Chiều 14/10, tại buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với thanh niên Thủ đô, vấn đề ùn tắc giao thông, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị được các đại biểu quan tâm.
Đại biểu Lê Trà My (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) nêu việc thành phố đã triển khai và đưa vào hoạt động hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – Ga Hà Nội đoạn trên cao. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kết nối tuyến cũng như phương tiện chưa nhiều nên việc di chuyển của người dân khi tham gia các tuyến đường này vẫn còn hạn chế.
Chị Lê Trà My đặt câu hỏi:“Vậy trong thời gian tới thành phố có dự kiến phát triển và đầu tư các tuyến đường sắt nào khác hay các phương tiện nào khác để nhanh chóng kết nối các tuyến này hay không?”.
Đại biểu Lê Trà My (quận Thanh Xuân) phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Kinh tế & Đô thị)
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, hiện nay, ở Hà Nội tốc độ tăng phương tiện cá nhân một năm tăng 4-5%, đặc biệt là ô tô tăng 10%. Trong khi hạ tầng giao chỉ tăng trung bình 0,28%/năm.
Hiện nay, sau rất nhiều cố gắng đầu tư kết cấu hạ tầng, tỷ lệ đất dành cho hạ tầng giao thông của Hà Nội mới chỉ đạt hơn 12%, vẫn còn rất xa so với quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô đặt ra. Việc này dẫn đến phương tiện, lưu lượng giao thông trên nhiều tuyến đường quá tải. Do đó, hiện trên địa bàn thành phố có 33 điểm ùn tắc giao thông.
Ông Thường đồng tình với ý kiến rằng giải pháp căn cơ nhất là đầu tư hệ thống đường sắt đô thị mới là giải quyết được ùn tắc giao thông.
Giám đốc Sở GTVT cho biết, theo quy hoạch thì Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài là 417 km. Thành phố đã có văn bản trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh quy hoạch giao thông Thủ đô. Trong đó, thành phố sẽ điều chỉnh 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài là 417 km thành 14 tuyến dài gần 600km.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường trả lời câu hỏi của đại biểu. (Ảnh: Kinh tế & Đô thị)
Ông Nguyễn Phi Thường cho biết thêm, đầu tư đường sắt đô thị thì vừa dài vừa lâu lại rất tốn kém. 1km đường sắt đô thị cần đầu tư khoảng 50 đến 100 triệu USD, tức là 417 km của của thành phố theo quy hoạch trước đấy thì mất khoảng 40 tỷ USD và nay nếu điều chỉnh thành khoảng 600 km sẽ tốn 50 tỷ USD.
Với chỉ đạo của Trung ương, thành phố đã xây dựng đề án về đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị này. Hà Nội sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền nội dung này vào tháng 12.
Ông Nguyễn Phi Thường khẳng định, để phát huy được giá trị thì mạng lưới đường sắt đô thị phải liên thông cả 10 tuyến. Tuy nhiên trong điều kiện đầu tư, thành phố chỉ có thể có từng tuyến một.
Do vậy, nên khi các tuyến này đưa hoạt động thì thành phố đã chỉ đạo và Sở điều chỉnh toàn bộ mạng lưới xe buýt để tạo thành các tuyến kết nối lưu thông. Ông Thường dẫn chứng, vừa qua khi đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội đi vào hoạt động, Sở GTVT điều chỉnh 33 tuyến xe buýt cho phù hợp.
Về với giải pháp trước mắt, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết để tạo sự liên hoàn thì thành phố đã phát triển hệ thống xe đạp công cộng.
"Sắp tới đây, sẽ có thêm xe điện 4 bánh để gom khách từ các khu dân cư ra ga đường sắt đô thị và kết nối giữa ga Láng của tuyến Cát Linh - Hà Đông và ga S8 của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội",Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin.
Đăng đàn đối thoại với thanh niên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh dành thời gian tâm sự, định hướng những vấn đề lớn, quan trọng đối với thanh niên trong bối cảnh hiện nay.
Với 3 nhóm vấn đề thanh niên quan tâm tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tháng 12 tới đây, HĐND TP sẽ họp và thông qua nhiều nghị quyết để cụ thể hóa các điều khoản của Luật Thủ đô. Trong đó, có những nội dung lớn, bao trùm cả các vấn đề được thanh niên đề xuất, hiến kế.