Đón không khí lạnh mạnh, miền Bắc rét đậm, rét hại
Các chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa có nhận định diễn biến thời tiết trong 9 ngày (21/2-1/3/2025).
Theo đó, áp cao lạnh lục địa (không khí lạnh) có cường độ suy yếu, dịch dần ra phía Đông và biến tính; từ khoảng ngày 22-23/2 có khả năng được tăng cường liên tục, sau có cường độ ổn định và suy yếu dần.
Trên cao, dòng xiết gió Tây duy trì trên khu vực Bắc Bộ, từ khoảng 25-26/2 hình thành rãnh gió Tây. Áp cao cận nhiệt đới có xu hướng lấn dần về phía Tây gây ra nhiễu động gió Đông trên cao trên khu vực Trung Bộ đến khoảng ngày 25/2.
Do ảnh hưởng của những hình thái trên, thời tiết các vùng trên cả nước có nhiều biến động, đặc biệt xuất hiện tình trạng mưa rét kéo dài ở miền Bắc, Trung Bộ và mưa giông trái mùa ở Tây Nguyên, Nam Bộ.
Cụ thể, ở Bắc Bộ ngày 21/2, có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, riêng khu vực Tây Bắc có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng; từ ngày 22-24/2 có mưa và mưa nhỏ rải rác; từ 25-26/2, có mưa rào và giông rải rác; sau giảm mưa. Trời rét, vùng núi có nơi rét đậm; từ khoảng đêm 23-26/2, vùng núi và trung du trời rét đậm, có nơi rét hại.

Thời tiết Lạng Sơn, nơi ảnh hưởng mạnh khi không khí lạnh tràn về, nền nhiệt giảm còn ở mức 8-11 độ trong ngày 24/2. Nguồn: NCHMF
Theo bảng nhiệt độ của tỉnh Lạng Sơn, nền nhiệt giảm mạnh từ ngày 23/2 và tiếp tục giảm sâu vào 24-25/2 với mức nhiệt thấp nhất 8-9 độ và cao nhất chỉ 11-12 độ.
Bắc Trung Bộ, từ 21-24/2, có mưa, mưa nhỏ rải rác; từ 25-26/2, có mưa rào và giông rải rác; sau giảm mưa. Đêm và sáng trời rét; từ khoảng 23-24/2, trời rét.
Khu vực Trung và Nam Trung Bộ trong những ngày tới xuất hiện mưa liên tiếp; trong đó, 21/2 có mưa, mưa rào rải rác; từ khoảng 22-25/2 có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to và giông; sau giảm mưa.
Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và giông vài nơi, riêng Nam Tây Nguyên và Nam Bộ từ khoảng ngày 22-23/2 xuất hiện mưa trái mùa.
Trường hợp tài xế không bị trừ điểm giấy phép lái xe
Tại khoản 1 Điều 50 của Nghị định 168/2024/NĐ-CP có nêu về nguyên tắc trừ điểm giấy phép lái xe.
Theo quy định, việc trừ điểm giấy phép lái xe được thực hiện ngay sau khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm mà theo quy định của Nghị định này bị trừ điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành;
Trường hợp cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần mà bị xử phạt trong cùng một lần, nếu có từ 2 hành vi vi phạm trở lên theo quy định bị trừ điểm giấy phép lái xe thì chỉ áp dụng trừ điểm đối với hành vi vi phạm bị trừ nhiều điểm nhất;
Trường hợp số điểm còn lại của giấy phép lái xe ít hơn số điểm bị trừ thì áp dụng trừ hết số điểm còn lại của giấy phép lái xe đó;
Trường hợp giấy phép lái xe tích hợp giấy phép lái xe không thời hạn (xe mô tô, xe tương tự xe mô tô) và giấy phép lái xe có thời hạn (xe ô tô, xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ) thì người có thẩm quyền xử phạt thực hiện trừ điểm đối với giấy phép lái xe không thời hạn khi người điều khiển xe mô tô, xe tương tự xe mô tô hoặc trừ điểm giấy phép lái xe có thời hạn khi người điều khiển xe ô tô, xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ thực hiện hành vi vi phạm hành chính có quy định bị trừ điểm giấy phép lái xe;
Không trừ điểm giấy phép lái xe khi giấy phép lái xe đó đang trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Cũng theo khoản 1, người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Mục 1 Chương III của Nghị định này và có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm có quy định trừ điểm giấy phép lái xe thì có thẩm quyền trừ điểm giấy phép lái xe đối với hành vi vi phạm đó.
Truy tìm người mặc áo xe ôm công nghệ phóng hỏa ngôi nhà trong đêm

Thời điểm người đàn ông phóng hoả. Ảnh cắt từ clip
Ngày 20/2, lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) cho biết đơn vị đang điều tra, truy tìm nghi phạm trong vụ phóng hỏa xảy ra tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), thông tin trên Người lao động.
Theo video lan truyền trên mạng xã hội, một người đàn ông mặc áo tài xế công nghệ, đi xe máy vào con ngõ nhỏ trên địa bàn phường Đại Kim.
Sau đó, người này dừng xe, đi bộ ngược lại đứng trước một căn nhà, rồi rút trong túi một chai màu xanh, châm lửa và ném vào trong nhà.
Ngọn lửa nhanh chóng bùng lên, còn người đàn ông lên xe bỏ chạy.
Theo camera an ninh, một lúc sau, người đàn ông này quay lại xem tình hình rồi mới đi hẳn.
Theo lãnh đạo Công an quận, vụ việc không gây thiệt hại về người.
Đề xuất những khoản thu nhập không phải đóng BHXH

Nhiều khoản thu nhập người lao động không phải đóng BHXH. Ảnh minh họa: Vietnamnet
Góp ý về dự thảo nghị định và thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH 2024, BHXH Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp hiện có rất nhiều khoản phụ cấp, khoản bổ sung để trả cho người lao động với các tên gọi đa dạng hoặc gọi theo vùng miền dẫn đến khó xác định. Việc bổ sung những khoản tiền không phải đóng BHXH sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện.
Vì vậy, cơ quan này đề xuất bổ sung những khoản tiền không phải đóng BHXH sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện.
Cụ thể, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc không gồm các chế độ và phúc lợi khác như: thưởng theo quy định tại điều 104 Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân tử vong, có người thân kết hôn, sinh nhật, trợ cấp cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động…
Bí thư Sa Pa nói về việc trẻ em mặc trang phục dân tộc nhảy TikTok

Các em nhỏ mặc trang phục dân tộc nhảy trên nền nhạc hiện đại ở Sa Pa được nhiều khách du lịch quan tâm, hưởng ứng. Ảnh: Bảo Nguyên
Những ngày qua, trên mạng xã hội tranh cãi nhiều về những đoạn video ghi lại hình ảnh các bé gái mặc trang phục dân tộc thiểu số nhảy trên nền nhạc sôi động, nhạc TikTok ở khu vực nhà thờ Đá, Quảng trường Sa Pa (Lào Cai). Bên cạnh những du khách thích thú nhảy cùng các bé sau đó cho tiền, không ít người bày tỏ sự không hài lòng và cho rằng phản cảm.
Trao đổi trên Lao Động, ông Phan Đăng Toàn - Bí thư Thị ủy Sa Pa chia sẻ: "Việc các cháu nhỏ mặc trang phục dân tộc nhảy trên nền nhạc hiện đại ở một số khu vực trung tâm Sa Pa nhận được rất nhiều luồng ý kiến. Lãnh đạo thị xã cũng đã họp bàn về vấn đề này để tìm giải pháp. Tuy nhiên, qua lấy ý kiến mở rộng, kể cả giới chuyên gia, nhiều người cho rằng nếu không có các tiết mục nghệ thuật như vậy buổi tối ở Sa Pa, du khách cảm thấy thiếu đi sự náo nhiệt".
Lãnh đạo thị xã Sa Pa đã giao cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông có phương án quản lý, cấp chứng chỉ hoạt động biểu diễn văn nghệ đường phố để các cháu không bị chăn dắt, lợi dụng cũng như tạo thu nhập cho gia đình, ông Phan Đăng Toàn cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông thị xã Sa Pa, cho rằng trước đây có tình trạng đầu nậu dẫn trẻ nhỏ đi xin tiền khách du lịch rất phản cảm, chính quyền đã vào cuộc rất quyết liệt để ngăn chặn.
"Bây giờ các cháu không đeo bám, xin tiền nữa mà nhảy nghệ thuật và được khách hưởng ứng, cho tiền thì không có gì sai. Chúng tôi chỉ tính đến phương án làm sao để hoạt động này không bị trục lợi và việc nhảy phải đúng định hướng như bật nhạc Việt, mặc trang phục truyền thống, đúng thuần phong mỹ tục.
Để biểu diễn, phải có bố mẹ các cháu đi cùng hoặc một câu lạc bộ đứng ra tổ chức (đoàn viên thanh niên xã phường). Về lâu dài, dạy các cháu yêu văn hóa bản địa, sau này thành hướng dẫn viên du lịch để tạo thu nhập cho bản thân và phát triển văn hóa truyền thống. Đây là một điểm mới, nếu làm tốt có thể tạo nên ấn tượng riêng của Sa Pa với khách du lịch", bà Nguyễn Thị Thu Hường nói và mong công chúng đừng quá khắt khe về câu chuyện này.
Trước đó, chính quyền địa phương đã vận động được khoảng 100 phụ nữ, trẻ em và người già dân tộc thiểu số tới bản Cát Cát để tham gia biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc. Tại các bản du lịch khác, trẻ em cũng được tham gia hoạt động biểu diễn phù hợp. Cách làm này giúp hạn chế tình trạng bán hàng rong, biểu diễn trái phép xin tiền, đồng thời giúp các em có thêm thu nhập.

GĐXH - Chiếc xe tải trong lúc xuống dốc đã bất ngờ mất lái, lao sang bên phải đường rồi tông trúng xe đạp do người phụ nữ lớn tuổi điều khiển. Hậu quả, vụ tai nạn khiến người đi xe đạp bị thương nặng, tử vong tại bệnh viện.

GĐXH - Đó là một trong các ý kiến được nêu ra tại buổi tọa đàm "Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống người dân Tuyên Quang" được tổ chức tại TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang vào chiều 19/2.