Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau để lại vẫn chưa nguôi ngoai. Biết bao thân nhân, gia đình liệt sĩ vẫn khắc khoải chờ đợi, hy vọng tìm được hài cốt của người thân để đưa họ trở về quê hương.
Suốt 20 năm qua, Anh hùng LLVT nhân dân, Trung tá Nguyễn Thiện Tỉnh (SN 1949, trú tại phường Phù Vân, Ninh Bình) đã nhiều lần trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội.
Đêm ngủ cũng mơ thấy tiếng đồng đội gọi
Ông Nguyễn Thiện Tỉnh nhập ngũ năm 1966. Năm 1969, ông thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.
Suốt những năm tháng ấy, ông từng nhiều lần cận kề cái chết, chứng kiến đồng đội hy sinh, tự tay chôn họ giữa làn đạn pháo, rồi nghẹn ngào nói lời từ biệt cùng câu hứa: “Nếu còn sống, nhất định sẽ quay lại đưa đồng đội về quê hương”.

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thiện Tỉnh ghi chép tỉ mỉ thông tin của các liệt sĩ đã được ông cùng đồng đội cất bốc, quy tập
Sau ngày đất nước thống nhất, từ năm 1976 - 1978, ông tham gia cùng đội quy tập hài cốt liệt sĩ của Sư đoàn 304 tìm kiếm, cất bốc, quy tập hơn 300 hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Năm 1979, ông được điều động sang chiến trường Campuchia nên việc tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đành phải gác lại. Hoàn thành nhiệm vụ trở về, ông học tập tại Học viện Đà Lạt.
Năm 1984 - 1987, ông Tỉnh giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Hậu cần kỹ thuật Quân đoàn 2. Năm 1987, sau khi nghỉ hưu, ông trở về tham gia công tác chính trị - xã hội tại địa phương.
Dù trong lòng ông luôn canh cánh về việc còn rất nhiều đồng đội vẫn nằm lại chiến trường xưa nhưng thời điểm đó, công việc mới bận rộn, lại thêm cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, bộn bề ông đành lực bất tòng tâm.
"Đêm nào cũng mơ thấy tiếng đồng đội gọi khiến tôi rất day dứt", ông Tỉnh tâm sự.
Không chỉ có đồng đội nằm lại, ông còn một nỗi đau chưa nguôi. Đó là em trai ruột của ông - liệt sĩ Nguyễn Thanh Sơn, hy sinh năm 1974, cũng chưa có thông tin.
Phải đến năm 2005, khi cuộc sống đã dần ổn định, công việc gia đình nhẹ gánh hơn, có chút lương hưu gom góp được, ông mới chính thức bắt đầu hành trình cùng một số đồng đội đi tìm kiếm hài cốt em trai và những đồng đội năm xưa đã nằm lại.
“Lúc đầu, chúng tôi tìm đến Phòng Chính sách Sư đoàn 304 để xin danh sách liệt sĩ Trung đoàn 9 và bản đồ tác chiến cũ.
Có danh sách, về nhà, tôi dò từng tên, từng địa điểm. Rồi tôi vào Quảng Trị, lần theo trí nhớ, trở về những cao điểm, căn cứ nơi mình từng chiến đấu, từng chôn cất đồng đội năm xưa để xác định vị trí”, ông Tỉnh kể.
Việc tìm hài cốt liệt sĩ gặp vô vàn khó khăn, không phải cứ đi là tìm được ngay. Bởi sau bao nhiêu năm, chiến trường xưa thay đổi quá nhiều, địa hình biến dạng, dấu vết gần như không còn, nhân chứng mỗi người một nơi, ký ức cũng phai mờ.
Nhờ có bản đồ tác chiến cũ, ông phần nào đỡ mất phương hướng nhưng quá trình tìm kiếm vẫn kéo dài nhiều năm mới có kết quả.
Mỗi chuyến đi của ông mất khoảng hơn 10 ngày. Có nơi ông phải trở lại 3, 4 lần, nhiều khi phải dầm mưa, lội suối, băng rừng hàng chục cây số mới tìm được chút manh mối.
Những đồng đội đầu tiên trở về
Năm 2007, sau nhiều chuyến đi, cuối cùng nhóm ông cũng tìm được vị trí chôn cất 3 đồng đội là các liệt sĩ Đỗ Hùng Giang (quê tỉnh Thái Bình cũ, nay là tỉnh Hưng Yên), Nguyễn Văn Hàm (quê Thanh Hóa), Phạm Văn Thanh (quê Thanh Hóa).
Khi chắc chắn thông tin, ông chủ động gửi thư cho gia đình 3 liệt sĩ và cùng các gia đình thực hiện thủ tục để cất bốc hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.
“Tôi nhớ như in thời điểm 3 đồng chí ấy hy sinh là vào tháng 7/1972, đang trong ca gác. Chiến sự lúc đó vô cùng ác liệt, lại đúng mùa mưa, nước lũ sông Ô Lâu dâng cao khiến lương thực, thuốc men tiếp tế từ phía Bắc không thể vận chuyển vào.
Cả đội đều bị đói, nhất là những chiến sĩ trong ca gác. Giang nói với tôi một câu mà đến giờ tôi vẫn không quên: ‘Đội trưởng ơi, em đói quá. Giờ địch tập kích chắc cũng không còn hơi để đánh nữa’”, ông Tỉnh nghẹn giọng kể lại.
Thấy tình trạng thiếu lương thực kéo dài không ổn, ông Tỉnh động viên các đồng đội yên tâm canh gác, còn ông liều mình chặt cây chuối để bám vào, bơi vượt qua sông Ô Lâu để xin cấp lương thực.
Ông kể, khi ông mang lương khô về, đang phân phát cho đồng đội thì địch bất ngờ dội bom, hầm kèo bị đánh sập, 3 đồng đội đã mãi mãi nằm lại chiến trường...
“Lúc đó, sau khi địch dội bom đánh sập hầm kèo, tôi gọi đồng đội cùng bới đất cứu người nhưng cả 3 chiến sĩ trong ca gác đều đã hy sinh. Tôi vừa bới vừa khóc.
Nén đau thương, tôi cùng đồng đội chôn cất họ chu đáo rồi đánh dấu mộ 3 đồng chí bằng 3 hòn đá. Sợ địch phát hiện, tôi phủ đất lên trên hòn đá ấy rồi san phẳng.
Đến khi cùng gia đình 3 liệt sĩ đó cất bốc hài cốt, đào đất xuống khoảng gần 1m, thấy 3 hòn đá, tôi một lần nữa không kìm được nước mắt.
Thế là sau bao năm trăn trở, cuối cùng tôi cũng thực hiện được lời hứa của mình. Ngày đưa đồng đội trở về quê hương tôi mới thấy lòng mình nhẹ đi đôi chút”, ông Tỉnh xúc động nói.
Hành trình không có điểm dừng
Đến nay, sau 20 năm ròng rã, ông Tỉnh cùng đồng đội trong nhóm đã tìm được 21 hài cốt liệt sĩ.

Ông Tỉnh thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Ảnh: NVCC
Ở tuổi 76, sức khỏe đã không còn cho phép ông tiếp tục băng rừng, lội suối như những năm trước nên những chuyến đi của ông cũng thưa dần.
Thế nhưng, ông vẫn luôn đau đáu với hành trình đưa đồng đội trở về. Bên góc bàn nhỏ, cuốn sổ ghi chép tên tuổi, quê quán, vị trí hy sinh và nơi an nghỉ của các liệt sĩ từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị luôn được ông Tỉnh nâng niu.
Đó là tư liệu quý giá mà ông thu thập được suốt bao năm qua, mong một ngày có cơ hội tìm lại thân nhân của họ để đồng đội được trở về quê hương.
Ông chia sẻ, thời gian tới, nếu sức khỏe cho phép ông vẫn cố gắng vào lại chiến trường xưa để tiếp tục hành trình không có điểm dừng của mình. “Còn đồng đội chưa về, tôi chưa thể yên tâm”, ông nói.
Ông Nguyễn Bá Quý, Phó Hội trưởng Hội truyền thống Sư đoàn 304 tỉnh Hà Nam (cũ) cho biết, những năm qua, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thiện Tỉnh đã nhiều lần cùng một số đồng đội trở lại chiến trường Quảng Trị để tìm kiếm hài cốt những đồng đội đã hy sinh. Nhờ sự bền bỉ, nhóm do ông Tỉnh đứng đầu đã tìm được 21 phần mộ liệt sĩ.
Năm 2015 ông Tỉnh được Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam trao tặng bằng khen vì đã có thành tích suất sắc cung cấp thông tin tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2005 - 2015.