Đại diện gia đình cho biết ông qua đời hôm 10/11 sau thời gian dài trị bệnh. Lễ viếng nghệ sĩ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình), lễ truy điệu lúc sáng 13/11, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

tuan-phong-1-5186-1731289998.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BZJBmYyGh26a_vmfMfccWQ

Ca sĩ Tuấn Phong (1952-2024). Ảnh: Đài truyền hình TP HCM

Thông tin khiến đông đảo đồng nghiệp, học trò ông thương tiếc. Nghệ sĩ Tạ Minh Tâm - nguyên Phó giám đốc Nhạc viện TP HCM - nói nhiều năm qua, sức khỏe ca sĩ sụt giảm vì mắc nhiều bệnh nền. Theo Tạ Minh Tâm, Tuấn Phong là một trong những giọng ca trữ tình - cách mạng nổi bật của thập niên 1980-1990.

"Chất giọng nam cao, kỹ thuật trau chuốt giúp ông thành công ở mảng tình ca, nhất là các sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ông sống chan hòa với đồng nghiệp, được hậu bối, học trò yêu mến vì luôn nâng đỡ các em", Tạ Minh Tâm nói.

ca-si-tuan-phong-hat-tho-tinh-cuoi-mua-thu-nam-1992-nhac-pha-1731289441.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PzV22g3v1WWPVsD15-ot8Q
Ca sĩ Tuấn Phong hát "Thơ tình cuối mùa thu" năm 1992 (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Xuân Quỳnh)

Ca sĩ Tuấn Phong hát "Thơ tình cuối mùa thu" năm 1992 (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Xuân Quỳnh). Video: YouTube Trâm Anh

Ca sĩ sinh tại Hà Nội, là con cả trong một gia đình có năm anh chị em. Từ nhỏ, ông thừa hưởng tình yêu nghệ thuật, văn học từ cha - vốn làm việc tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. 16 tuổi, ông đoạt giải trong Hội thi ca hát giới trẻ Thủ đô với bài Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng của nhạc sĩ Hoàng Vân. Tốt nghiệp khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Hà Nội song do mê nhạc, ông bỏ lại sự nghiệp khoa học để học tiếp tại Nhạc viện Hà Nội.

Năm 1972, ông gia nhập Đoàn ca múa miền Nam, sau đó học thanh nhạc tại Nhạc viện TP HCM. Ông từng đoạt giải nhì Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1981 với bài hát Dấu chân phía trước (Phạm Minh Tuấn), giải nhì cuộc thi Dòng nhạc Thính phòng năm 1988.

Thập niên 1990, ông ghi dấu với loạt ca khúc trữ tình, như Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tương tư chiều. Một trong những bài hát được nhiều người nhớ đến khi nhắc về ông là Thuyền và biển (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Xuân Quỳnh). Sinh thời, nhạc sĩ đánh giá Tuấn Phong thể hiện thành công nhất các sáng tác của ông. "Nếu Phạm Duy có Thái Thanh, Trịnh Công Sơn có Khánh Ly, tôi có Tuấn Phong", Phan Huỳnh Điểu từng nói.

ca-si-tuan-phong-hat-nguoi-ay-bay-gio-dang-o-dau-1731289712.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RooRGoNQtMLRKrRGlsMdeg
Ca sĩ Tuấn Phong hát "Người ấy bây giờ đang ở đâu"

Ca sĩ Tuấn Phong hát "Người ấy bây giờ đang ở đâu" (Phan Huỳnh Điểu). Video: YouTube Thanhfj

Ông được nhiều khán giả yêu mến qua những ca khúc mang âm hưởng hào hùng, như: Ba Đình nắng (Bùi Công Kỳ), Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương), Tôi người lái xe (An Chung), Dáng đứng Việt Nam (Nguyễn Chí Vũ). Tuấn Phong còn là tác giả của một số ca khúc: Mùa thu và em (thơ: Vũ Quốc Anh), Nửa vời (thơ: Nghiêm Huyền Vũ), Chùm nhỏ thơ yêu (thơ: Chế Lan Viên), Hà Nội - kỷ niệm suốt đời tôi.

Được phong Nghệ sĩ Ưu tú năm 1996, ông từng là Phó trưởng Khoa - Giảng viên thanh nhạc, Nhạc Viện TP HCM. Ca sĩ còn làm thơ, viết lời bình, là giọng đọc thơ quen thuộc trên Đài Truyền hình TP HCM.

Mai Nhật

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022