7 nhiệm vụ trọng tâm phòng cháy, chữa cháy
Ngày 20/9, ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trên địa bàn TP Hà Nội trong tình hình mới.
Chỉ thị nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu hộ, cứu nạn (CNCH) trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Quán triệt quan điểm trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC và CHCN): Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Lấy chủ động phòng ngừa là chính, lấy phòng ngừa là "cơ bản - chiến lược - lâu dài", làm tốt công tác phòng cháy để ngăn ngừa cháy, nổ với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong "thời điểm vàng" 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm bốn tại chỗ "chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ".
Phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Đề cao hơn ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
2. Thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đảm bảo thực chất, toàn diện; việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
Đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay. Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao như: Các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, khu nhà trọ, trường mầm non, các cơ sở kinh doanh hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người, cụm điểm làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp, rừng...; coi công tác phòng cháy, chữa cháy là công việc hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
3. Đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, các biện pháp, kỹ năng phòng cháy, thoát nạn và xử lý các tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; ý thức tự trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong từng gia đình, nhất là các thiết bị báo cháy, dụng cụ thoát hiểm, mặt nạ phòng độc, cửa thoát hiểm đến từng hộ gia đình, cá nhân...; tập huấn thường xuyên về các kỹ năng thoát nạn cơ bản, hướng dẫn thoát nạn, kỹ năng cảnh báo khi có sự cố xảy ra.
Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, nhân rộng các mô hình phù hợp với từng địa bàn bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, như: "Dân vận khéo" trong phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư…; lồng ghép việc phổ biến, học tập kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học trên địa bàn thành phố; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
4. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Tất cả các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và CNCH phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động. Công khai thông tin của các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên cảnh báo cộng đồng, dân cư xung quanh biết; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH gây hậu quả nghiêm trọng. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
5. Thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ "chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ", nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Kiện toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất cho các lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực chất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Tiếp tục rà soát quy chế phối hợp giữa lực lượng cơ sở PCCC với các ngành, các cấp. Phát huy trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc hướng dẫn thực hiện công tác PCCC và CNCH và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm là lực lượng nòng cốt tham mưu, triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp hiệp đồng giữa lực lượng Công an và Quân đội trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cảnh báo cháy nhanh, số hóa hồ sơ quản lý địa bàn, cơ sở, nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý kịp thời khi cháy, nổ xảy ra. Thường xuyên tổ chức và nâng cao chất lượng tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia. Tăng cường công tác huấn luyện về nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC chuyên ngành, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo phương châm "4 tại chỗ".
6. Tăng cường đầu tư nguồn lực, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho công tác PCCC; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc…); nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH; mua sắm phương tiện PCCC và CNCH (phù hợp với điều kiện của đô thị Hà Nội).
7. Thực hiện nghiêm công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, đô thị theo đúng quy định; xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép (trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, sử dụng đất sai mục đích) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố.
GĐXH – Những trường hợp nào sẽ không được bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đền bù? Người dân cần cập nhật thông tin mới nhất để không bị mất quyền lợi.
Công tác phòng cháy chữa cháy giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Thế nào là an toàn phòng cháy chữa cháy?
An toàn phòng cháy chữa cháy là 1 tập hợp bao gồm các giải pháp có tính kỹ thuật cao. Những hành động liên quan đến việc hạn chế tối đa các nguy cơ gây cháy nổ hỏa hoạn, góp phần dập tắt đám cháy nhanh chóng, ngăn chặn cháy lan. Đặc biệt công tác giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Mỗi tổ chức và cá nhân cần hiểu rằng phòng cháy chữa cháy là một nhiệm vụ rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và không chỉ nên dựa vào lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để thực hiện. Trách nhiệm của mỗi đối tượng đối với phòng cháy chữa cháy cần được xác định rõ ràng.
Ý nghĩa của phòng cháy chữa cháy
Phòng cháy chữa cháy giúp ngăn chặn các vụ cháy nổ xảy ra. Thông qua việc tìm hiểu kỹ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy có thể tránh, đề phòng được những trường hợp dễ xảy ra cháy, những trường hợp xấu dễ xảy ra, trong tình huống nguy cấp có thể giảm thiểu, hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản của cá nhân, công ty, cộng đồng xã hội. Người dân có thể hiểu rõ những nguyên nhân nào dẫn đến cháy, cách nào hạn chế thấp nhất lửa lan rộng, dập lửa đúng cách để không bùng phát trở lại, các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn.
Phòng cháy chữa cháy giúp hạn chế rủi ro không mong muốn. Trong trường hợp có cháy xảy ra, hoạt động chữa cháy giúp tìm kiếm, cứu những nạn nhân của đám cháy, cứu tài sản, chống việc lửa lây lan gây cháy diện rộng...
Phòng cháy chữa cháy giúp con người trong tập thể, cộng đồng gắn kết với nhau bằng cách thông qua các buổi tập huấn mọi người trong tập thể trở nên gần gũi, cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau, tăng tình đoàn kết cộng đồng.
Sự hiểu biết về phòng cháy, chữa cháy giúp ngăn chặn những trường hợp tiêu cực, các trường hợp lợi dụng cơ hội cháy nổ vì những mục đích cá nhân để vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người khác.
Mục đích của công tác an toàn phòng cháy chữa cháy là gì?
Công tác phòng cháy vô cùng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân và tổ chức. Đặc biệt đó là trách nhiệm bắt buộc của lực lượng cảnh sát bên phòng cháy chữa cháy. Do đó mỗi người đều cần tìm hiểu về cách phòng cháy để bảo vệ cho bản thân.
Trách nhiệm của cảnh sát là tuyên truyền và phổ biến kiến thức, hướng dẫn cho người dân, đồng thời kiểm tra việc tuân thủ các quy định của mỗi cá nhân, tổ chức. Từ đó giúp xử lý nhanh chóng, kịp thời ngày khi nhận được thông tin báo cháy.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức là đứng ra phổ biến các kiến thức về phòng cháy chữa cháy cho đội ngũ nhân viên của công ty. Mục đích nhằm duy trì mọi hoạt động của tổ chức phòng cháy nội bộ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời kiểm tra và giám sát thường xuyên việc chấp hành nội quy. Đặc biệt đảm bảo nguồn ngân sách luôn đủ để đáp ứng cho công tác phòng cháy chữa cháy vận hành một cách hiệu quả nhất.
Trách nhiệm quan trọng của các hộ gia đình là nắm vững kiến thức về an toàn phòng cháy chữa cháy là gì, từ đó có ý thức chủ động hạn chế mọi nguy cơ xảy ra. Ngoài ra cần trang bị đầy đủ các thiết bị chuyên dụng trong nhà và phối hợp cùng lực lượng chức năng khi xảy ra hỏa hoạn.
Biện pháp đảm bảo an toàn cháy nổ
Để đảm bảo an toàn cháy nổ, cần áp dụng các biện pháp phòng cháy chữa cháy và các biện pháp bảo vệ khác. Các biện pháp cần được thực hiện như sau:
Kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ các thiết bị chữa cháy, hệ thống điện, hệ thống khí gas và hệ thống an toàn khác để đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả.
Đảm bảo việc sử dụng đúng và an toàn các vật liệu chống cháy trong xây dựng và sản xuất.
Tạo ra các khu vực an toàn, phân loại các nguyên liệu dễ cháy và đảm bảo lưu trữ an toàn.
Đào tạo và nâng cao nhận thức về an toàn cháy nổ cho cộng đồng, đặc biệt là các nhân viên làm việc trong ngành công nghiệp, xây dựng và vận tải.
Xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng cháy chữa cháy, bao gồm các biện pháp khẩn cấp, tập trận và giám sát định kỳ.
Thực hiện quy định về báo cháy, cảnh báo sớm và tìm kiếm cứu nạn để đảm bảo sự phản ứng nhanh chóng và hiệu quả khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Hoạt động chữa cháy giúp tìm kiếm, cứu những nạn nhân của đám cháy, cứu tài sản, chống việc lửa lây lan gây cháy diện rộng...
Các phương pháp chữa cháy thường được dùng khi có cháy xảy ra
Thứ nhất, phương pháp cách ly ôxy với chất cháy hoặc tách rời chất cháy ra khỏi vùng cháy. Phương pháp này dùng các chất, thiết bị có tác dụng cách ly như cát, chăn nệm, bao tải, vải bạt… để úp, chụp, đậy, phủ lên bề mặt của chất cháy. Việc này giúp ngăn chặn ôxy trong không khí tiếp xúc với vật cháy, do oxi là điều kiện cần để sự cháy tiếp tục, nên khi không có oxi, sự cháy sẽ lụi dần. Kết hợp với việc phủ, che vật cháy, thì cần đồng thời di chuyển vật cháy ra khỏi vùng cháy.
Thứ hai, đó là làm loãng nồng độ oxy và hỗn hợp chất cháy bằng cách dùng các chất không tham gia phản ứng cháy phun vào vùng cháy để giảm nồng độ oxi và hỗn hợp cháy. Các chất chữa cháy như khí CO2, N2,...
Thứ ba, phương pháp làm lạnh, là tổng hợp các phương pháp có thể hạ nhiệt độ của vùng cháy xuống thấp hơn nhiệt độ có thể bốc cháy. Phương pháp làm lạnh chủ yếu được sử dụng để chữa cháy chất rắn (gỗ, giấy, nhựa…). Thường sử dụng nước và các khí trơ lạnh để chữa cháy bằng phương pháp này.
Thủ tục kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy
Thủ tục kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy
Bước 1: Thông báo cho đối tượng kiểm tra
Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra trước khi thực hiện kiểm tra định kỳ phải thông báo trước 3 ngày làm việc cho đối tượng được kiểm tra về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra.
Bước 2: Thực hiện kiểm tra
Khi tổ chức kiểm tra về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở do cấp dưới quản lý thì phải thông báo cho cấp quản lý cơ sở đó biết.
Trường hợp cần thiết thì yêu cầu cấp quản lý cơ sở đó tham gia đoàn kiểm tra, cung cấp tài liệu và tình hình liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy của cơ sở được kiểm tra. Kết quả kiểm tra được thông báo cho cấp quản lý cơ sở biết;
Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra khi thực hiện kiểm tra đột xuất phải thông báo rõ lý do kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra. Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi thực hiện công tác kiểm tra đột xuất phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan trực tiếp quản lý;
Đối tượng được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đã được thông báo và bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra;
Thủ tục kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy
Bước 1: Thông báo thời gian kiểm tra
Cơ quan công an đã cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy trước khi thực hiện kiểm tra định kỳ phải thông báo trước 03 ngày làm việc cho đối tượng được kiểm tra về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra.
Bước 2: Thực hiện kiểm tra
Cơ quan, người có thẩm quyền khi thực hiện kiểm tra đột xuất phải thông báo rõ lý do kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra. Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi thực hiện công tác kiểm tra đột xuất phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan trực tiếp quản lý.
Đối tượng được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đã được thông báo và bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra.
Lưu ý: Việc kiểm tra định kỳ, đột xuất của cơ quan, người có thẩm quyền phải được lập thành biên bản (Mẫu số PC 10). Trường hợp đối tượng kiểm tra không ký biên bản thì phải có xác nhận của hai người làm chứng hoặc chính quyền địa phương.
Nội quy an toàn phòng cháy chữa cháy
Tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy là một bộ quy định được in trên 4 tấm bảng riêng, bao gồm:
- Bảng quy định nội quy phòng cháy chữa cháy.
- Bảng hướng dẫn chữa cháy.
- Bảng cấm mang vật dễ cháy vào khu vực cấm.
- Bảng cấm hút thuốc trong khu vực cấm.
Cần trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chung cư.
An toàn phòng cháy chữa cháy tại chung cư
Xây dựng chung cư đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy
Thông thường, để phòng cháy chữa cháy chung cư, trong mỗi tòa nhà đều cần có những nội quy niêm yết rõ ràng, gồm tiêu lệnh chữa cháy hay biển cấm hút thuốc tại những nơi cần thiết. Ngoài ra, cần có thêm những quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy khi dùng nguồn lửa hay những thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt.
Đối với các vật liệu là xăng, dầu, khí ga hay các chất nguy hiểm cháy nổ không được đưa vào công trình. Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng thì cần hạn chế tối đa số lượng và phải có các biện pháp để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, không sử dụng các vật liệu dễ cháy để làm vách ngăn, ốp trần, tường, rèm cửa… mà nên được làm bằng chất chống cháy.
Hệ thống điện của toàn bộ tòa nhà chung cư cũng cần phải được lắp đặt thêm thiết bị bảo vệ aptomat, lắp đặt hệ thống chống sét theo đúng tiêu chuẩn chống sét dành riêng cho từng loại công trình.
Ngoài ra, tòa nhà chung cư cần đảm bảo và đáp ứng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy với hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, hoặc sử dụng hệ thống bán tự động để đảm bảo chữa cháy được trên toàn bộ diện tích khi có cháy nổ xảy ra.
Lối thoát nạn trong tòa nhà cũng phải đảm bảo các tiêu chí bao gồm: bố trí đầy đủ cầu thang, hành lang thoát nạn, phòng lánh nạn… Bên cạnh đó, những nơi này phải được làm từ vật liệu không cháy, có các giải pháp ngăn lửa và chống tụ khói dành cho hệ thống thoát nạn, đồng thời có sơ đồ chỉ dẫn cho từng khu vực.
Các biện pháp phòng chống cháy nổ chung cư
Cách đơn giản nhất là luôn niêm yết nội quy phòng cháy, chữa cháy, các biển cấm lửa, cấm hút thuốc, các tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi dễ xảy ra cháy nổ.
Hạn chế đưa các vật liệu dễ cháy nổ như xăng dầu, khí ga và các chất nguy hiểm khác vào công trình nếu thật sự cần thiết thì cần phải có biện pháp phòng cháy chữa cháy an toàn.
Các phương tiện, dụng cụ chữa cháy cứu người tại chỗ phải có và phù hợp với từng quy mô, tính chất cháy nổ của công trình.
Ngoài ra, cần xây dựng và tổ chức thực tập các phương án chữa cháy thực tế. Từ đó giúp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho các cán bộ quản lý, an toàn viên và những người làm việc trực tiếp.