Ở góc nhỏ huyên náo của tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình có một quán cà phê đặc biệt mang tên Kí Hiệu. Nó đặc biệt bởi chủ nhân là vợ chồng bị câm điếc bẩm sinh với cách bán hàng khác lạ.
Quán cà phê mang đi đặc biệt ở góc phố.
Đó là quán cà phê mang đi của vợ chồng anh Phan Thế Anh Xuân (38 tuổi) và chị Nguyễn Thị Yến (37 tuổi) trú phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới. Như bao vị khách khác, phóng viên được chào đón với nụ cười tươi cùng menu có dòng chữ "Tôi là người điếc (không thể nghe và nói) vui lòng chỉ tay chọn cà phê". Đáp lại nụ cười và cái chỉ tay, chủ quán gật đầu và nhanh chóng hoàn thành ly cà phê chất lượng.
Vợ chồng anh Phan Thế Anh Xuân và chị Nguyễn Thị Yến đều không may bị câm điếc bẩm sinh.
Mở đầu câu chuyện với cặp vợ chồng đầy nghị lực này thông qua cuốn sổ tay, từng hàng chữ được nắn nót là cũng là câu chuyện đời mà anh chị muốn chia sẻ. Anh Xuân không may bị câm điếc bẩm sinh, từ khi biết suy nghĩ, anh luôn mong được một lần nghe tiếng ba mẹ, nghe tiếng chim hót mỗi sớm mai và biết không gian huyên náo trước mắt sẽ phát ra âm thanh như thế nào. Anh cũng mong mình nói được những lời yêu thương với những người thương yêu mình.
Cách quán cà phê không xa là nhà của vợ chồng anh, bà Nguyễn Thị Đào (60 tuổi, mẹ anh Xuân) vừa phụ con chăm sóc cháu nhỏ và ship những mối đặt cà phê gần nhà. Từ bà Đào chúng tôi hiểu nhiều hơn về cuộc sống và sự nỗ lực của vợ chồng anh Xuân.
Bà Đào cho biết, anh Xuân là con cả trong gia đình có 4 người con, từ lúc sinh ra số phận đã cướp đi điều bình thường nhất của người con tội nghiệp. Đứa con ấy chưa từng nghe được lời mẹ ru cũng chưa bao giờ cất lời gọi mẹ. Tình yêu thương được thể hiện bằng những cái ôm chặt.
Vợ chồng này trò chuyện với phóng viên qua những dòng chữ.
Tưởng chừng cuộc đời của anh Xuân sẽ thật buồn tủi, nhưng anh luôn thể hiện tinh thần lạc quan, nỗ lực trong cuộc sống. Trong những tâm tư sẻ chia qua mạng xã hội, anh Xuân tìm được người phụ nữ cùng cảnh ngộ và đồng điệu nhịp đập trái tim.
"Hai đứa quen nhau qua mạng, năm 2017 Xuân nói với tôi muốn đến thăm nhà của Yến ở tận Nghệ An. Suy đi nghĩ lại nhưng vì thương con và cũng mong nó có hạnh phúc nên tôi đưa nó đi để cả hai gia đình gặp nhau", bà Đào cho biết.
Buổi gặp gỡ ấy chính là sự khởi đầu cho nghĩa phu thê và thông gia của hai gia đình xa lạ. Một thời gian sau, nhà gái vào chơi Quảng Bình rồi cùng bàn chuyện và đám cưới của cặp vợ chồng câm điếc được tổ chức. Gia đình nhỏ dần lớn lên bởi hạnh phúc và 2 thiên thần nhỏ được sinh ra khỏe mạnh.
"Tôi lấy vợ năm 30 tuổi, lúc đó vui lắm vì đâu nghĩ bản thân mình bị thế này lại có vợ. Vợ của tôi cũng mắc câm điếc bẩm sinh giống tôi. Nhưng mặc kệ tất cả, chúng tôi vẫn cố gắng để xây dựng hạnh phúc cho riêng mình", anh Xuân ghi trên cuốn sổ.
Menu của quán có dòng chữ "Tôi là người điếc (không thể nghe và nói) vui lòng chỉ tay chọn cà phê".
Ban đầu, vợ chồng anh mưu sinh bằng nghề may áo quần nhưng nguồn thu thấp khó mà phụ giúp nhiều cho mẹ già. Để không trở thành gánh nặng vợ chồng anh muốn tìm một công việc phù hợp và có thu nhập tốt hơn. Thấy nhu cầu sử dụng cà phê của mọi người là lớn, anh chị lên mạng rồi mày mò học cách pha chế. Qua nhiều lần thử nghiệm, được người nhà động viên, cả hai mở ki ốt cà phê ngay gần nhà.
"Vợ chồng tôi muốn phụ gia đình, không muốn trở thành người ăn không ngồi rồi, thế nên tự học và mở quầy cà phê này. May mắn là mỗi ngày cũng bán được từ 80 - 100 ly cho thu nhập khá ổn", anh Xuân chia sẻ.
Bán cà phê mang đi, nên quán cà phê của vợ chồng anh Xuân chị Yến ít phục vụ tại chỗ. Khi có đơn giao hàng, bà Đào là người ở nhà vừa trông nom cháu vừa nhận đơn rồi ra quán thông báo. Đơn nào gần thì bà Đào tự mình đi giao, xa hơn thì gọi shipper. Bà vui mừng vì người con trai có khiếm khuyết cơ thể nhưng luôn biết nỗ lực để hoàn thiện cuộc sống. Từ sự tủi phận cho người con, giờ đây bà có thể tự hào về vợ chồng anh Xuân.
Vợ chồng anh Xuân luôn đón và tiễn khách bằng những nụ cười tươi.
Những khách hàng tìm đến vợ chồng anh ngoài sự cảm phục nghị lực còn là vì chất lượng của sản phẩm. Nhiều người đã trở thành khách hàng quen thuộc của quán, chỉ cần thấy mặt là chủ quán nhanh tay pha chế sản phẩm ưa thích.
"Biết đến vợ chồng anh Xuân và quán cà phê này qua giới thiệu của bạn, tôi tìm đến với sự cảm phục về nghị lực vươn lên. Cà phê vợ chồng anh sử dụng cũng rất ngon, hợp với khẩu vị của tôi", khách hàng tên Cường chia sẻ.
GĐXH – Bị teo cơ từ nhỏ nhưng chị Nguyễn Thị Xuân (Hà Nam) đã nỗ lực không ngừng nghỉ trở thành nữ kỹ sư máy tính và tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người khác.