Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường giai đoạn 2023-2025 của TP. Hà Nội, quận Hà Đông sẽ sáp nhập 3 phường Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Quang Trung thành đơn vị hành chính mới lấy tên là Quang Trung. Phường mới sẽ có diện tích tự nhiên 1,43 km2 (đạt 26% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số 43.957 người (đạt 293,05% so với tiêu chuẩn).
Theo UBND quận Hà Đông, cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính là do 3 phường Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Quang Trung có đường địa giới hành chính liền nhau, có các khu dân cư xen kẽ, thuận lợi về giao thông, đồng bộ về hạ tầng. Khoảng cách các khu vực dân cư trên địa bàn 3 phường phù hợp để thực hiện sáp nhập thành phường mới.
Quận Hà Đông sẽ sáp nhập 3 phường Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Quang Trung thành đơn vị hành chính mới lấy tên là Quang Trung.
Như Gia đình và Xã hội đã thông tin, nhiều người dân tại các phường bị sáp nhập hiện đang rất lo lắng, băn khoăn việc phải mất nhiều thời gian, chi phí phát sinh để làm lại các loại giấy tờ, thủ tục hành chính (TTHC)...
Về vấn đề này, trao đổi với PV, lãnh đạo UBND quận Hà Đông cho biết, tại kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngày 9/4 vừa qua, HĐND quận Hà Đông đã thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn quận Hà Đông.
Việc sáp nhập được đa số cử tri tham gia bỏ phiếu ủng hộ.
Về mặt thuận lợi, việc sáp nhập đơn vị hành chính sẽ tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún. Điều này sẽ giúp quận tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, mở rộng không gian phát triển. Tạo thuận lợi phát huy các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng văn minh hiện đại. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước tại địa phương và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
GĐXH - Thời gian qua, đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp phường, xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025 đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, trong đó phải kể đến những hộ kinh doanh vừa và nhỏ nằm trên địa bàn các đơn vị hành chính bị sáp nhập, mất tên.
“Liên quan đến những vấn đề phát sinh sau sáp nhập, quận Hà Đông cũng đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ người về dân về lệ phí khi làm các thủ tục thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, TTHC liên quan đến việc thay đổi địa giới hành chính. Nếu thành phố thông qua, quận sẽ triển khai ngay. Ngoài ra, khi triển khai sáp nhập, quận sẽ cử các tổ công tác xuống trực tiếp tổ dân phố để hỗ trợ người dân”, vị này cho biết
Tương tự, tại quận Hai Bà Trưng, đề án sáp nhập 7 phường thành 4 phường, trong đó nhập một phần phường Cầu Dền vào Thanh Nhàn lấy tên Thanh Nhàn; nhập một phần phường Cầu Dền vào Bách Khoa thành phường Bách Khoa; Quỳnh Lôi và Bạch Mai thành phường Bạch Mai; Đống Mác và Đồng Nhân thành phường Đồng Nhân cũng đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Chùa Quỳnh Lôi (phường Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng) sẽ được giữ nguyên tên sau khi hai phường Quỳnh Lôi và Bạch Mai sáp nhâp.
Dù đề án sáp nhập được đông đảo người dân ủng hộ, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những ý kiến trái chiều về việc thời gian tới, một số thông tin trên giấy tờ sẽ phải thay đổi toàn bộ, phát sinh nhiều thủ tục hành chính phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, công việc hàng ngày.
Về việc giải quyết TTHC cho người dân, thông tin từ UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, trong quá trình xây dựng đề án, quận Hai Bà Trưng xác định, các thủ tục hành chính liên quan sẽ được giải quyết trên quan điểm thuận tiện nhất cho người dân, không vì sắp xếp, sáp nhập mà ảnh hưởng đến giải quyết TTHC của người dân. Về mặt nguyên tắc, Chính phủ đã có Đề án 06/CP cập nhật dữ liệu của người dân trên hệ thống, vì vậy việc chuyển đổi sau thông tin sau đó cũng sẽ có phần thuận lợi.
UBND quận Hai Bà Trưng xác định, các thủ tục hành chính liên quan sẽ được giải quyết trên quan điểm thuận tiện nhất cho người dân.
Còn tại huyện Thạch Thất, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, HĐND huyện cũng vừa thống nhất phương án sáp nhập xã Dị Nậu và xã Canh Nậu thành xã Lam Sơn; sáp nhập xã Chàng Sơn và xã Thạch Xá thành xã Thạch Xá; sáp nhập xã Hữu Bằng và xã Bình Phú thành xã Quang Trung.
“Sau khi đề án đề án được Quốc hội thông qua thì mới có hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân. Tuy nhiên, cũng rất cần Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hết sức, trong đó có việc miễn phí và đưa cán bộ xuống từng thôn giúp đỡ dân thay đổi giấy tờ tùy thân”, ông Hồng nói.
Xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, một trong những xã mất tên sau sáp nhập.
Trước đó, thông tin với báo chí, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, chủ trương của thành phố là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính.
Việc giải quyết chuyển đổi giấy tờ do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được TP Hà Nội chỉ đạo Công an thành phố thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (về nhân thân) cho người dân theo cơ chế thành phố hỗ trợ toàn bộ.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ, thực tế trong đợt sắp xếp trước đây tại một số địa phương đã hỗ trợ người dân theo hướng Công an thành phố xuống tận địa bàn thôn, tổ dân phố để làm thủ tục hành chính cho người dân.
Trong lần sắp xếp này, đối với toàn bộ giấy tờ thủ tục hành chính liên quan đến việc thay đổi địa danh, tên gọi của đơn vị hành chính, thành phố đã chỉ đạo đơn vị liên quan thành lập các tổ công tác xuống trực tiếp thôn, tổ dân phố để hỗ trợ người dân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn.
Thực hiện Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2023 - 2025, Hà Nội có 173 xã, phường (của 26 quận, huyện, thị xã) phải sắp xếp; 12 xã, phường thuộc diện khuyến khích sắp xếp.
TP Hà Nội đã báo cáo Bộ Nội vụ phương án sắp xếp đơn vị hành chính không đáp ứng tiêu chí diện tích và dân số. Theo đó, 30 quận, huyện của Hà Nội vẫn giữ nguyên như hiện nay. Đối với cấp xã, phường, Hà Nội sẽ giảm khoảng 70 đơn vị hành chính.
Đến nay, 26 quận, huyện có phường, xã phải sắp xếp đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri và thống nhất phương án sáp nhập, tên đơn vị hành chính mới. Sở Nội vụ sẽ hoàn chỉnh hồ sơ để trình HĐND TP xem xét đề án vào giữa tháng 5. Sau đó, UBND TP sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ và các cơ quan chức năng để thông qua đề án.
GĐXH - Trước thông tin làng Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) có nguy cơ mất tên sau đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã giai đoạn 2023 - 2025, nhiều người dân đang sinh sống tại đây hiện không khỏi băn khoăn, bức xúc, mong muốn được giữ lại "dù chỉ một chữ" trong tên làng để con cháu nhớ về nguồn cội, gốc gác của mình.
Xem thêm video được quan tâm:
Mất tên sau sáp nhập xã, phường ở Hà Nội, người dân làng nghề 'nghìn năm tuổi' mong muốn điều gì.