Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2024/NĐ-CP về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Theo đó, có những lưu ý người lao động cần phải biết khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 1/1/2025.

Theo khoản 5 (Điều 4, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015), một trong những chính sách được Nhà nước quan tâm về an toàn, vệ sinh lao động là phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện nhằm xây dựng cơ chế đóng, hưởng linh hoạt, giúp phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người lao động.

Tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, người lao động sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như tiền bồi thường, chi phí khám chữa bệnh và trợ cấp theo quy định của pháp luật.

Bảo hiểm tai nạn lao động là gì?

Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động là một thành phần của Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) dùng để chi trả các chế độ dành cho người lao động nhằm bù đắp một phần tổn thất cho người lao động mang tính thiết thực và hữu ích, chia sẻ rủi ro giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động.

Những người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động

Căn cứ Điều 43, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và khoản 1 (Điều 2, Nghị định 88/2020/NĐ-CP), những người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc bao gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bao gồm:

+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;

+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

+ Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

+ Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên và người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng. Không bao gồm người lao động là người giúp việc gia đình;

+ Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

- Người sử dụng lao động thuộc tham gia bảo BHXH bắt buộc: Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-17235296817611799786348-18-0-451-693-crop-17235300159851595413315.jpg4 điểm mới về bảo hiểm xã hội tự nguyện sắp có hiệu lực đầu tháng 7/2025, người dân nên biết

GĐXH - Chế độ thai sản, tỷ lệ lương hưu, chế độ hưởng một lần khi về hưu, hưởng bảo hiểm xã hội một lần là những quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

bao-hiem-tai-nan-lao-dong-tu-nguyen-1732093709698690692415.jpg

Tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, người lao động được hưởng các quyền lợi theo quy định nếu bị tai nạn. Ảnh minh họa: TL

Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được tính trên cơ sở nào?

Theo Điều 8 Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định:

"Nguyên tắc quản lý hoạt động của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Quỹ bảo hiểm xã hội và được hạch toán độc lập.

2. Việc quản lý Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được thực hiện theo quy định quản lý về Quỹ bảo hiểm xã hội tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động và Nghị định này.

3. Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được tính trên cơ sở lương tối thiểu vùng IV. Mức tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho việc đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện quy định trong Nghị định này được Chính phủ quyết định căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

4. Mức hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được tính trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động và thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện".

Theo đó mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được tính trên cơ sở lương tối thiểu vùng 4.

Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là bao nhiêu?

Theo Điều 11 Nghị định 143/2024/NĐ-CP và Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như sau:

- Mức đóng 06 tháng bằng 6% tháng lương tối thiểu vùng 4: 207.000 đồng.

- Mức đóng 12 tháng bằng 12% tháng lương tối thiểu vùng 4: 414.000 đồng.

Thời điểm đóng bảo hiểm lao động tự nguyện

- Lần đầu là ngay sau khi đăng ký tham gia bảo hiểm, từ các lần tiếp theo là trong 10 ngày trước khi hết chu kỳ đóng.

- Đóng ngay tại thời điểm đăng ký lại bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

7 quyền lợi khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động được tham gia tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện nếu:

Từ đủ 15 tuổi trở lên.

Không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 1/1/2025 được quy định tại Điều 32 Nghị định 143 gồm:

(1) Được tham gia và hưởng các chế độ BHXH theo quy định của Nghị định này.

(2) Được cấp và quản lý sổ BHXH.

(3) Nhận các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:

- Trực tiếp từ cơ quan BHXH hoặc tổ chức được cơ quan BHXH ủy quyền;

- Thông qua tài khoản ngân hàng của người lao động.

(4) Ủy quyền cho người khác nhận trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

(5) Được cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH.

(6) Được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

(7) Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định.

Điều kiện được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Căn cứ Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Bị suy giảm khả năng lao động ≥ 5% do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

- Không phải trường hợp bị tai nạn do một trong 03 nguyên nhân sau:

Mâu thuẫn với người gây ra tai nạn mà không liên quan tới công việc, nhiệm vụ lao động.

Người lao đông cố ý tự hủy hoại sức khỏe bản thân.

Sử dụng ma túy, chất gây nghiện trái quy định.

bao-hiem-tai-nan-lao-dong-tu-nguyen1-1732093894258202087829.jpg

Để được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định. Ảnh minh họa: TL

Mức hưởng trợ cấp khi bị tai nạn lao động 

Theo Điều 7 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện một lần từ năm 2025 được quy định như sau:

Công thức tính trợ cấp tai nạn lao động một lần

Theo quy định, trường hợp bị giảm khả năng lao động từ 5% - 100%:

Mức trợ cấp một lần

=

Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động

+

Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

=

{3 + (m - 5%) x 0,3} x Lmin

+

{0,5 + (t-1) x 0,3} x Lmin

Trong đó:

Lmin: Tháng lương tối thiểu vùng IV tại thời điểm hưởng trợ cấp (hiện nay là 3.450.000 đồng/tháng)

m: Mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 100).

t: Tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

 Trường hợp bị tai nạn lao động suy giảm 5% sẽ được hưởng:

- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động: Bằng 03 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng. Theo đó, nếu bị suy giảm 5% khả năng lao động thì người lao động được hưởng 10.350.000 đồng.

(Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV)

- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện: Được tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm như sau:

Từ 01 năm trở xuống: Tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.

Cứ thêm 01 năm đóng vào quỹ: Tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.

Lưu ý: Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động là tổng thời gian người lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn. Trường hợp không đóng liên tục thì được cộng dồn, 01 năm chỉ được tính khi đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm.

(3) Trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động, thân nhân người lao động được hưởng mức trợ cấp 1 lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV là 108.675.000 triệu đồng nếu thuộc 01 trong các trường hợp sau:

- Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động.

- Người lao động chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Lưu ý: Trợ cấp tai nạn lao động thực hiện theo nguyên tắc tai nạn xảy ra lần nào trợ cấp luôn lần đó, không thực hiện cộng dồn từ các vụ tai nạn đã xảy ra trước đó.

Thời điểm được hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, thời điểm được hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện:

- Tính tại tháng người lao động đã điều trị ổn định xong, ra viện hoặc vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa (nếu không điều trị nội trú).

- Trường hợp bị tai nạn mà không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện nhưng có giấy ra viện ghi chỉ định hẹn khám lại, tháo bột, nẹp, vít: Tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

- Trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động: Tính tại tháng người lao động chết.

- Trường hợp giám định lại có kết quả tăng mức suy giảm khả năng lao động so với mức suy giảm khả năng lao động đã được hưởng trợ cấp: Tính tại tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa

Mức tiền Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện 

Theo Điều 12 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động như sau:

- Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn;

- Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn;

- Bằng 10% đối với người lao động khác.

Hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cần chuẩn bị hồ sơ gì?

Theo Điều 22 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, khi bị tai nạn lao động, để được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, người lao động cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm:

- Sổ BHXH.

- Giấy ra viện/trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động.

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động.

- Bản sao giấy chứng tử, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử, bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án với trường hợp chết do tai nạn lao động.

- Biên bản điều tra tai nạn lao động.

- Đơn đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người lao động hoặc thân nhân người bị nạn với trường hợp tai nạn lao động chết người.

- Bản chính hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động.

Trường hợp giám định lại có kết quả tăng mức suy giảm khả năng lao động so với mức suy giảm khả năng lao động đã được hưởng trợ cấp thì làm hồ sơ đề nghị bổ sung chế độ bảo hiểm tai nạn lao động gồm:

- Sổ BHXH.

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

- Đơn đề nghị giải quyết bổ sung chế độ tai nạn lao động.

- Bản chính hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người lao động bị nạn nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH đã đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện:

- Trong 30 ngày kể từ thời điểm nhận được Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

- Trong 90 ngày kể từ ngày người lao động đang đóng bảo hiểm bị chết.

Theo đó, trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết chế độ cho người bị tai nạn. Trường hợp không giải quyết, người lao động có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

* Lưu ý:

- Nếu vượt quá thời hạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm: Phải nêu được rõ lý do tại sao nộp muộn, giải trình bằng văn bản kèm theo trong hồ sơ.

- Nếu quá thời hạn mà cơ quan bảo hiểm vẫn chưa giải quyết: Phải giải trình bằng văn bản cho người nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.

- Trường hợp giải quyết và chi trả tiền trợ cấp chậm hơn so với thời hạn: Bồi thường theo quy định, trừ trường hợp là do lỗi của người lao động hoặc của thân nhân người bị tai nạn lao động.

(Căn cứ: Điều 23, Điều 24 Nghị định 143/2024/NĐ-CP).

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022