Đề xuất nâng giảm trừ gia cảnh lên cao nhất 15,5 triệu đồng/tháng
Bộ Tài chính vừa có dự thảo tờ trình Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, áp dụng cho kỳ tính thuế 2026. Nguyên nhân điều chỉnh do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giai đoạn 2020-2025 tăng khoảng 21,24%, tức vượt 20% - ngưỡng cần điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo quy định.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức giảm trừ để trình cấp thẩm quyền xem xét.
Phương án 1, điều chỉnh theo tốc độ tăng CPI. Như vậy, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế sẽ từ 11 triệu lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng. Còn người phụ thuộc được nâng từ 4,4 triệu lên 5,3 triệu đồng/tháng.
Bộ Tài chính đánh giá phương án này đúng theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cuộc sống và mức trượt giá từ thời điểm điều chỉnh gần nhất.
Phương án 2, theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và GDP bình quân đầu người. Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế dự kiến lên 15,5 triệu đồng, người phụ thuộc 6,2 triệu đồng/tháng.
Bộ Tài chính cho rằng phương án này sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp ở mức cao hơn. Nếu thực hiện theo phương án này, ngân sách sẽ giảm thu, nhưng khi mức giảm trừ gia cảnh cao hơn thì nộp thuế ít đi, thu nhập khả dụng của người dân tăng lên. Qua đó, việc này sẽ góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội, và gián tiếp giúp tăng thu ngân sách từ các nguồn khác trong trung, dài hạn.
Theo đó, ở cả hai phương án Bộ Tài chính đưa ra, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế tăng thêm 2,3-4,5 triệu, còn người phụ thuộc 0,9-1,8 triệu đồng một người một tháng so với hiện tại.
Dự kiến, mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ được thực hiện từ khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026.

GĐXH - Theo quy định khi nhận tiền vào tài khoản cá nhân mà đó là những khoản thu nhập phải chịu thuế thì cá nhân đó phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Dưới đây là 8 khoản tiền khi chuyển vào tài khoản phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính đề xuất mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế thu nhập cá nhân có thể lên 13,3-15,5 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa: TL
Vì sao người nộp thuế thu nhập cá nhân cần làm giảm trừ gia cảnh?
Giảm trừ gia cảnh là biện pháp hỗ trợ cần thiết của Nhà nước để người nộp thuế thu nhập cá nhân có thể tái tạo sức lao động, bảo đảm các nhu cầu sinh hoạt cơ bản.
Giảm trừ gia cảnh được quy định cụ thể đã thỏa mãn được nguyện vọng chính đáng, tạo tâm lý tin tưởng của người nộp thuế vào chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc cũng là một quy định mang tính nhân đạo cao. Bởi vì, người lao động khi tạo ra thu nhập không chỉ hướng tới việc phục vụ cho sự tồn tại của chính bản thân mà còn thực hiện các nghĩa vụ vật chất mang tính đạo đức đối với người thân thuộc của họ. Do đó, việc quy định giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc là biện pháp hỗ trợ không thể thiếu để cá nhân mỗi người nộp thuế có thể thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng gia đình của mình.
Quy định về giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân nộp thuế và người phụ thuộc có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm áp lực tâm lý của người nộp thuế, tạo sự an tâm cho người lao động tạo ra của cải, vật chất. Việc áp dụng giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân thỏa mãn được nguyện vọng chính đáng của người nộp thuế, cân bằng lợi ích giữa người nộp thuế và ngân sách chứ không tuyệt đối hóa quyền thu thuế của Nhà nước.
Điều này giúp cho người nộp thuế nhận thức được sự công bằng của pháp luật, ý thức được trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội, luôn vững tin vào pháp luật, chính sách của Nhà nước; hạn chế các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thu - nộp thuế. Đây cũng là phương pháp hữu hiệu để "nuôi dưỡng nguồn thu" lâu dài cho ngân sách Nhà nước.
Xác định người phụ thuộc của người nộp thuế thu nhập cá nhân được giảm trừ gia cảnh như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 65/2013/NĐ-CP xác định người phụ thuộc của người nộp thuế thu nhập cá nhân được giảm trừ gia cảnh như sau:
- Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) dưới 18 tuổi;
- Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật không có khả năng lao động;
- Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông mà không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức thu nhập quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 65/2013/NĐ-CP
- Người ngoài độ tuổi lao động, người trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật nhưng bị khuyết tật không có khả năng lao động mà không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá mức thu nhập quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 65/2013/NĐ-CP bao gồm:
- Vợ hoặc chồng của người nộp thuế;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ nuôi hợp pháp, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng) của người nộp thuế;
- Cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Hồ sơ giảm trừ gia cảnh bao gồm những gì?
Theo tiểu mục 3 Mục 3 Công văn 13762/CTHN-HKDCN năm 2023 quy định về hồ sơ giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc như sau:
Đối với cá nhân nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc trực tiếp tại cơ quan thuế, hồ sơ bao gồm:
– Bản đăng ký người phụ thuộc theo mẫu 07/ĐK-NPT-TNCN ban hành kèm theo Phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính
– Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc theo hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư số 79/2022/TT-BTC ngày 30/12/2022 của Bộ Tài chính.
– Trường hợp người phụ thuộc do người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng phải lấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã/phòng nơi người phụ thuộc cư trú theo mẫu số 07/XN-NPT-TNCN ban hành kèm theo Phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.
Trường hợp cá nhân đăng ký giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập thì cá nhân nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc theo hướng dẫn tại Điểm a, Khoản 3 mục III công văn này cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập tổng hợp theo Phụ lục Bảng tổng hợp đăng ký người phụ thuộc cho người giảm trừ gia cảnh mẫu số 07/THĐK-NPT-TNCN ban hành kèm theo Phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính và nộp cho cơ quan thuế theo quy định.
Đồng thời căn cứ theo quy định tại Tiểu mục 9.11 Mục 9 Phụ lục 1 Nghị định 126/2020/NĐ-CP có quy định về hồ sơ giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc
Theo các quy định nêu trên, hồ sơ giảm trừ gia cảnh gồm có:
- Bản đăng ký người phụ thuộc.
- Phụ lục bảng kê khai về người phải trực tiếp nuôi dưỡng.
- Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
- Phụ lục bảng tổng hợp đăng ký người phụ thuộc cho người giảm trừ gia cảnh (áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện đăng ký giảm trừ người phụ thuộc cho người lao động).

GĐXH - Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh là quy định người nộp thuế được hưởng khi kê khai thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên theo quy định có những loại thu nhập của cá nhân không được hưởng đặc quyền này. Vậy đó là những khoản nào?

GĐXH - Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Sắp tới mức giảm trừ gia cảnh có gì thay đổi?