: “Mở đầu bài hát tác giả đã đưa chúng ta đi trong khúc ca khải hoàn của dân tộc, đi trong ánh sao, trong rừng cờ tung bay. Ôi còn gì đẹp hơn, hạnh phúc hơn khi ta sống trong những giờ phút thiêng liêng nhất của lịch sử dân tộc. Niềm vui nối tiếp niềm vui, nhưng không có niềm vui nào trọn vẹn hơn niềm vui đất nước được giải phóng, non sông thu về một mối".
Cùng suy nghĩ về ngày toàn thắng, bạn Trần Văn Quân ở số 1 ngõ 90 đường Hùng Vương, Nam Định viết: “Thật là sung sướng làm sao, thật là hạnh phúc làm sao trước cảnh thành phố lộng lẫy cờ hoa với những bước chân rầm rập của những đoàn quân chiến thắng, của các má, các chị, các em ta đổ ra đường đón chào những đứa con đã trở về sau bao nhiêu năm cách xa đầy đớn đau tủi cực vì những thép gai ngăn mặt cách lòng như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Ta lại về ta những đứa con/máu hòa trong máu đỏ như son…” Với nhạc sỹ Hoàng Hà thì ngày vui của dân tộc là ngày hạnh phúc nhất của đời ông, ngày đã khiến ông thốt lên: Hội toàn thắng náo nức đất nước/Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam, Tổ Quốc anh hùng…Lời ca điệu nhạc của bài hát cứ quyện vào nhau, bay lên, bay lên đến đỉnh cao của cảm xúc. Ông sung sướng mê say ghi lại những gì đẹp đẽ, thiêng liêng và giá trị của ngày vui đó".
Từ thành phố Vinh, Nghệ An bạn Nguyễn Thị Huyền ở nhà 19 đường Phượng Hoàng, phường Trung Đô đã gửi về ca nhạc theo yêu cầu thính giả những cảm nhận của mình về bài hát “Đất nước trọn niềm vui”: “Đất nước trọn niềm vui” là bài hát mà nhạc sỹ Hoàng Hà viết về những ngày đất nước Việt Nam tưng bừng trong ngày hội sau bao khổ đau. Bài hát chứa đựng bầu không khí vui mừng của toàn dân khi Bắc Nam cùng chung một nhà, khi ước muốn của mỗi người cũng như của toàn dân tộc Việt Nam trở thành hiện thực. Tôi là thế hệ sinh sau, được sống trong hòa bình, tự do, độc lập nhưng nhờ sách vở, nhờ những bài hát hào hùng của các nhạc sỹ để lại. Tôi như người sống trong những ngày khổ đau dưới gót giầy quân xâm lược, những mừng vui của nhân dân khi dành được độc lập.
Âm hưởng của bài ca “Đất nước trọn niềm vui” là âm hưởng của những ngày thống nhất, Nam Bắc hòa chung một nhà và thật là vui, thật là cảm động mỗi lần nghe lại bài hát, một bài hát được viết nên từ những ngày “Đất nước trọn niềm vui”.