Công cụ ChatGPT đang gây sốt trong giới công nghệ. ChatGPT là gì, cách đăng ký, cài đặt và sử dụng ChatGPT như thế nào… là những thông tin đang được nhiều người quan tâm.
Tổng quan về ChatGPT
ChatGPT là sản phẩm do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển, ra mắt vào ngày 30/11/2022, trụ sở chính của công ty nằm ở San Fracisco (Mỹ). Ứng dụng này nổi lên như một hiện tượng khi có thể viết văn, làm thơ, tạo ra các cuộc trò chuyện một cách tự nhiên, thậm chí có thể thay lập trình viên viết code….
Chỉ sau 40 ngày ra mắt, siêu AI này đã đạt 10 triệu người dùng mỗi ngày, vượt kỉ lục so với các ứng dụng khác. Trước đó, Instagram đã mất đến 355 ngày mới đạt được con số như của ChatGPT.
Không chỉ các nhân viên văn phòng, nhiều giám đốc, tỷ phú nổi tiếng như Elon Musk hay Gautam Adani - người giàu nhất Châu Á cũng dùng nó như một phần trong công việc hàng ngày. Còn CEO công ty mẹ của Google coi ChatGPT là "báo động đỏ" cho hoạt động của công ty khi nó có thể đe dọa nền tảng tìm kiếm và khả năng kiếm tiền từ quảng cáo.
Vậy ChatGPT là gì? Nó mang sức mạnh, công dụng ra sao? Và tại Việt Nam, ứng dụng này được sử dụng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu bài viết ngay sau đây của chúng tôi để có cái nhìn tổng quan về ChatGPT.
ChatGPT là sản phẩm do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển, ra mắt vào ngày 30/11/2022.
ChatGPT là gì?
ChatGPT là hệ thống chatbot được tạo bằng khoa học công nghệ GPT-3 (Generative Pretraining Transformer 3). Đây là một mô hình sử dụng công nghệ AI để xử lý tiếng nói hiện đại nhất hiện nay. Nó có khả năng tạo văn bản giống với con người chỉ với những từ khóa cơ bản.
GPT-3 áp dụng được trong nhiều lĩnh vực như: Dịch ngôn ngữ, mô phỏng tiếng nói và tạo văn bản cho chatbot. Hiện công cụ này đang là một trong những mô hình AI xử lý ngôn ngữ lớn và mạnh nhất ở thời điểm hiện tại với tổng tham số lên đến 175 tỷ. Trong đó, chức năng được sử dụng rộng rãi nhất chính là tạo ChatGPT.
Hiểu một cách đơn giản, công cụ này xử lý ngôn ngữ tự nhiên và cho phép chúng trò chuyện như con người. Một điểm đáng chú ý chính là việc tương tác dưới dạng đàm thoại và đưa ra những phản hồi rất đáng kinh ngạc. Mô hình này có thể trả lời câu hỏi, hỗ trợ trả lời mail, viết content, viết mã, viết luận.
Sau khi trình làng, ChatGPT được tờ The New York Times của Mỹ dành lời khen ngợi có cánh là: "Chatbot trí tuệ nhân tạo tốt nhất từng được phát hành".
ChatGPT là sản phẩm do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển, ra mắt vào ngày 30/11/2022
ChatGPT hoạt động như thế nào?
Cách thức hoạt động của ChatGPT khá đơn giản. Chúng nhận câu hỏi hoặc lời kể của bạn. Sau đó đưa ra lời giải đáp cho tất cả những thắc mắc ấy. Tuy nhiên để có thể hoạt động như thế này đòi hỏi những thuật toán vô cùng phức tạp.
Mô phỏng này sử dụng phương pháp tiêu dùng hạ tầng, lấy các dữ liệu văn bản từ internet. Tổng cộng bao gồm 570GB đến từ nhiều nguồn thông tin khác nhau cùng với 300 tỷ từ được đưa vào trong hệ thống.
Hoạt động như một mô hình ngôn ngữ nên nó hoạt động dựa theo xác suất. Nó dự đoán, phân tích và đưa ra đáp án. Để có thể làm được điều này, mô hình đã phải trải qua những cuộc thí nghiệm và giám sát chặt chẽ. Tại đây, người dùng cung ứng đầu vào một cách cụ thể, ví dụ "Giá vàng hôm nay như thế nào?". Trong trường hợp mô hình trải lời sai thì đáp án đúng sẽ được cập nhật ngay lập tức. Từ đó củng cố kiến thức cho hệ thống và những thông tin dần chuẩn xác hơn trong tương lai.
Một trong những điều làm nên sự khác biệt của công nghệ này chính là nó vẫn tiếp tục học ngay khi vẫn đoán khoảng tiếp theo là gì. Việc không dừng lại giúp nó tăng vốn hiểu biết cho những gợi ý và thắc mắc của người sử dụng.
ChatGPT được đánh giá là "trả lời câu hỏi như người thật", có thể trình bày ý tứ một cách logic, có chiều sâu và cực kỳ trôi chảy cho các câu hỏi phức tạp.
Cha đẻ của ChatGPT là ai?
Sau khi siêu AI ChatGPT ra mắt công chúng, Google đã nhanh chóng phát "Báo động đỏ" (Code Red) cho toàn công ty trước thềm dịp lễ Giáng sinh. Từ đây, nhiều người tò mò "cha đẻ" của Chat GPT là ai.
Người đứng sau thành công của ChatGPT là Sam Altman - đồng sáng lập và CEO OpenAI. Sam Altman sinh năm 1985, lớn lên ở St. Louis, Missouri (Mỹ), có gốc là người Do Thái.
Khi lên 8 tuổi, Altman được mẹ là bác sĩ da liễu tặng chiếc máy tính đầu tiên. Anh rất thích món quà này và nó giúp anh định hình tương lai. Sau khi tốt nghiệp trường John Burroughs, Altman tiếp tục theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford danh tiếng. Thế nhưng, anh bỏ học vào năm 2005.
Sau khi bỏ học Đại học Stanford, Altman đồng sáng lập và trở thành CEO của Loopt - ứng dụng di động và mạng xã hội dựa trên vị trí. Loopt từng huy động được 30 triệu USD nhưng phải đóng cửa năm 2012 vì không thu hút được sự chú ý của công chúng. Cuối cùng, Loopt bị thâu tóm với giá 43,4 triệu USD.
Tiếp đến, Altman bắt đầu làm đối tác bán thời gian tại vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng Y Combinato vào năm 2011 và gia nhập chính thức vào 1 năm sau. Đến tháng 2/2014, anh được người đồng sáng lập Paul Graham bổ nhiệm làm chủ tịch công ty. Khi ấy, anh 29 tuổi. Hai năm sau, Altman trở thành Chủ tịch YC Group, gồm Y Combinator và các đơn vị khác, đặt mục tiêu tài trợ 1.000 startup mỗi năm.
Người đứng sau thành công của Chat GPT là Sam Altman (1985) - đồng sáng lập và CEO OpenAI.
Vào năm 2017, Altman nhận bằng danh dự của Đại học Waterloo. Hai năm sau, anh từ chức Chủ tịch YC Group để tập trung vào OpenAI. Kể từ đầu năm 2020, anh cho hay không còn đóng vai trò nào ở YC Group.
Ban đầu, OpenAI hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận kể từ năm 2015 với sự tài trợ từ Altman khi ông làm việc ở Y Combinator. Anh là một trong những nhà sáng lập công ty cùng với CEO Tesla Elon Musk, nhà đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và nhiều thành viên khác. Công ty đặt trụ sở ở quận Mission, San Francisco.
Kể từ khi Altman điều hành, OpenAI đạt nhiều thành tựu, đặc biệt là trong năm 2022. Trong đó, giữa năm 2022, OpenAI trình làng AI Dall-E 2 cho phép người dùng tạo tác phẩm nghệ thuật chỉ bằng chuỗi văn bản. Tiếp đến, ChatGPT được OpenAI ra mắt công chúng được mô tả là AI siêu thông minh, đa tài, có thể trả lời mọi thứ như người thật.
Do ngày càng đạt được nhiều thành tựu nên OpenAI trở thành đối thủ đáng gớm với nhiều công ty công nghệ lớn khác, trong đó có Google. Những thành tựu này giúp Altman và các nhà đầu tư ban đầu vào OpenAI nhận được lợi nhuận gấp 100 lần so với khoản đóng góp ban đầu.
Altman - CEO OpenAI ít khi chia sẻ về cuộc sống cá nhân. Dù vậy, trước khi đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp, anh từng thẳng thắn công khai bản thân là người đồng tính nam. Thêm nữa, anh còn là người ăn chay thuần từ nhỏ.
Lợi ích và tác hại của ChatGPT?
Lợi ích của ChatGPT
Những tiềm năng khổng lồ mà ChatGPT sở hữu thực sự rất to lớn nếu được ứng dụng một cách đúng đắn:
Nâng cao chất lượng dịch vụ: Từ nhiều năm nay, chatbot đã được tận dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ trên internet, ChatGPT sẽ khiến khả năng phản hồi khách hàng và giải đáp thông tin khi mua sắm online lên một tầm cao mới.
Giải đáp các thắc mắc trong mọi lĩnh vực: Với kho dữ liệu đồ sộ, khả năng tổng hợp thông tin và truyền đạt dễ hiểu, ChatGPT có thể được tận dụng để giúp chúng ta tìm câu trả lời cho các vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn cần tỉnh táo để biết rằng các thông tin này chưa qua kiểm định và không rõ nguồn gốc từ đâu.
Hỗ trợ trong lĩnh vực nghiên cứu: Sự hỗ trợ cần thiết của ChatGPT sẽ giúp nâng cấp trình độ nghệ thuật tại các các lĩnh vực nghiên cứu như xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy.
Ở lĩnh vực tự động hóa: ChatGPT sẽ rút gọn quy trình nhập liệu và đơn giản hóa các thao tác trong việc quản lý chuỗi cung ứng, gia tăng năng suất làm việc.
ChatGPT có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà người dùng đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì.
Nguy cơ từ ChatGPT?
Sự xuất hiện của các phần mềm lừa đảo: Sau khi ChatGPT xuất hiện, một số hacker đã lợi dụng khả năng viết code của chatbot này để viết các phần mềm lừa đảo nhằm tấn công và thực hiện ý đồ đánh cắp thông tin. Đáng sợ hơn, ChatGPT có thể tận dụng chính những dòng code mình tạo ra để tiến hành các phương thức lừa đảo tinh vi hơn.
Buôn bán phạm pháp trên Dark Web: Trang CPR cho biết, ChatGPT hiện đang được sử dụng để tạo ra những chợ kinh doanh đồ phạm pháp trên Dark Web, bao gồm thông tin mà những hacker đánh cắp được, các phần mềm độc hại, tiền mã hóa phi pháp...
Gian lận thi cử và thui chột tư duy: Khả năng làm luận văn của "siêu chatbot" này khiến các chuyên gia trong ngành giáo dục gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng sinh viên có thể tận dụng công cụ này để gian lận trong thi cử, đề xuất quay lại phương án thi trên giấy để đảm bảo tính công bằng cho tất cả mọi người. Việc lạm dụng AI cũng có thể khiến khả năng tư duy của chúng ta bị thui chột.
Ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề: Năng lực biên tập đáng sợ của ChatGPT và các công cụ chatbot tân tiến có thể đe dọa công việc của một số ngành nghề như biên tập viên, nhà thiết kế đồ họa, lập trình viên...
Thực tế, việc lo ngại về ChatGPT trong thời điểm hiện tại là quá sớm bởi bản thân đội ngũ OpenAI cũng thừa nhận rằng công cụ của họ còn nhiều thiếu sót, kết quả trả về có sự sai lệch nhất định và dựa rất nhiều vào một chuỗi "thử và sai" liên tục.
Hơn nữa, ChatGPT còn khó có thể đạt tới độ hoàn thiện tối đa bởi OpenAI sẽ phải cập nhật thuật toán liên tục và thường xuyên, song song với việc update kho dữ liệu, biên soạn liên tục để lọc các thông tin độc hại liên quan đến ngôn ngữ thù địch, nạn phân biệt chủng tộc hay đối mặt với vấn nạn tin giả tràn lan.
ChatGPT và Google Search khách nhau như thế nào?
Khác biệt đầu tiên giữa hai công cụ là giao diện và cách đưa ra câu trả lời. Trong khi ChatGPT hiển thị nội dung dưới dạng tin nhắn (chat), tạo cảm giác tự nhiên như đang trò chuyện với một người khác. Thời gian phản hồi khoảng 2-5 giây, tùy theo độ khó của từng vấn đề.
Khi thấy câu trả lời không đầy đủ, không đúng hoặc chưa phù hợp, người dùng có thể chat lại để AI chỉnh sửa, bổ sung hoặc giải thích dữ liệu, thậm chí xin lỗi nếu nó đưa ra đáp án sai.
Ngược lại, Google đã là công cụ tìm kiếm quen thuộc với người dùng Internet với tốc độ trả kết quả dưới một giây. Kết quả được hiển thị dưới dạng một danh sách các đường link để người dùng tự đọc, chọn lọc và tổng hợp thông tin.
Khi ChatGPT mới ra mắt, nhiều người dùng thử nghiệm cho rằng "ChatGPT có thể thay thế công cụ tìm kiếm của Google".
Khác biệt thứ hai là nguồn dữ liệu. ChatGPT được huấn luyện dựa trên kho dữ liệu khổng lồ có từ trước năm 2021, nên không thể cung cấp thông tin mới nhất.
Theo giải thích từ chính ChatGPT, dữ liệu của nó được lấy từ tài liệu mở và trực tuyến trên Internet. Bên cạnh đó, nó được huấn luyện bằng công nghệ máy học sâu (deep learning) và trí tuệ nhân tạo của OpenAI. Do đó, câu trả lời sẽ không được đa dạng như trên Google Search.
Về khía cạnh sàng lọc thông tin, hai bên có cách xử lý khác nhau. Công cụ tìm kiếm của Google cố gắng tránh phần lớn cạm bẫy nội dung bằng cách đẩy phần việc này cho người dùng, để họ tự lọc và đưa ra lựa chọn cho riêng mình.
Ngược lại, ChatGPT tự tổng hợp câu trả lời hoàn chỉnh từ quá trình huấn luyện. Do đó, nó giúp người dùng rút ngắn thời gian khi cần ngay thông tin trong nhiều lĩnh vực, nhưng kém Google Search về khả năng cập nhật và kiểm chứng - vốn quét Internet để tìm dữ liệu theo thời gian thực.
Đối với một số câu hỏi mẹo, ChatGPT dễ bị "lừa" hoặc chưa hiểu hết ý nghĩa và trả lại đáp án sai. Ngược lại, do dựa trên việc liệt kê đường link, người dùng có thể tìm kiếm các câu đố kèm lời giải nhanh chóng khi dùng Google Search.
Theo nhận định của CNBC, ở giai đoạn này, kết quả từ Google vẫn đáng tin cậy nhờ nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển công cụ tìm kiếm cũng như nguồn tài chính khổng lồ để đầu tư cho công nghệ. Ngược lại, ChatGPT đang trong quá trình thử nghiệm và nhiều lần gặp tình trạng dừng hoạt động do quá tải.
Dùng ChatGPT miễn phí như thế nào?
Hiện tại công cụ ChatGPT chưa hỗ trợ tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, người dùng Internet tại Việt Nam vẫn có một số cách đăng ký, cài đặt ChatGPT để sử dụng, trải nghiệm công cụ này. (nếu chấp nhận trả phí bạn có thể thông qua website: openai.com)
Để trải nghiệm, người dùng trong nước phải giải quyết được 2 vấn đề chính: Dùng IP của nước được hỗ trợ (Mỹ, Châu Âu…) và có số điện thoại nước ngoài để xác thực tài khoản.
Với mục đích trải nghiệm, người dùng có thể chọn VPN miễn phí. Tuy vậy, việc tìm ra VPN phù hợp, cho dùng miễn phí là không dễ dàng. Hơn thế nữa, VPN miễn phí có tốc độ kết nối chậm, hay đứt kết nối.
Hiện tại công cụ Chat GPT chưa có ở thị trường Việt Nam, nên để đăng ký tài khoản Chat GPT bạn cần sử dụng tới phần mềm VPN và số điện thoại ở những khu vực dùng ChatGPT.
Về cách đăng ký ChatGPT, người dùng có thể đăng ký dùng thử tại website của nhà cung cấp dịch vụ OpenAI.
ChatGPT chưa hỗ trợ người dùng Việt Nam nhưng với một vài "thủ thuật", bạn vẫn có thể đăng ký và cài đặt ChatGPT dễ dàng. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ khuyến cáo, nếu không am hiểu về công nghệ thì tốt nhất bạn không nên làm theo để tránh bị lừa đảo.
Ngoài ra, một cách khác để trải nghiệm ChatGPT đơn giản và an toàn hơn đó là sử dụng tiện ích mở rộng cho trình duyệt Chrome của Nhà phát triển Merlin.
Sau khi cài đặt tiện ích mở rộng này, bạn hãy đóng và mở lại trình duyệt để bắt đầu sử dụng ChatGPT.
Về cách sử dụng ChatGPT, khi một cửa sổ hiện ra, bạn hãy đặt câu hỏi cho ChatGPT và chờ đợi những câu trả lời "giống như người" vô cùng thú vị và bất ngờ của chatbot AI này.