Cảnh sát giao thông tham gia đăng kiểm phương tiện
Lực lượng công an hỗ trợ kiểm tra kỹ thuật, nghiệp vụ để việc đăng kiểm của người dân được thuận lợi, nhanh chóng nhất. Ảnh: TL
Sáng 11/3, Cục CSGT (Bộ Công an) tổ chức tập huấn cho 167 chiến sĩ CSGT, nhằm tăng cường cho các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đây là kế hoạch được triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an về việc tăng cường lực lượng CSGT hỗ trợ công tác đăng kiểm theo đề nghị của Bộ GTVT.
Theo đại diện Cục CSGT, quy trình đăng kiểm các phương tiện dân sự có 5 công đoạn chính. Trong đó, cán bộ CSGT sẽ hỗ trợ kiểm tra kỹ thuật, nghiệp vụ để việc thực hiện quy trình nhanh chóng, đầy đủ cho người dân khi có nhu cầu đăng kiểm.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, ngoài lực lượng, Cục CSGT cũng tăng cường hạ tầng của trạm đăng kiểm, để tạo sự kết nối và đồng nhất giữa các cơ sở dữ liệu của đăng kiểm với cơ sở dữ liệu tại các trạm đăng kiểm của Cục CSGT.
Trưa 11/3, 50 CSGT đủ điều kiện nghiệp vụ được Cục CSGT bàn giao tới Cục Đăng kiểm Việt Nam để tăng cường cho các trung tâm đăng kiểm đang bị quá tải. Ngay trong chiều cùng ngày, 30 cán bộ sẽ bắt đầu làm nhiệm vụ tại các trung tâm ở Hà Nội và 20 người làm việc tại TP.HCM.
Biện pháp này nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong đăng kiểm phương tiện cơ giới. Thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường cơ sở, trang thiết bị kỹ thuật, con người để hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải thực hiện công tác đăng kiểm, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
Lực lượng chức năng sẽ nhanh chóng rà soát các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương. Nếu trung tâm nào cần đăng kiểm viên thì sẽ tăng cường ngay lực lượng đăng kiểm của Cảnh sát giao thông. Theo đó, lực lượng Công an sẽ hỗ trợ kiểm tra kỹ thuật, nghiệp vụ để việc đăng kiểm của người dân được thuận lợi, nhanh chóng nhất.
Nguyên lý hoạt động dây chuyền đăng kiểm của các trung tâm đăng kiểm thuộc ngành Giao thông và Công an cơ bản giống nhau nên có thể đáp ứng ngay được yêu cầu.
Trong quy trình đăng kiểm các phương tiện dân sự có 5 công đoạn chính, cán bộ Cảnh sát giao thông sẽ hỗ trợ kiểm tra kỹ thuật, nghiệp vụ để việc thực hiện quy trình nhanh chóng, đầy đủ nhất. Được biết, các dây chuyền đăng kiểm của lực lượng Công an cũng sẵn sàng để phục vụ người dân.
Nữ sinh lớp 8 phải nhập viện do bị đánh hội đồng
Hình ảnh nữ sinh bị đánh hội đồng phải nhập viện điều trị (ảnh cắt từ clip).
Ngành chức năng huyện Tam Bình (Vĩnh Long) đang làm rõ vụ nữ sinh lớp 8 trên địa bàn bị một nhóm thiếu nữ dùng nón bảo hiểm đánh dã man, phải nhập viện điều trị.
Theo đó, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện 2 clip ghi lại cảnh một nữ sinh bị nhóm thiếu nữ vây đánh bằng nón bảo hiểm. Nữ sinh bị đánh chỉ biết ôm đầu, khóc xin tha.
Lãnh đạo Công an huyện Tam Bình cho biết, đã nắm được vụ việc và cử lực lượng cảnh sát hình sự xác minh làm rõ.
Theo cơ quan chức năng, 2 clip trên được quay vào ngày 31/1 và 23/2, tại một đoạn đường vắng và công viên ở huyện Tam Bình.
Nạn nhân là em L.T.N.D (14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Phú Thịnh). Người được cho chủ mưu của vụ việc là V.P.T (19 tuổi, ngụ thị xã Bình Minh).
Theo xác minh ban đầu, cuối tháng 12/2022, nhóm của T hẹn em D ra đoạn đường vắng thuộc ấp Phú Ninh (xã Song Phú, huyện Tam Bình) để đánh.
Sau đó, ngày 31/1 và 23/2, nhóm của T tiếp tục hẹn D ra khu vực vắng người và dùng dùng nón bảo hiểm để đánh nữ sinh lớp 8 gây thương tích ở đầu và tay. Nữ sinh D được người nhà đưa đi điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Hai clip xuất hiện trên mạng xã hội được nhóm của T. quay lại. Hiện, gia đình của nữ sinh D đã đến công an xã trình báo vụ việc.
Sau khi tiếp nhận tin báo, cơ quan CSĐT Công an huyện Tam Bình làm thủ tục xử lý tin báo theo quy định, tiến hành điều tra, xác minh. Cơ quan công an đã kết hợp chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường mời làm việc với nhóm khoảng 12 học sinh tham gia đánh nữ sinh D.
Không khí lạnh tràn về, Bắc Bộ mưa rét có nơi dưới 10 độ
Không khí lạnh tràn về, miền Bắc trời mưa rét. Ảnh: TH
Theo dự báo thời tiết, khoảng ngày 12/3, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ. Sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3. Vùng ven biển cấp 4-5, có nơi giật cấp 6.
Từ chiều ngày 12/3, khu vực vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ trời chuyển rét.
Từ đêm 12-13/3, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét.
Ngày 13/3, khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời chuyển rét.
Dự báo thời tiết cho biết, trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 14-17 độ. Khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 11-14 độ. Vùng núi cao có nơi dưới 10 độ.
Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 17-19 độ.
Theo dự báo thời tiết, từ chiều tối và tối ngày 12/3, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-3m. Riêng Bắc Biển Đông 3-5m; biển động mạnh.
Từ đêm 12/3, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7. Sóng biển cao 2-3m, biển động.
Theo dự báo thời tiết, từ gần sáng ngày 12/3 đến sáng 13/3, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông.
Từ đêm 12-14/3, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Dự báo thời tiết cảnh báo không khí lạnh gây gió mạnh, sóng cao, ảnh hưởng tới các hoạt động trên biển.
Ngoài ra, mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hả tầng.
Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 3/2023
Quy định tỷ lệ học sinh bán trú trong trường phổ thông dân tộc bán trú
Từ ngày 18/3/2023, quy định tỷ lệ học sinh bán trú trong trường PTDTBT có hiệu lực. Ảnh minh họa: TL
Một chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 3/2023 là Thông tư 03/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT).
Theo đó, trường PTDTBT bảo đảm ổn định tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số và tỷ lệ học sinh bán trú như sau:
- Tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số: Có ít nhất 50% trong tổng số học sinh của toàn trường là người dân tộc thiểu số.
- Tỷ lệ học sinh bán trú:
+ Trường PTDTBT tiểu học: Có ít nhất 20% học sinh bán trú;
+ Trường PTDTBT trung học cơ sở: Có ít nhất 45% học sinh bán trú;
+ Trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở: Có ít nhất 32,5% học sinh bán trú hoặc có ít nhất 20% học sinh tiểu học bán trú và 45% học sinh trung học cơ sở bán trú.
Trường PTDTBT do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập và quản lý. Phòng GD&ĐT giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với trường PTDTBT.
Quy định mới này có hiệu lực từ ngày 18/3/2023.
Mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường
Quy định mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường có hiệu lực từ ngày 20/3/2023. Ảnh minh họa: TL
Thông tư 07/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.
Theo chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2023 này, mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định dựa trên tổng vốn đầu tư dự án, đơn cử như sau:
- Đến 10 tỷ đồng: mức phí 6 triệu đồng.
- Trên 10 đến 20 tỷ đồng: mức phí 9 triệu đồng.
- Trên 20 đến 50 tỷ đồng: mức phí 15 triệu đồng.
- Trên 50 đến 100 tỷ đồng: mức phí 27 triệu đồng.
- Trên 100 đến 200 tỷ đồng: mức phí 30 triệu đồng.
- Trên 200 đến 500 tỷ đồng: mức phí 39 triệu đồng.
- Trên 500 đến 1000 tỷ đồng: mức phí 44 triệu đồng.
- Trên 1000 đến 1500 tỷ đồng: mức phí 48 triệu đồng.
- Trên 1500 đến 2000 tỷ đồng: mức phí 49 triệu đồng.
- Trên 7000 tỷ đồng: mức phí 61 triệu đồng.
Hiện nay, mức thu phí thẩm định được chia thành hai trường hợp (dựa trên cùng hoặc không cùng một cơ quan thẩm quyền phê duyệt).
Chính sách mới này có hiệu lực từ ngày 20/3/2023.
Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký
Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 20/3/2023. Ảnh minh họa: TL
Nghị định 02/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 20/3/2023.
Theo chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 3/2023 này, các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký bao gồm:
- Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 - 0,2 triệu m3 hoặc công trình khai thác, sử dụng nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm các mục đích khác có quy mô thuộc trường hợp phải cấp phép) với lưu lượng khai thác lớn hơn 0,1 - 0,5 m3/giây.
Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 có các mục đích khai thác, sử dụng nước có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép thì phải thực hiện xin phép theo quy định.
- Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất trên đất liền bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ với quy mô trên 10.000 - 100.000 m3/ngày đêm.
- Khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 02/2023/NĐ-CP và các trường hợp quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước 2012 nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do UBND cấp tỉnh công bố.
- Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản.
Bổ sung khoản chi tổ chức các lớp bồi dưỡng công chức, viên chức trong nước
Từ ngày 20/3/2023, bổ sung khoản chi tổ chức các lớp bồi dưỡng công chức, viên chức trong nước bắt đầu có hiệu lực. Ảnh minh họa: TL
Thông tư 06/2023/TT-BTC sửa đổi Thông tư 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (CBCC), viên chức có hiệu lực từ ngày 20/3/2023.
Theo chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 3/2023 này, bổ sung các chi phí phát sinh trong trường hợp đào tạo, bồi dưỡng thông qua hình thức trực tuyến từ xa vào nội dung chi tổ chức các lớp bồi dưỡng CBCC, viên chức trong nước, cụ thể:
- Chi mua sắm, thuê thiết bị, phần mềm và các hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng thông qua hình thức trực tuyến từ xa: Phần mềm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; Bài giảng, phần mềm mô phỏng, thiết bị phục vụ giảng dạy trực tuyến từ xa; Chi phí đường truyền và các chi phí công nghệ thông tin khác.
- Chi số hóa tài liệu và các chi phí khác phục vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng thông qua hình thức trực tuyến từ xa.
Nội dung chi do các cơ sở bồi dưỡng hoặc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp bồi dưỡng CBCC, viên chức, giao nhiệm vụ biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng thực hiện.