"Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân. Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quản lý nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân", Phó Thủ tướng chỉ đạo. Ảnh VGP/Minh Khôi
Chiều 8/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Công an để xử lý ngay tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các trung tâm đăng kiểm.
Theo Cổng thông tin Chính phủ, tại buổi làm việc, Bộ GTVT cho biết, cả nước hiện có 61/281 trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động. Trong đó, 53 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra, 8 trung tâm đăng kiểm do không đủ điều kiện theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP.
Tại Hà Nội, 22/31 đơn vị đăng kiểm với 41 dây chuyền kiểm định đang dừng hoạt động. Tại TPHCM 9 trung tâm đăng kiểm với 17 dây chuyền kiểm định bị tạm dừng hoạt động khiến tình trạng ùn tắc đăng kiểm ngày càng nghiêm trọng.
Khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân chỉ đạt khoảng 40% ở Hà Nội và 50% ở TPHCM, thậm chí, có tháng chỉ đạt khoảng 30% ở cả 2 thành phố trên.
GĐXH - Tính đến sáng 6/3, Hà Nội chỉ còn 9 trung tâm đăng kiểm hoạt động. Lượng xe có nhu cầu đăng kiểm quá lớn. Vậy với những xe không kịp đăng kiểm khi hết hạn nếu chạy ra đường sẽ bị phạt ra sao?
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, đây là những sai phạm, vi phạm mang tính hệ thống, không chỉ do thiếu kiểm tra, giám sát.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo một số bộ, ngành đã kiến nghị giải pháp cần tập trung thực hiện để đưa hoạt động đăng kiểm sớm trở lại bình thường, nhất là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, việc cung cấp các dịch vụ công, trong đó có hoạt động đăng kiểm, là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước với người dân. Những sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, một số trung tâm đăng kiểm là hết sức nhức nhối, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người dân.
Chuyên án của Bộ Công an góp phần chấn chỉnh, lập lại trật tự trong lĩnh vực đăng kiểm, nâng cao niềm tin của người dân; đồng thời cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như những bất cập trong mô hình xã hội hoá hoạt động đăng kiểm.
"Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân. Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quản lý nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT có phương án, giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém, không làm ảnh hưởng đến nhu cầu chính đáng của người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT trước mắt cần khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền để cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe ô tô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe; thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng.
Tập trung huy động, điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác để chi viện cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TPHCM, kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện thực hiện hoạt động đăng kiểm của hai Bộ tham gia hỗ trợ.
Bộ Công an trong quá trình xử lý các vi phạm không làm ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm; tiếp tục phân hoá các nhóm đối tượng vi phạm để có phương thức đấu tranh phù hợp nhất là những đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Về lâu dài, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an để xem xét phương thức tách bạch công tác quản lý và hoạt động của các trung tâm kiểm định; tăng cường công tác đào tạo; quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ đăng kiểm viên…