GĐXH - Hộ chiếu (passport) cũ hết thời hạn, người dân có bắt buộc phải đổi sang loại hộ chiếu mới được cấp? Cập nhật thông tin trong bài viết dưới đây.
Hộ chiếu (passport) gắn chip có định vị theo dõi người dân?
Theo Bộ Công an, hộ chiếu (passport) gắn chip là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin đã được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký của người cấp.
Về cơ bản, hộ chiếu gắn chip có hình thức giống với hộ chiếu không gắn chip đang triển khai cấp cho công dân Việt Nam. Ví dụ: bìa màu xanh tím than, các trang bên trong là cảnh đẹp, di sản văn hóa đất nước; được in bằng công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO…
Hộ chiếu gắn chip hoàn toàn không có định vị theo dõi.
Điểm khác biệt giữa 2 mẫu đó là ở trang bìa đầu tiên của hộ chiếu gắn chip sẽ có biểu tượng chip điện tử. Thực tế, chip được đặt tại trang bìa sau của hộ chiếu để lưu trữ thông tin của người được cấp hộ chiếu và chữ ký số của cơ quan cấp hộ chiếu.
So với hộ chiếu không gắn chip, hộ chiếu gắn chip được đánh giá có nhiều điểm ưu việt. Không chỉ lưu trữ các thông tin dưới dạng viết trên giấy (họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch…), hộ chiếu gắn chip còn có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học của con người (vân tay, mống mắt, khuôn mặt, nhóm máu…).
Theo đó, thông tin lưu trữ càng nhiều thì việc nhận dạng con người càng chính xác. Thời gian để cán bộ kiểm soát xuất, nhập cảnh xác nhận thông tin của hành khách càng rút ngắn.
Bên cạnh đó, hộ chiếu gắn chip có tính bảo mật thông tin cao, thông tin lưu trữ trong chip điện tử nên rất khó để sao chép. Việc này giúp bảo vệ người mang hộ chiếu trước nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân; tránh tình trạng bị làm giả. "Hoàn toàn không có việc định vị theo dõi", Bộ Công an khẳng định.
Hộ chiếu gắn chip mang nhiều ưu điểm so với hộ chiếu mẫu cũ.
Bộ Công an cho biết thêm, hộ chiếu gắn chip là điều kiện tiên quyết và là cơ sở để tự động hóa công tác kiểm soát cửa khẩu, tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa các nước, nhất là những quốc gia đã ứng dụng công nghệ nhận dạng sinh trắc học để kiểm soát hộ chiếu tại cửa khẩu quốc tế.
Hiện nay, trên thế giới có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hộ chiếu gắn chip. Người mang hộ chiếu gắn chip thường được ưu tiên cho phép xuất, nhập cảnh dễ dàng hơn. Ví dụ, chương trình miễn thị thực nhập cảnh của Mỹ được áp dụng cho 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với điều kiện người nhập cảnh phải có hộ chiếu gắn chip.
GĐXH - Người dân khi đi làm hộ chiếu (passport) nên lưu ý điều này để đảm bảo quyền lợi cho mình và người thân.
Thủ tục cấp hộ chiếu gắn chip điện tử
Người dân có thể làm thủ tục cấp hộ chiếu gắn chip bằng nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, công dân có căn cước công dân có quyền lựa chọn nơi làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu tại bất kỳ Phòng xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố nào công dân thấy thuận lợi nhất.
Với những người vẫn dùng Chứng minh nhân dân, buộc phải làm thủ tục xin cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh nơi có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.
Trường hợp người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ 2 trở đi, được lựa chọn nơi làm thủ tục cấp hộ chiếu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh bất kỳ.
Ngoài ra, để giảm thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, công dân chủ động làm tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an theo đường dẫn: https://dichvucong.bocongan.gov.vn/
Về trả kết quả làm hộ chiếu, công dân có thể nhận trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh hoặc được đơn vị bưu chính chuyển phát đến địa chỉ đã đăng ký và thanh toán phí chuyển phát khi nhận hộ chiếu.
Công dân từ 14 tuổi trở lên mới đủ điều kiện làm hộ chiếu gắn chip.
Hộ chiếu sẽ được cấp trong hạn 8 ngày làm việc nếu làm thủ tục tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh các địa phương, 5 ngày làm việc nếu làm hộ chiếu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Về lệ phí làm hộ chiếu gắn chip, Thông tư số 25/2021/TT-BTC ngày 7/4/2021 của Bộ Tài chính quy định mức phí 200.000 đồng/hộ chiếu. Trường hợp cấp lại do bị hỏng hoặc bị mất là 400.000 đồng/hộ chiếu.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 25, các trường hợp được miễn lệ phí cấp hộ chiếu bao gồm: Người Việt Nam ở nước ngoài có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu; người Việt Nam ở nước ngoài phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân nhưng không có hộ chiếu; những trường hợp vì lý do nhân đạo.
Trường hợp được hoàn trả lệ phí cấp hộ chiếu: Người đã nộp lệ phí nhưng không đủ điều kiện được cấp hộ chiếu thì được hoàn trả lệ phí cấp hộ chiếu (căn cứ khoản 3 Điều 6 Thông tư 25).
GĐXH - Loại hộ chiếu (passport) mới được cấp có những điểm khác biệt gì so với loại hộ chiếu phổ thông cũ? Hãy cùng cập nhật thông tin trong bài viết dưới đây.