Sống dưới chân những ngọn núi dựng đứng, nứt nẻ, có nguy cơ sạt lở mỗi khi mưa lớn, hàng chục hộ dân ở xã Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng luôn phấp phỏng lo sợ, mong sớm được di dời nhưng hiện tại vẫn phải chờ.
Thức trắng canh chừng vì trước mặt lở núi, sau lưng lũ cuộn
“ Gia đình tôi chặt cây phát dọn lối mòn từ trước cổng nhà xuống đến đường nhựa của thôn để sẵn sàng chạy mỗi khi có mưa lớn vì nguy cơ cả ngọn núi cao cả trăm mét sau nhà sạt lở, đổ sập xuống ”, bà Huỳnh Thị Lài (trú tổ 1, thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) mở đầu câu chuyện về nỗi lo núi sạt.
Người phụ nữ này cho biết, trước đây gia đình bà sống ở khu đất thấp của thôn Nam Yên, chán cảnh thường xuyên ngập lụt nên lên đây định cư. Không ngờ, thoát cảnh chạy lụt, họ, cũng như những gia đình khác sống dưới chân núi ngay sát mép khe Định, lại đối mặt với nỗi sợ núi sạt lở vùi lấp người và nhà cửa.
Không nói đâu xa, trong vụ sạt lở năm 2023, lũ cuốn cả đất đá lẫn cây cối từ trên đỉnh núi cao hơn 100m cuồn cuộn đổ xuống khu dân cư. Toàn bộ ao, chuồng trại của gia đình bà Lài bị cuốn phăng, mọi người nháo nhào tháo chạy, cố thoát thân.
Bà Huỳnh Thị Lài chỉ con đường đã được gia đình phát quang để chạy khi xảy ra sạt lở núi.
“ Thật khủng khiếp, nước lũ cuồn cuộn kéo theo đất đá, cây cối từ trên núi quét xuống ầm ầm theo lòng khe Định. Khe này bình thường chỉ rộng vài mét nhưng lúc đó là một biển nước đục ngầu, chúng tôi mạnh ai nấy chạy, đồ đạc, gia súc, gia cầm thì đành bỏ. Rất may nhà cửa vẫn còn ”, bà Lài nhớ lại.
Chỉ về lối mòn mới được phát dọn trước mùa mưa lũ năm nay, bà Lài cho biết đó là đường để thoát hiểm khi mưa lớn gây sạt lở núi. “ Dọn đường để chạy nhưng chỉ là ban ngày, còn đêm hôm thì không biết có thoát được không. Ở thì sợ nhưng nếu đi thì chưa biết đi đâu. Gia đình tôi chạy lụt, dồn tiền xây được căn nhà ở đây là hết. Giờ nếu lũ cuốn nhà sập thì coi như trắng tay ”, bà Lài lo lắng.
Cách đó không xa, gia đình bà Trần Thị Hoan cũng sống trong cảnh nơm nớp bị núi lở vùi lấp. Bà Hoan cũng vì chạy lụt mà lên sát chân núi khe Định dựng nhà để ở. Chỉ lên ngọn núi dựng đứng loang lổ những vết sạt lở phía sau nhà, bà Hoan nói đầy lo âu: “ Năm ngoái, núi này sạt lở, đất đá và cả những cây gỗ đường kính đến 1m bị nước lũ cuốn xuống theo dòng khe Định. Cảnh tượng thật kinh hoàng, chúng tôi chỉ biết tháo chạy ”.
Tại tổ 1, thôn Nam Yên, không chỉ 4 hộ gia đình sống ngay dưới chân núi mà hơn 20 gia đình khác ở dọc dòng khe Định cũng rất bất an khi Đà Nẵng vào mùa mưa bão. “ Đợt mưa lũ năm 2023, toàn bộ bàn ghế, xoong nồi, vật dụng của gia đình tôi và các gia đình khác ở dọc khe Định này bị nước lũ cuốn trôi sạch ”, bà Nguyễn Thị Hoa (trú tổ 1) chia sẻ.
Còn tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, nhiều hộ gia đình sống dưới chân cao tốc La Sơn - Hòa Liên (đoạn cầu tràn gần hầm Mũi Trâu - xóm 7 nhà) cũng đang trong cảnh chưa biết nhà cửa bị núi vùi lấp khi nào. Ghi nhận của PV, khu vực này có gần 10 hộ đang sinh sống và được sếp vào diện phải di dời khẩn cấp.
Theo ông Nguyễn Văn Trầm (trú thôn Tà Lang), từ khi mở cao tốc này, núi bị bạt ngang, mất kết nối nên khu vực gia đình ông sinh sống đối diện với nguy cơ sạt lở cao. Ông Trầm than thở rằng ông và các hộ ở đây rất lo lắng vì mối lo thường trực này.
Sống bên những quả đồi trơ trọi, nhiều vết sói lở khiến người dân lo lắng.
“ Năm 2023, sau trận mưa lớn, nước lũ ầm ầm đổ về, nước cao đến gần 2m tràn vào nhà, các hộ dân hò hét nhau tháo chạy. Lũ đi qua, quay lại thì đồ đạc bị cuốn đi hết, bùn đất phủ kín. Chúng tôi ở đây, phía trước đối mặt với nguy cơ sạt lở núi từ đường cao tốc, phía sau là dòng sông Nam cuồn cuộn ngoạm hết đất đai, vườn tược ”, ông Trầm nói.
Bà Hương vợ ông chia sẻ thêm, cứ đêm nào mưa to là họ mở cửa, thức trắng canh chừng để kịp chạy khi có sạt lở, lũ quét. “ Có hôm 23h, trời mưa lớn, chính quyền xã phải đưa xe vào đây di dân khẩn cấp để đảm bảo an toàn. Rất mệt mỏi khi phải sống trong nơm nớp lo sợ ”, bà Hương nói.
Cũng tại Hòa Bắc, cách trung tâm UBND xã chừng 200m, sát miệng cống chui cao tốc La Sơn - Hòa Liên là cả chục gia đình chịu cảnh đứng ngồi không yên mỗi khi có mưa lớn, cũng được xếp vào diện phải di dời khẩn cấp.
Bà Nguyễn Thị Hoa có nhà sát chân núi này cho biết, đợt mưa đầu tháng 10/2024 vừa qua, đất đá đổ xuống, tràn vào sau nhà bà. “ Sau lưng là núi dựng đứng, trước mặt là con suối nên nếu xảy ra sạt lở là không có đường thoát. Vì vậy, cứ thấy mưa lớn là các hộ phải di tản đi nơi khác ”, bà Hoa cho biết.
Di dời khẩn cấp nhưng phải chờ… phê duyệt
Hầu hết các hộ dân sống ở vùng nguy hiểm tại xã Hòa Bắc đều bày tỏ mong muốn được di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.
“ Thật sự rất sợ. Tôi cũng như những hộ gia đình ở đây rất muốn được di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn. Mấy năm nay, chính quyền xã cũng thông báo chúng tôi sẽ được di dời nhưng còn chờ đất tái định cư ”, ông Nguyễn Văn Trầm cho biết.
Biển báo khu vực nguy cơ sạt lở đặt dưới chân cao tốc La Sơn - Hòa Liên.
Bà Nguyễn Thị Hoa cũng đang chờ từng ngày để được chuyển đi nơi khác sau khi đất đá đổ tràn xuống tường nhà trong đợt mưa lớn đầu tháng 10 vừa qua: “ Chúng tôi mong được chuyển đến nơi ở mới an toàn càng sớm càng tốt ”.
Trả lời Báo Điện tử VTC News, ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, địa bàn xã hiện có 3 khu vực đối diện nguy cơ sạt lở núi rất cao, cần phải di dời dân khẩn cấp.
Theo tính toán, các hộ dân tại thôn Tà Lang sẽ được di dời về khu tái định cư Giàn Bí, các hộ tại miệng cống chui cao tốc di dời về khu Trung tâm Hành chính xã giai đoạn 2, còn các hộ tại tổ 1 thôn Nam Yên (khe Định) sẽ chuyển về khu tái định cư Nam Yên.
Xã đang làm phương án để di dời các hộ dân, tuy nhiên theo ông Nam, việc này phải nằm trong quy hoạch chung của xã, của huyện; có quy hoạch rồi mới trình thành phố xem xét, phê duyệt, sau đó mới thực hiện được.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, dù các hộ trên thuộc diện phải di dời khẩn cấp nhưng xã đang gặp khó trong việc bố trí tái định cư. Cụ thể, 7 hộ ở thôn Tà Lang được bố trí đưa về khu tái định cư Giàn Bí nhưng chưa có đất thực tế. Phải mở rộng khu tái định cư thì mới có đất bố trí cho dân vì theo quy hoạch trước đây, khu tái định cư này bố trí cho các hộ thuộc diện khác.
Ông Nguyễn Văn Trầm chỉ ngọn núi có nguy cơ sạt lở mỗi khi mưa lớn kéo dài, mối đe dọa phía trước gia đình anh.
Còn tại tổ 1 thôn Nam Yên, ngoài những hộ sát chân núi còn có hơn 40 hộ thuộc diện nguy cơ. Chính quyền đã mời tất cả các hộ này đến làm việc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như thông báo chủ trương, chính sách trong di dời để người dân nắm rõ, quyết định đi hay ở lại.
“ Khi thành phố thông qua phương án của mình thì mới có nguồn kinh phí. Có kinh phí để tổ chức kiểm định, đền bù, hỗ trợ cho dân thì mới di dời được. Mong là cuối năm nay và sang năm 2025 sẽ thực hiện được ”, ông Nam nói và cho biết, trước mắt họ vẫn phải theo sát tình hình thời tiết để sẵn sàng di dời dân khẩn cấp mỗi khi có mưa bão.