GĐXH - Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Luật Đất đai 2024, trong đó có quy định về nâng mức phạt khi chuyển đổi đất trồng lúa sang đất ở.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Theo đó, dự thảo quy định khá chi tiết về mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi lấn, chiếm đất, hủy hoại đất của cá nhân, tổ chức.
Hành vi lấn đất
Cụ thể, Điều 16 dự thảo quy định về hành vi lấn đất, trường hợp lấn đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với diện tích đất lấn dưới 0,05 héc ta…Phạt tiền từ 30 - 70 triệu đồng đối với diện tích đất lấn từ 1 héc ta trở lên.
Trường hợp lấn đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì mức phạt tiền được áp dụng là từ 60 - 150 triệu đồng đối với diện tích đất lấn từ 1 héc ta trở lên.
Người dân có thể phải chịu mức phạt tiền cực nặng nếu thực hiện các hành vi lấn, chiếm đất, hủy hoại đất. Ảnh minh họa (nguồn KTĐT)
Trường hợp lấn đất phi nông nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này tại khu vực nông thôn thì bị phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng nếu diện tích đất lấn từ 1 héc ta trở lên.
Trường hợp lấn đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng tại khu vực nông thôn và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng với tổ chức.
Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm…Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Hành vi chiếm đất
Đối với hành vi chiếm đất, Điều 17 dự thảo Nghị định quy định, trường hợp chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta… Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 1 héc ta trở lên.
Trường hợp chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa tại khu vực nông thôn thì bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với diện tích đất chiếm dưới 0,05 héc ta…
Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với diện tích đất chiếm từ 1 - dưới 2 héc ta. Phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng đối với diện tích đất chiếm từ 2 héc ta trở lên.
Trường hợp chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu diện tích đất chiếm dưới 0,05 héc ta…Phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng nếu diện tích đất chiếm từ 0,5 - dưới 1 héc ta; Phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng nếu diện tích đất chiếm từ 1 héc ta trở lên.
Trường hợp chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này) tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm…Buộc thực hiện tiếp các thủ tục về giao đất, cho thuê đất theo quy định và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Hành vi hủy hoại đất
Điều 18 dự thảo Nghị định nêu rõ: Trường hợp làm biến dạng địa hình: Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta… Phạt tiền từ 80 - 200 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 1 héc ta trở lên.
Đối với hành vi làm suy giảm chất lượng đất: Phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta…Phạt tiền từ 60 – 150 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.
Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm…
Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế để xác định mức độ khôi phục của từng trường hợp cụ thể quy định tại điểm này.
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đối với diện tích đất có thay đổi mục đích sử dụng đất.
GĐXH - Luật Đất đai 2024 quy định các trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).