Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đơn vị vừa tiến hành định danh số với 10 cổ vật triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nhằm ứng dụng tiến bộ công nghệ vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Video: Chiêm ngưỡng loạt cổ vật quý triều Nguyễn vừa được định danh số.
Theo đó, các cổ vật được gắn chip NFC và được định danh duy nhất bằng công nghệ Nomion của Phygital Labs. Từ đây, khách tham quan có thể dùng điện thoại thông minh tương tác với chip NFC Nomion gắn trên cổ vật, mở ra tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D… của cổ vật.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn du tích Cố đô Huế cho hay, khác với mã QR đang được sử dụng để lưu trữ thông tin, chip NFC Nomion gắn trên cổ vật có khả năng mã hóa dữ liệu, bảo mật cao và chống bị làm giả, đảm bảo sự độc bản và liên kết 1-1 giữa phiên bản vật lý và phiên bản số. Ngoài ra, bằng công nghệ Blockchain, phiên bản số của cổ vật mang giá trị chứng thực sở hữu cũng như tạo ra tài sản số từ tài sản thật là cổ vật.
Những cổ vật được lựa chọn để định danh là các cổ vật tiêu biểu, đặc trưng của vua quan nhà Nguyễn như: ngai, kiệu, hia (đồ ngự dùng trong sinh hoạt và lễ nghi), cành vàng lá ngọc (dùng để trang trí nội thất), hay bộ xăm hường (thú tiêu khiển)…
Những hình ảnh về các cổ vật vừa được định danh số do phóng viên Gia đình và Xã hội ghi lại:
"Quả cầu cửu long" là một tác phẩm độc đáo nhằm ca ngợi vương quyền và ngôi vị của hoàng đế thời Nguyễn, được chạm lộng hình long vân, rỗng lòng, dùng để trang trí trong hoàng cung. Đây là tác phẩm được tạo tác để dâng tặng vua Khải Định nhân dịp lễ Tứ tuần đại khánh (sinh nhật lần thứ 40) của nhà vua.
Bức phù điêu chạm khắc cảnh đẹp được tạo tác vào Minh Mạng năm thứ sáu (1825). Mặt trước bức phù điêu được chạm trổ đá quý với đình tạ, cây cối, chim muông, sông nước, thuyền bè và hai con chim hạc ngậm cuốn thư bay lẫn trong mây,... Mặt sau bức phù điêu có khắc bài minh ca ngợi các đời vua trước đã tìm ra nguồn gốc của đạo thánh hiền cho người đời sau noi theo mà trị nước. Vua Minh Mạng viết bài này răn dạy các đời vua sau phải học tập, dùi mài kinh sử.
"Cơi thờ bằng bạc thời vua Khải Định (1916-1925)". Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong thời Nguyễn, nghệ thuật chế tác bạc rất được chú trọng nhằm phục vụ nghi lễ triều đình và đồ nhật dụng hoàng gia. Từng sản phẩm khi hoàn thiện đều là tuyệt tác kỹ nghệ. Cơi bạc, dùng để bài trí ở các miếu thờ tiên đế, trang trí chữ thọ, rồng mặt ngang, hiệu "Khải Định niên tạo" (chế tác thời vua Khải Định).
"Kiệu vua triều Nguyễn" - đây là chiếc kiệu chạm lộng đồ án “Lưỡng long triều nhật”, sơn son thếp vàng của vua Bảo Đại, dùng để đi lại trong phạm vi hoàng thành Huế thời Nguyễn.
Kiệu bao gồm một cái ghế chạm long vân, có mái che, đặt trên một giàn đòn dài với hai màu chủ đạo là vàng và đỏ. Hai tay đòn của kiệu là hình ảnh rồng biểu tượng của vua, với đầu rồng ở trước và đuôi rồng ở cuối kiệu.
"Ngai vua thời Nguyễn" - Ngai được làm bằng chất liệu gỗ sơn son thếp vàng, ở phần trên là hình ảnh mặt trời trên nền dải mây cách điệu thể hiện quyền lực tối cao của nhà vua.
Trong khi đó, ở lưng ngai được khắc hai chữ thọ. Tay ngai 2 bên là 2 hình rồng hướng ra phía trước trong tư thế đạp mây uy nghi thể hiện sức mạnh của vua chúa. Phần dưới là đế được trang trí hoa văn chữ vạn cùng những hàng cánh sen và đồ án lưỡng long chầu chữ thọ. Chân ngai được chạm khắc hổ phù, kiểu long hàm thọ, hoa văn chim phượng.
Tô sứ men trắng vẽ lam, trang trí "lưỡng long triều nhật" hiệu đề "Minh Mạng niên tạo" (chế tác thời vua Minh Mạng).
Bộ xăm hường bằng ngà voi của vua Tự Đức (1848 - 1883). "Đổ xăm hường" là một trò chơi truyền thống có nguồn gốc lịch sử từ triều đại Nguyễn, có lẽ đây là bộ xăm hường xưa và lâu đời nhất ở Huế. Bộ xăm hường gồm: hộp đựng thẻ xăm, các thẻ xăm, 6 hột xúc xắc, chén lắc xúc xắc. Chơi "đổ xăm hường" là gieo các hột xúc xắc để dành những chiếc thẻ khắc chữ Hán với những số điểm nhất định, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa...
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khẳng định, công nghệ của Phygital Labs là cầu nối đưa các cổ vật đang được lưu giữ và trưng bày đến với thế giới số, hỗ trợ trong công tác số hoá, lưu giữ, phát huy giá trị cổ vật nói riêng và di sản của triều Nguyễn, văn hóa Huế nói chung.
Việc định danh số giúp du khách thuận tiện hơn trong việc tìm hiểu về những thông tin, giá trị của cổ vật.
GĐXH - Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế vừa được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.