Trả ơn đồng bào

Khi màn đêm buông xuống, trường Tiểu học Trung Lý 2, bản Pa Búa, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) lại nhộn nhịp với tiếng đánh vần của "học sinh", tiếng giảng bài của đại úy Hơ Văn Di, cán bộ đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng xã Trung Lý cho người dân trong bản. 

Bà Vàng Thị May, là một học viên già tuổi nhất trong lớp học của thầy Di vui vẻ cho biết, ở cái tuổi lục tuần, đây là lần đầu tiên bà biết cách đánh vần con chữ. "Gần 60 tuổi tôi mới biết cách viết tên mình. Từ khi lớn lên, theo bố mẹ lên nương trồng lúa nên bàn tay bị chai sần, nổi cục, cầm bút đau lắm. Dù rất ngại nhưng giờ cuộc sống khác rồi, con cháu lớn lên ý thức được là phải có con chữ để dạy các cháu nên phải "muối mặt" đi học", bà May thật thà chia sẻ. 

img20231111140337-17003817616821120397421.jpg

Khi màn đêm vùng biên viễn buông xuống, lớp học của "thầy giáo" Di bắt đầu sáng đèn.

Cơ duyên đưa bà May đến với lớp học của thầy Di là nhờ sự vận động của ông Sùng A Thể, Trưởng bản Pa Búa, xã Pù Nhi. Theo ông Thể, có rất nhiều bà con trong bản cảm thấy thẹn thùng, e ngại khi lần đầu tham gia lớp học xóa mù chữ. "Bằng sự ân cần chỉ bảo của đại úy Di, các học viên đã biết đọc, biết viết và làm toán cơ bản. Ngoài dạy chữ, thầy giao Di còn hướng dẫn bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan, nhất là vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống", ông Thể nói. 

Hiện nay, lớp học xóa mù chữ của đại úy Di có hơn 40 học viên tham gia. Trong số này, người trẻ nhất là ngoài 30, còn người già nhất hơn 50 tuổi.

Là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở xã biên giới Pù Nhi nên đại úy Di hiểu rất rõ tâm lý của đồng bào mình. Ngoài sự tự ti, nhiều người còn ngại giao tiếp, sống xa lánh với người vùng khác nên dần cô lập mình với núi rừng. Với tập tính quen sống di cư, bà con xác định cuộc sống nay đây, mai đó nên không có ý thức xây dựng, phát triển bản làng lâu dài, bền vững.

img20231111140335-17003819614891757203067.jpg

Thầy Di kiên trì, nhẫn nại nắn từng con chữ cho đồng bào.

Khi tiến hành vận động người dân đi học, đại úy Di gặp rất nhiều khó khăn vì trong tiềm thức, bà con vẫn tin rằng cái chữ không thể khiến bản thân no bụng. Hiểu được điều này, thầy giáo Di biết để dạy học cho đồng bào dân tộc, phải có một ý chí sắt đá và sự kiên trì, vượt khó trước mọi thách thức. "Khi tôi mới mở lớp, có những người rất sáng dạ, dạy vài buổi đã hiểu, trong vòng 1 tháng đã biết đọc, viết, làm toán cơ bản. Tuy nhiên, số học viên tiếp thu nhanh thật sự rất hạn hữu, đa phần bà con đều đang khá chậm trong việc lắng nghe và thực hành. Có những trường hợp, phải mất từ 2 – 3 tháng hoặc nhiều hơn mới dạy được họ con chữ, cách tính con số, thực hành bằng cách đếm số trâu, bò ở nhà họ mới hiểu ra. Công cuộc mở mang ban đầu thật sự rất vất vả và mệt mỏi nên mình nhiều lúc cũng muốn buông bỏ. May mắn tôi sinh ra từ đây, bà con hiểu được tấm lòng của mình nên không thể buông tay", thầy Di nhớ lại.

Bản làng đổi thay

Mở lớp học xóa mù chữ từ năm 2009, đến nay, sau 14 năm, thầy Di dạy qua hàng trăm lớp học. Nhờ những "giảng đường" đơn sơ này, dân trí tại bản làng được khai sáng, cuộc sống của người dân dần trở nên tiến bộ hơn.

img20231111140341-17003820186441120500602.jpg

Trong suốt thời gian qua thầy Di đã giúp cho hàng trăm phụ nữ vùng cao biết đọc, biết viết.

Thiếu tá Hoàng Ngọc Trung - Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Trung Lý cho biết: Tại địa phương, hầu hết chị em phụ nữ khoảng từ 30 tuổi trở về sau gần như mù chữ, ảnh hưởng đến việc nắm bắt các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Vì vậy, trong những năm qua, Đồn Biên phòng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện mở lớp xóa tái mù giúp bà con. Từ đó, giúp bà con tiếp thu hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nói về người lính kiêm thầy giáo Hơ Văn Di, thiếu tá Hoàng Ngọc Trung tự hào: Do không được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm nên đại úy Di thường xuyên phải tìm hiểu nội dung trong sách giáo khoa. Trong nhiều năm qua, để đưa con chữ tới từng nóc nhà, thầy giáo Di đã không màng khó khăn, đi đến từng bản làng xa xôi nhất nơi rẻo cao huyện Mường Lát để xóa mù chữ cho đồng bào.

"Ban ngày, thực hiện nhiệm vụ của một người lính Biên phòng, khi màn đêm buông xuống, đại úy Di lại say sưa truyền đạt từng con chữ, khơi nguồn tri thức cho đồng bào. Đến nay, có hàng trăm người dân trên bản biết đọc, biết viết, biết tính toán để bán sản phẩm của mình ra bên ngoài. Người dân dần hiểu ra lợi ích của việc đi học nên khuyến khích con em đi tìm con chữ", thiếu tá Trung vui vẻ cho biết.

ngay-nha-giao-viet-nam-6-1700323365292500843973-0-0-500-800-crop-1700323515593138029164.jpgNhững thông tin thú vị về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

GĐXH - Ngày 20/11 – ngày Nhà giáo Việt Nam từ lâu được xem là ngày “tôn sư trọng đạo” nhằm tôn vinh “những người đưa đò thầm lặng” của bao thế hệ. Đây cũng là dịp để học trò bày tỏ lòng biết ơn đến các thầy cô giáo bằng các bó hoa, các món quà hay những lời hay ý đẹp.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022