Động đất kích thích do hồ chứa thủy điện
Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu phát đi bản tin động đất ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Theo đó vào lúc 17 giờ 43 phút 24 giây ngày 13/02/2023 (giờ Hà Nội), trận động đất có độ lớn M = 2.8 xảy ra tại tọa độ 14.887N - 107.777E có độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Vị trí xảy ra động đất nằm sát với những trận liên tiếp trước đó tại Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Tính từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tại Kon Tum đã xảy ra 14 trận động đất độ lớn dao động từ 2,5-3,6. Cá biệt, ngày 9/2 đã có tới 5 trận động đất liên tiếp tại khu vực này. Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, động đất ở khu vực này là hiện tượng động đất kích thích do các hồ chứa thủy điện gây ra.
Hồ chứa nước thủy điện được cho là nguyên nhân gây động đất kích thích ở Kon Tum.
Từ một khu vực không có nhiều động đất trong lịch sử (theo số liệu lưu trữ thì từ năm 1903-2020 thì tại khu vực này mới chỉ có hơn 33 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9). Nhưng từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại địa phương này cũng như các huyện lân cận, trong đó có nhiều trận động đất gây rung chấn diện rộng, lớn nhất là trận động đất xảy ra chiều 23/8/2022 với độ lớn 4,7.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, động đất xảy ra liên tục tại địa phương này. Nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước…
Hiện tượng động đất kích thích này tương tự đã từng xuất hiện tại Thủy điện sông Tranh năm 2012 và đến nay vẫn còn động đất ở đây. Các trận động đất lớn thường kèm theo tiền chấn và dư chấn nên động đất sẽ thường xuất hiện theo chuỗi.
Để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và độ lớn của chúng trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thủy điện vẫn cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.
Viện Vật lý Địa cầu đã kiến nghị thiết lập các mạng trạm quan sát động đất địa phương tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận, phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời.
Đề phòng những trận động đất cường độ lớn trong tương lai
PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa lý Địa cầu cho biết, tại thủy điện sông Tranh 2, động đất xảy ra từ năm 2011, kéo dài đến tận bây giờ. Động đất từng gây ra nhiều lo ngại và xáo trộn thời gian dài trong đời sống người dân các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).
Động đất ở Kon Tum có khả năng cao xuất phát từ sau khi Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông vận hành và phát điện tổ máy số 1 vào tháng 3/2021. PGS Cao Đình Triều cho biết thêm, khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy đang hoạt động có tên Rào Quán - A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào qua A Lưới, kéo dài tới Quy Nhơn. Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này hoạt động tích nước hồ chứa.
Tại Thủy điện Đắk Đrinh, động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn hơn, cường độ và tần suất ít hơn. Theo PGS Cao Đình Triều, động đất kích thích xảy ra trên cùng đới đứt gãy này lại khác nhau ở từng khu vực. Vì vậy, với khu vực xảy ra động đất tại Kon Tum hiện nay, cần có những khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, không loại trừ khả năng thời gian tới trên địa bản tỉnh Kon Tum tiếp tục có các trận động đất kích thích với cường độ và mật độ ngày càng lớn. Việc dự báo thời điểm chính xác xảy ra động đất thì cho đến nay khoa học chưa làm được, nhưng việc đánh giá mức độ nguy hiểm động đất (độ lớn cực đại, tần suất…) cho từng khu vực cụ thể thì có thể làm được.
Theo các chuyên gia, động đất không thể dự báo trước, song có một số biện pháp có thể làm trong lúc động đất để tránh hoặc giảm thương tích và thiệt hại do động đất gây ra, cụ thể như sau: Nếu người dân đang ở trong nhà nên chui xuống gầm bàn, lựa góc phòng để đứng, tránh cửa kính, những vật có thể rơi xuống; che mặt và đầu để khỏi bị các mảnh vụn rơi trúng; nếu mất điện, dùng đèn pin, không dùng nến hay diêm vì chúng có thể gây hỏa hoạn; nắm chắc tin tức khẩn cấp để ứng phó.
Tại các tòa nhà cao tầng, khuyến cáo người dân tuyệt đối không được dùng thang máy mà hãy ở trong nhà, di chuyển tới góc phòng, tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo. Khóa van gas, mở cửa sổ hoặc cửa ra vào. Nếu đang ở trong thang máy nằm xuống sàn bảo vệ đầu, khi thang máy làm việc trở lại ra khỏi thang máy ở tầng kế tiếp và sử dụng cầu thang bộ.
Còn nếu đang đi đường, người dân cần tránh xa các tòa nhà và dây điện; tìm chỗ trống để đứng. Trong lúc lái xe, ngừng xe ở lề đường và tránh các cột điện, dây điện, công trình phía trên xe và không chui xuống gầm xe.
Khi bị kẹt trong đống đổ nát , người dân không la hét mà hãy lấy tay, khăn che mũi miệng hoặc dùng vật cứng gõ vào vật cứng khác báo vị trí của mình cho lực lượng cứu nạn. Người dân cũng cần cập nhật tin tức khẩn cấp của cơ quan chức năng để kịp thời ứng phó, chủ động để giảm thiểu những rủi ro cho mình và cộng đồng.