GĐXH - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.
Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động ứng phó với bão Trami
Ngày 22/10, VTV đưa tin, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện gửi các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Thuận để chủ động ứng phó với cơn bão Trà Mi khi vào Biển Đông.
Ảnh minh họa: NDO.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão (tên quốc tế là Trami). Đến chiều 24/10, bão đi vào Biển Đông với cường độ cấp 10, giật cấp 12. Đến 13 giờ, ngày 25/10, bão mạnh lên cấp 11, giật cấp 14, vùng nguy hiểm từ Vĩ tuyến 15,0-20,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 115 độ Kinh Đông.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 72 giờ tới: Từ Vĩ tuyến 15,0-20,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Các tỉnh, thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24 giờ), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Tạm giữ người mẹ vụ bé gái 5 tuổi ở TPHCM tử vong
Tối 22/10, VNN đưa tin Cơ quan CSĐT Công an quận 4, TPHCM đã ra quyết định tạm giữ hình sự Trần Thị Kim Giàu (33 tuổi, ngụ Quận 4) để điều tra, làm rõ về cái chết của bé H.T.A. (5 tuổi, con ruột của Giàu).
Hình ảnh bé gái 5 tuổi được đăng tải lên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Như đã thông tin, mới đây mạng xã hội lan truyền bài viết của tài khoản Facebook tên H.T.H. (cha của bé H.T.A.) tố vợ cũ bạo hành gây ra cái chết của con gái mình. Cộng đồng mạng bức xúc, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
Công an quận 4 đã phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM để điều tra vụ việc này.
Đến nay, công an bước đầu làm rõ các tình tiết liên quan và xác định thương tích trên cơ thể bé H.T.A. là do sự bạo hành của người mẹ, tức Trần Thị Kim Giàu gây ra.
Theo hồ sơ, 5h sáng 13/10, Giàu đến Công an Phường 9 (Quận 4) trình báo vụ việc con gái của mình, là cháu H.T.A. đã tử vong trước đó vài tiếng khi đang trên đường đưa đi cấp cứu.
Giàu trình bày, lúc 2h, khi đi xuống nhà thì phát hiện cháu A. nằm im lìm tại bậc chờ cầu thang. Bà Giàu gọi con nhưng không thấy trả lời. Kiểm tra thì phát hiện người con lạnh toát nên Giàu bế xuống khu vực tầng trệt để lay gọi, xoa dầu và nhờ hàng xóm đưa đi cấp cứu. Nhưng dọc đường đi, bé A. đã không qua khỏi và y bác sĩ bệnh viện Quận 4 xác định, bé H.T.A. tử vong trước khi vào viện.
Khi tiếp nhận tin báo, Công an quận 4 lấy lời khai của những người liên quan, các nhân chứng, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Công an xác định trên cơ thể của bé A. có nhiều thương tích ở các mặt, trán, lưng, tay, chân…
Đến nay, công an đủ cơ sở xác định, trong sinh hoạt hàng ngày, Giàu thường xuyên có hành vi bạo hành đối với bé H.T.A. Cụ thể, Giàu thường chửi bới, dùng các vật dụng trong nhà để đánh vào các phần cơ thể của cháu A., thậm chí đổ nước nóng vào chân của bé.
Công an cho rằng, hành vi bạo hành của bà Giàu đối với con là một trong những nguyên nhân chính gây ra cái chết của bé. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an Quận 4 ra quyết định tạm giữ hình sự người mẹ này để tiếp tục mở rộng điều tra.
Cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, người phụ nữ ở Hà Nội mất 500 triệu đồng
Ngày 22/10, Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, một người phụ nữ trên địa bàn đã bị chiếm đoạt 500 triệu đồng khi cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo.
Ảnh minh họa
Cụ thể, vào ngày 16/10, chị H. (SN 1989, ở huyện Chương Mỹ) có nhận được cuộc gọi của đối tượng thông báo tài khoản VNeID của con trai chị chưa được kích hoạt mức 2.
Đối tượng hướng dẫn chị cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, chụp ảnh căn cước công dân, xác thực khuôn mặt, quét mã QR...
Sau khi làm theo đối tượng, chị H. phát hiện tài khoản ngân hàng bị chuyển mất 500 triệu đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Việc kích hoạt định danh điện tử mức 2 phải được thực hiện tại trụ sở công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước chứ không làm online.
Người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi lạ tự xưng cơ quan nhà nước, công an; không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP... cho người lạ, tránh sập bẫy lừa đảo của tội phạm. Nếu người dân cài đặt phần mềm giả mạo thì sẽ có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Các trường đại học đang khẩn trương thu hồi bằng của ông Vương Tấn Việt
Thông tin trên báo chí, TS. Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết: "Trường Đại học Hà Nội đang thực hiện thủ tục thu hồi bằng Cử nhân ngoại ngữ ngành tiếng Anh hệ đào tạo từ xa đã cấp cho ông Vương Tấn Việt.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học liên quan khẩn trương thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật.
Ông Vương Tấn Việt đã học chương trình đại học ngành ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, hệ đào tạo từ xa, nay là Trường Đại học Hà Nội. Thời gian ông Việt học từ năm 1994 đến năm 2001. Thời gian đào tạo tối đa của chương trình đào tạo từ xa giai đoạn ông Vương Tấn Việt học là 9 năm.
Theo đại diện nhà trường, Trường Đại học Hà Nội hiện không còn lưu hồ sơ tuyển sinh của ông Vương Tấn Việt vì theo quy định thời hạn lưu giữ hồ sơ tuyển sinh là đến khi kết thúc khóa học. Còn với các thông tin của sinh viên, nhà trường lưu giữ theo quy định, gồm kết quả học tập, các quyết định công nhận trúng tuyển và công nhận tốt nghiệp của sinh viên.
Tại Trường Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Ngân - Trưởng phòng Đào tạo sau đại học Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, thực hiện yêu cầu của Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tiến hành các thủ tục pháp lý hủy kết quả đào tạo và thu hồi các văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật.
Ngày 21/10, Bộ GD&ĐT đã công bố kết quả xác minh văn bằng của ông Vương Tấn Việt. Theo Bộ GD&ĐT, Bộ đã xem xét quá trình đào tạo, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xác minh bằng cấp của ông Vương Tấn Việt theo quy trình kỹ lưỡng, cẩn trọng, đúng quy định của pháp luật.
Kết quả xác định ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp 3 bổ túc văn hóa không hợp pháp. Ông Vương Tấn Việt cũng thừa nhận việc sử dụng bằng cấp ba không hợp pháp.
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học liên quan khẩn trương thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật, đồng thời rà soát quy trình tổ chức đào tạo nhằm tránh xảy ra các trường hợp tương tự.
Trường đại học Thủ Dầu Một chính thức hoàn trả sinh viên 37 tỉ đồng học phí
Tuổi trẻ đưa tin, ngày 22/10, tại họp báo về tình hình kinh tế, xã hội của UBND tỉnh Bình Dương, TS Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Thủ Dầu Mộtcho biết đã có quyết định chính thức về việc hoàn trả 37 tỉ đồng học phí thu vượt mức cho sinh viên.
Ông Cường cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã có chỉ đạo và trường đã quyết định chính thức về việc hoàn trả học phí.
"Việc hoàn trả học phí còn liên quan đến ngân sách và phải rà soát, tính toán với từng trường hợp trong tổng số sinh viên rất lớn nên việc thực hiện phải cẩn trọng. Nhưng tinh thần là trường sẽ thực hiện ngay và hoàn thành sớm nhất để hài hòa và đảm bảo lợi ích chính đáng của người học" - ông Cường cho biết.
Động thái hoàn trả học phí được cho là biện pháp "sửa sai" liên quan vụ "thu sai học phí 37 tỉ đồng nhưng không trả sinh viên" tại Trường đại học Thủ Dầu Một (trường công lập trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương).
Theo kết luận kiểm toán, số tiền 37 tỉ đồng là học phí thu vượt mức của hai năm học 2020-2021 và 2021-2022 đối với các tín chỉ thực hành.
Thời điểm trên, tín chỉ thực hành được Trường đại học Thủ Dầu Một nhân hệ số 1,5 so với tín chỉ lý thuyết. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước kết luận thời điểm đó trường chưa tự chủ tài chính, ngân sách còn bù đắp học phí nên cách tính học phí với tín chỉ thực hành như vậy là chưa đúng.
Theo giải thích của Trường đại học Thủ Dầu Một, một tín chỉ lý thuyết tương đương 15 giờ dạy, trong khi một tín chỉ thực hành tương đương 30 giờ dạy. Tức chi phí giảng dạy và cơ sở vật chất dạy thực hành gấp 2 lần so với dạy lý thuyết.
Đối với tín chỉ thực hành thì tiêu hao vật tư thực hành, trong khi mức học phí theo nghị định 86 năm 2015 (áp dụng khi trường chưa tự chủ tài chính) chỉ quy định chung.
Trường đại học Thủ Dầu Một là trường công lập lớn nhất tỉnh Bình Dương, quy mô khoảng 20.000 sinh viên, học viên. Mỗi khóa có khoảng 4.000 người. Từ năm 2022, trường bắt đầu tự chủ tài chính chi thường xuyên.
GĐXH - Cơ quan chức năng vừa thông tin vụ việc một người đàn ông tử vong tại phòng tập gym trên địa bàn quận Hoàng Mai đang xôn xao dư luận; Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm đã làm việc với Apple, cho biết khách hàng sẽ nhận được đơn hàng thay thế.