Ông Trần Thế Cương (Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng, việc Bộ GD - ĐT ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm là cần thiết. Bởi đây là hoạt động khá phức tạp, phạm vi rộng, nhu cầu của người học ngày càng lớn, trong khi văn bản cũ (Thông tư 17) ban hành từ năm 2012 đến nay có nhiều nội dung không còn phù hợp, chưa đủ chế tài quản lý.

Theo ông Cương, các nội dung tại thông tư mới bao quát được toàn bộ hoạt động dạy thêm, học thêm ở trong và ngoài trường học; trách nhiệm quản lý của UBND cấp tỉnh, sở GD-ĐT, hiệu trưởng nhà trường,...

Ông Cương cho biết, năm học 2024-2025, quy mô giáo dục Hà Nội có hơn 2.900 cơ sở giáo dục, 2,3 triệu học sinh và 130.000 nhà giáo. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm vốn là vấn đề phức tạp, nhu cầu lớn, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ và phù hợp thì đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là học sinh. 

Ngày 11/2, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi các phòng GD-ĐT, các nhà trường hướng dẫn việc triển khai. Sở đề nghị các đơn vị, nhà trường phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về DTHT; tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả.

“Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm của nhà giáo nhằm phát huy năng lực tự học của học sinh; đẩy mạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá bảo đảm phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình phổ thông 2018 để bảo đảm học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm. Đồng thời, Sở cũng sẽ triển khai các giải pháp phát triển quy mô, mạng lưới giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm đủ trường học, tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm”.

Ông Cương cho biết thêm, Sở GD-ĐT Hà Nội đang khẩn trương xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trình UBND TP ban hành với những nội dung cụ thể nhằm đưa dạy thêm, học thêm vào nề nếp, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.

img-e8c948ccc526-1-140545-1739898012545-1739898012790821586513.jpg

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.

GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, Thông tư 29 đã nêu rõ việc tổ chức dạy thêm không thu tiền trong nhà trường áp dụng với 3 nhóm đối tượng học sinh, gồm: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Việc bảo đảm học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng theo quy định là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên. Sở GD-ĐT Hà Nội đang đề nghị các cấp thẩm quyền, HĐND TP ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho học sinh ôn tập.

Theo ông Cương, để triển khai các nhiệm vụ của ngành giáo dục nói chung và quản lý dạy thêm, học thêm nói riêng, sự nỗ lực của ngành là chưa đủ, còn rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu, chung sức vào cuộc, giám sát của phụ huynh.

“Nếu phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm vì con không đi học thêm, còn nặng nề về điểm số... thì dù có nỗ lực, ngành giáo dục cũng khó thể giải quyết những bất cập về dạy thêm, học thêm. Tôi kêu gọi phụ huynh hãy tin tưởng, đồng lòng chung sức, khẳng định trách nhiệm gia đình cùng ngành giáo dục thực hiện và giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định mới về dạy thêm, học thêm; bảo đảm quyền lợi để các học sinh được phát triển toàn diện”, ông Cương nói.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022