"Bệnh viện đặc biệt" dưới tán rừng

Hơn 20 năm qua, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) cứu hộ, chăm sóc và tái thả hàng nghìn cá thể động vật quý hiếm về môi trường tự nhiên.

cuu-ho-3-17015933449341986356021.jpg

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật là đơn vị thuộc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình).

Ông Phạm Kim Vương, lãnh đạo Phòng Cứu hộ động vật cho biết, trung tâm được xem như "bệnh viện" của muông thú, là nơi tiếp nhận, cứu hộ và bảo tồn hàng trăm cá thể động vật hoang dã.

"Tôi làm công tác cứu hộ nhiều năm nay, là người tiếp nhận nhiều động vật trong tình trạng thương tật, nguy kịch. Mỗi lần bắt gặp những ánh mắt cầu cứu của chúng, tôi rất buồn. Bù lại, mỗi lần tham gia thả động vật hoang dã về tự nhiên, nhìn thấy chúng khỏe mạnh, vui vẻ trở về "nhà", tôi rất vui và cảm thấy những gì mình và đồng nghiệp đã bỏ ra thật xứng đáng", ông Vương chia sẻ.

cuu-ho-2-1701593387199495740789.jpg

Trung tâm được xem như là "bệnh viện" của muông thú, là nơi tiếp nhận, cứu hộ và bảo tồn hàng trăm cá thể động vật hoang dã.

Nói trung tâm này là "bệnh viện" không thể không nhắc đến đội ngũ bác sĩ ở đây. Là người gắn bó gần 20 năm cùng trung tâm, bác sĩ thú y Trần Ngọc Anh, Phó Giám đốc phụ trách chia sẻ, phần lớn động vật khi tiếp nhận thường trong tình trạng sức khỏe yếu do bị nuôi nhốt lâu ngày, lạm dụng cơ thể, không được vệ sinh, chăm sóc hoặc bị thương do dính bẫy, súng bắn…, nguy cơ tử vong rất cao.

Thời gian đầu được tiếp nhận về trung tâm, các cá thể động vật rất hung dữ và sẵn sàng tấn công những gì chúng cho là mối nguy hiểm. Cán bộ, nhân viên của trung tâm luôn đối mặt với nguy cơ bị thú tấn công gây thương tích. Vậy nên việc hiểu được tập tính của mỗi loài, đầu tư nhiều công sức và tình cảm để cứu chữa, chăm sóc là rất quan trọng.

cuu-ho-4-1701593546116645454205.jpg

Cán bộ, nhân viên trung tâm thường xuyên tiếp xúc với động vật hoang dã có bản tính hung dữ.

"Một số loài như rắn hổ mang, hổ, gấu, khỉ, vượn... khi thấy người, chúng luôn cảnh giác và sẵn sàng lao vào tấn công. Ngoài ra, một số con vật rất dễ lây bệnh chéo cho loài khác và người tiếp xúc nên cũng cần có các biện pháp tự bảo vệ. Nhưng vì sự sống của các loài vật chúng tôi cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ", bác sĩ thú y Trần Ngọc Anh chia sẻ.

Ca đỡ đẻ đặc biệt và kỷ niệm vắt sữa người nuôi khỉ con

Góp sức cho việc hàng nghìn cá thể động vật được tái thả vào tự nhiên có bóng dáng những nhân viên "bảo mẫu" của trung tâm. Họ là những người hằng ngày, thức khuya, dậy sớm đồng hành cùng các bác sĩ chăm sóc muông thú.

Hơn 10 năm làm công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, chị Trần Thị Lê không nhớ nổi bao nhiêu con vật qua tay chị chăm sóc rồi trở lại tán rừng Phong Nha - Kẻ Bàng.

cuu-ho-1-1701593392697450836175.jpg

Những động vật được trung tâm tiếp nhận thường trong tình trạng sức khỏe yếu do bị nuôi nhốt lâu ngày, lạm dụng cơ thể, không được vệ sinh, chăm sóc hoặc bị thương do dính bẫy, súng bắn…

"Công việc của mình là túc trực, kiểm tra tình hình sức khỏe, cho động vật ăn và làm vệ sinh sạch chuồng trại…. Ngoài thời gian theo kiểu hành chính thì có những ngày phải thức trắng đêm để túc trực chăm sóc động vật bị ốm", chị Lê cho biết.

Chị Lê nhớ vào năm 2015, trung tâm tiếp nhận cá thể khỉ mốc mang thai bị thương do dính bẫy. Đang mặc áo mưa để về nhà khi đến giờ tan ca, chị nghe tiếng kêu gào ở chuồng khỉ. Đến gần chuồng, chị thấy khỉ mẹ bấu vào thanh sắt kêu gào đau đớn, nhận định khỉ mẹ sắp sinh nên chị kiêm vai trò "bà đỡ bất đắc dĩ".

"Chờ mãi đến 9 giờ đêm mới sinh, khỉ mẹ đang bị thương, khỉ con mới sinh ốm yếu. Tôi và một số chị em quyết định ở lại chăm sóc suốt đêm, vì nếu không chăm sóc kỹ, cả hai mẹ con khỉ có thể sẽ chết", chị Lê cho biết.

cuu-ho-5-1701593918361800922878.jpg

Những con vật gặp nạn nhận sự cứu giúp, chăm sóc từ cán bộ, nhân viên trung tâm.

Sau lần "vượt cạn" khó khăn với vết thương trên mình, khỉ mẹ yếu hơn nhiều, không thể tiết sữa nuôi con. Thương khỉ con, một nhân viên đang nuôi con nhỏ vắt sữa của mình nuôi khỉ nhỏ.

"Với vết thương trên cơ thể rồi vất vả sinh con, khỉ mẹ xuống sức. Khỉ con thì ốm yếu, khát sữa. Có một chị nhân viên cũng đang nuôi con nhỏ phải nặn sữa của chính mình cho khỉ con uống. Ban đầu cũng hơi ngại ngùng nhưng thấy khỉ khát sữa như con mình nên làm liều vậy", chị Lê kể.

Theo lãnh đạo của trung tâm, sau quá trình cứu hộ, chăm sóc, cán bộ sẽ tiến hành đánh giá tình trạng sức khỏe, thời gian cách ly kiểm dịch và phục hồi tập tính hoang dã của động vật trước khi tiến hành tái thả chúng về rừng.

cuu-ho-6-1701594133981458738135.jpg

Mỗi cá thể trở về với tự nhiên sau khi gặp nạn là niềm vui, động lực cho cán bộ, nhân viên tại trung tâm.

"Vì tình yêu với với động vật, anh chị em luôn cố gắng để chăm sóc cho chúng thật khỏe mạnh, tái hòa nhập thiên nhiên. Có nhiều con vật khi được thả về rừng, chúng không muốn chạy đi nữa ở quấn quýt bên con người. Thấy vậy, chúng tôi rất vui, nhớ chúng lắm nhưng cũng phải chấp nhận để chúng trở về với thiên nhiên rộng lớn của mình", Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, bác sỹ thú y Trần Ngọc Anh chia sẻ.

received2221240298033994-1647938747445477278725-126-0-1376-2000-crop-16479391770721936124623.jpegVườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ có 7 con hổ được chuyển vào từ Nghệ An

GiadinhNet - Ngày 22/3, thông tin từ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) được biết, đơn vị này đã tiếp nhận 7 con hổ Đông Dương được chuyển vào từ Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An).

'Bệnh viện' của chó mèo hoang ở Sài Gòn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022