Nhiều người lao động có kế hoạch chuyển đổi công việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tạo ra làn sóng nhảy việc lớn nhất trong năm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
“Tôi cố gắng tập luyện văn nghệ cho tiệc tất niên công ty, đi làm đầy đủ những ngày cuối năm để nhận lương tháng 13, thưởng Tết, rồi xin nghỉ việc”, Thu Anh (27 tuổi, quận 7, TP.HCM) chia sẻ với Zing.
Trước đó, khi tham gia một sự kiện khách hàng vào cuối năm 2022, một đối tác lâu năm đã tiếp cận cô và đưa lời đề nghị công việc mới.
Có kế hoạch nhảy việc từ lâu, sau khi xem xét, Thu Anh nhanh chóng gật đầu. Chờ nhận đủ khoản phúc lợi Tết, cô chia sẻ kế hoạch với cấp trên và nhanh chóng bàn giao giấy tờ, rồi sắp xếp nghỉ việc.
Tiền về tài khoản, đơn từ chức gửi đi
Nhân sự xin nghỉ việc ngay sau khi nhận lương, thưởng Tết không còn là tình trạng hiếm gặp. Thay vì duy trì công việc đến hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người nộp đơn nghỉ ngay sau khi nhận được khoản thưởng (thường vào trước Tết).
Khảo sát của Công ty tư vấn tuyển dụng Anphabe cho thấy vào đầu năm 2022, nhất là sau quý I khi đã nhận lương, thưởng, tình trạng nghỉ việc cao nhất so với ba năm trở lại đây. Trong đó, nhóm ngành pháp lý, nhân sự, marketing có tỷ lệ nghỉ việc lên đến hơn 40%, lao động càng trẻ nghỉ việc càng nhiều với 36%.
Thực trạng này gây ra nhiều bất lợi cho người sử dụng lao động, khiến họ lúng túng trong việc sắp xếp nhân sự, tuyển dụng, đào tạo nhân viên.
Minh Hiền mong muốn ký hợp đồng lao động chính thức để hưởng phúc lợi xã hội.
2 tháng qua, Minh Hiền (24 tuổi, quận 8, TP.HCM) cũng suy nghĩ về vấn đề chuyển đổi công việc. Gắn bó hơn 2 năm tại một doanh nghiệp công nghệ, cô hy vọng được ký hợp đồng chính thức trong đợt đánh giá nhân sự cuối năm 2022.
Tuy nhiên, công ty thông báo đợt lay-off (cắt giảm nhân viên), Minh Hiền không bị sa thải, nhưng vẫn phải làm việc với vị trí cộng tác.
“Nhiều đồng nghiệp của tôi nhận được email cho thôi việc giữa đêm, phải thu dọn đồ đạc rời đi trong ngày hôm sau. Văn phòng tôi đã trống 50% chỗ ngồi”, cô nhân viên marketing kể.
Quản lý trực tiếp cho biết sẽ tăng lương của Minh Hiền thêm 30%. Tuy vậy, cô không muốn gắn bó thêm với vị trí nhân viên thời vụ.
Trước Tết Nguyên đán, khi vừa nhận khoản thưởng từ công ty, Hiền quyết định xin nghỉ việc.
Chưa hết Tết đã lo tìm việc
Tìm việc trong mùa chuyển đổi công việc lớn nhất năm, Minh Hiền lo ngại mình khó cạnh tranh. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tổ chức sự kiện, cô đang băn khoăn giữa 2 ngã rẽ là tiếp tục theo đuổi marketing hoặc quay trở lại lĩnh vực được đào tạo bài bản.
Hiền cho biết dù đầu quân cho đơn vị thuộc lĩnh vực nào, cô cũng khó có được mức lương như hiện tại. Nữ nhân viên văn phòng cho rằng đó là cái giá phải trả cho một bản hợp đồng lao động chính thức.
“Dù thu nhập kém đi đáng kể, tôi chấp nhận để trở thành nhân sự chính thức. Bố mẹ ở quê vẫn luôn lo lắng khi tôi chưa được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...”, cô tâm sự.
Hiền cũng đã chuẩn bị 2 bộ hồ sơ khác nhau, phù hợp với 2 ngành nghề. Sau khi gửi CV và phỏng vấn ở một số đơn vị, cô sẽ lựa chọn nơi công tác dựa trên lộ trình thăng tiến, khối lượng công việc và chế độ đãi ngộ.
Thu Anh háo hức bắt đầu công việc tại doanh nghiệp mới sau Tết với vị trí quản lý.
May mắn hơn Minh Hiền, Thu Anh đã nhận được đề nghị công việc mới trước khi quyết định xin nghỉ.
Dù đã "chắc chân" tại nơi mới, cô vẫn hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ tại công ty cũ, tránh gây chú ý với lãnh đạo, ảnh hưởng xấu đến lương, thưởng cuối năm.
Thu Anh cũng không chia sẻ với đồng nghiệp về ý định chuyển đổi công tác.
“Sau khi nghỉ việc, tôi cũng không định công khai công ty mới ngay, tránh đàm tiếu, bị đánh giá là ‘ăn cây táo, rào cây sung’”, Thu Anh nói.
Không chỉ hưởng mức lương cao hơn, cô còn được cất nhắc lên vị trí trưởng nhóm.
"Đây là một bước thăng tiến đáng kể trong sự nghiệp của tôi", cô chia sẻ thêm.
Những ngày cuối năm, ngồi tại văn phòng cũ, song Thu Anh đã nghĩ về môi trường làm việc mới với các dự án hứa hẹn. Cô dự định tận dụng kỳ nghỉ Tết để đọc thêm sách, tham khảo tài liệu về công việc mới.
“Tôi cho rằng nhân viên chờ thưởng Tết rồi mới nghỉ việc là chuyện bình thường, không phải 'vô ơn' hay 'vô trách nhiệm'. Đây là khoản thưởng cho sự cống hiến trước đó của họ”, cô nói thêm.
Cái khó của người ở lại
Ngày 15/1 (tức 24 tháng Chạp Âm lịch), công ty của Đỗ Hoàng Anh (29 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) gửi khoản thưởng Tết và lương tháng 13 cho toàn thể nhân sự. Quản lý bộ phận bán hàng này khá vui bởi mức thưởng năm nay cao hơn mọi năm. Anh trích một số tiền cá nhân mời nhân viên của mình ăn tiệc tất niên tại nhà hàng.
Tuy vậy, đến hôm sau, 2 trên 8 nhân sự của anh nhắn tin xin nghỉ việc. Họ cho biết muốn nghỉ ngay trước Tết hoặc sớm nhất có thể theo quy chế công ty.
Hoàng Anh không mấy bất ngờ trước sự việc này bởi trước đó, tinh thần làm việc của 2 nhân viên này đã không còn nhiệt tình như trước. Song, việc họ muốn nghỉ sớm khiến anh bối rối vì chưa tìm được người thay thế, buộc phải tính phương án chia nhiệm vụ sang các thành viên còn lại.
“Theo quy định công ty, nhân viên sẽ nghỉ việc sau 30-45 ngày nộp đơn. Vướng 10 ngày nghỉ Tết, như vậy, tôi chỉ còn khoảng 20 ngày để tìm kiếm, đào tạo người mới. Thời gian đó là quá gấp gáp để công việc chung vận hành trơn tru, đặc biệt khi sau Tết chúng tôi có rất nhiều dự án lớn, cần người quen việc”, anh tâm sự.
Ly Trần lo lắng khi KPI tuyển dụng tăng vọt sau Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, Trung Anh (31 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM), trưởng bộ phận marketing, lại cố gắng tìm cách giữ chân khi biết 2 nhân viên của mình sẽ nghỉ việc ngay sau Tết Âm lịch.
“Sau khi nghe các bạn phản ánh về chế độ đãi ngộ không xứng đáng, tôi lập tức đề đạt yêu cầu tăng 20-25% lương cơ bản. Tôi phải níu kéo nhân viên bằng tiền”, nam quản lý tâm sự.
Bên cạnh đó, Trung Anh cũng tặng riêng cho mỗi người một khóa học bồi dưỡng chuyên môn, phát triển kỹ năng mềm. Anh thừa nhận sẽ loay hoay, không thể kham hết các đầu việc sau Tết nếu nhân sự quyết tâm “dứt áo ra đi”.
Nhân sự ồ ạt xin nghỉ ngay sau Tết cũng tạo áp lực lớn lên những nhân viên hành chính - nhân sự (HR) như Ly Trần (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội). Chỉ một ngày sau khi nhận thưởng Tết, 5-6 nhân viên trong công ty chia sẻ với cô về kế hoạch nhảy việc. Họ hỏi về các thủ tục bàn giao cũng như thời hạn thôi việc theo quy chế.
Phần lớn nhân sự xin nghỉ tại công ty của Ly đều thuộc nhóm kỹ thuật với các vị trí khá khó tìm người như UX/UI designer hay full-stack DEV (lập trình viên đa năng)...
“Sau Tết, KPI tuyển dụng của phòng tôi tăng gấp 2-3 lần. Đối với một số nhân viên thân thiết, tôi cố gắng thuyết phục các bạn tiếp tục làm việc đến khi có người thay thế, nếu không phòng ban của tôi cũng sẽ bị khiển trách”, Ly Trần thở dài.
Cánh cửa hẹp
Tại Việt Nam, dựa trên báo cáo "Khảo sát lương - Kỳ vọng của người lao động năm 2023" được thực hiện bởi Công ty nguồn nhân sự Navigos Group, các yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định chuyển việc của người lao động là lương (13,56%), môi trường (11,27%), sự thăng tiến (7,33%) và cơ chế thưởng (6,09%).
Kỳ vọng về mức lương của 4.100 người tham gia khảo sát sau khi nhảy việc cũng được đánh giá là tương đối cao. Phần lớn đáp viên mong muốn thu nhập tại công ty mới tăng 20-30%. Tuy nhiên, 13,66% người được hỏi vẫn sẵn sàng thương lượng nếu cơ hội việc làm mới tốt hơn.
Sau Tết Nguyên đán, cả nhân sự và công ty đều cần có sự chuẩn bị cho đợt tuyển dụng lớn nhất trong năm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Tuy vậy, về phía doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng vào cuối năm 2022 lại có xu hướng giảm mạnh so với giai đoạn phục hồi kinh doanh sau dịch.
Điều này có thể giải thích bởi ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu và các khó khăn vừa xảy ra với các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, so với thời điểm trước dịch, nhu cầu tuyển dụng lao động trong 3 tháng cuối năm 2022 giảm trung bình 25%, riêng tháng 12 ghi nhận sự sụt giảm trung bình lên đến 42%.
Trong tình hình khó khăn nêu trên, sự cạnh tranh cao giữa các ứng viên là rất khó tránh khỏi.
Navigos Group đề xuất một số giải pháp cho ứng viên, trong đó họ nên giữ tâm thế bình tĩnh để đối phó với khủng hoảng có thể xảy ra tại một số ngành nghề, tiêu biểu là lĩnh vực công nghệ thông tin.
Cụ thể, các ứng viên nên trau dồi kiến thức chuyên môn, trang bị ngoại ngữ, kỹ năng quản lý để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tuyển dụng. Ngoài ra, việc phát triển bản thân, xây dựng thương hiệu cá nhân cũng cần được chú ý.
Những nỗ lực này sẽ giúp bạn nâng cao uy tín, hình ảnh của bản thân trong mắt các nhà tuyển dụng. Khi phỏng vấn hay trao đổi về công việc, bạn cũng cần nói chuyện thẳng thắn với doanh nghiệp mới nhằm tránh thay đổi quyết định trong thời gian ngắn.
Đối với các doanh nghiệp, Navigos Group cũng đưa ra lời khuyên về việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Các hoạt động gắn kết nội bộ sẽ giúp giữ chân nhân sự cũ, tạo môi trường làm việc thân thiện cho nhân sự mới.
Hơn nữa, các công ty cũng cần quan tâm đến dải lương cho nhân viên, đặc biệt là những người lao động đã gắn bó trên 5 năm. Lương thưởng chính là một trong những yếu tố tiên quyết giúp nhà tuyển dụng thu hút nhân sự giỏi.
GĐXH - Tết Nguyên đán 2023 đã sắp cận kề nhưng nguồn gốc Tết Nguyên đán như thế nào? Bắt nguồn từ bao giờ? là những thông tin không phải ai cũng biết. Chuyên trang Gia đình & Xã hội sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin hữu ích về Tết Nguyên đán.