Thực tế, phần nào đã ứng nghiệm khi suất chiếu tại các rạp dành cho "Vợ Ba" ít so với những bộ phim ra rạp cùng thời điểm. Thậm chí, các suất chiếu vào giờ đẹp nhất, lượng khán giả cũng không đủ lấp kín rạp. Có nhóm khán giả đã đứng dậy sau 40 phút phim, buông một câu: "Phim gì âm u, toàn ăn rồi ngủ". Nhưng có phải phim "Vợ Ba" chỉ như thế không?

"Vợ Ba" vẫn có cốt truyện của riêng nó, đạo diễn Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) đã dẫn dắt người xem theo chân cô bé Mây (diễn viên Nguyễn Phương Trà My) 14 tuổi từ đêm tân hôn về làm lẽ cho một gia đình nông thôn Bắc Bộ giàu có, đến khi cô sinh đứa con đầu lòng (một bé gái). Thời gian trong "Vợ Ba" dù có chuyển động qua hình ảnh những con tằm vươn mình trong đêm tân hôn cho đến thành kén rồi đem dệt thành vải hay qua những thay đổi cơ thể của Mây lúc mang thai thì không gian trong phim trì trệ, bất động, như một vòng lặp tuần tự của ngày tháng giữa bình minh và đêm tối, hệt như một ao tù hãm giam những người đàn bà sống trong đó vào cái bất tận của cuộc sống.

13-vo-ba-15582749381441718305742.jpg

Cảnh trong phim “Vợ Ba”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Trong một câu chuyện không có gì đặc sắc được kể bằng những thước phim duy mỹ và đầy tính biểu tượng, nặng về chủ nghĩa hình thức với âm nhạc, màu sắc, góc máy đầy tính kịch… khiến cho khán giả đại chúng khó nắm bắt được những thứ lửng lơ mong manh mà đạo diễn muốn kể.

Nhưng đồng thời trong cái khung cảnh dường như bị đóng chặt vào đời sống ấy, những nhân vật giống như những con búp bê dễ uốn nắn và thiếu vắng cảm xúc như thể họ là một bóng ma, chìm xuống để cho một "âm bản" khác của các biểu tượng được trỗi dậy kể câu chuyện của chính nó. Là đôi mắt to tròn ngơ ngác của Mây, những chiếc kén tằm, chiếc khăn thấm máu trên cành liễu, hang động, hoa lá ngón, con gà bị cắt tiết… đều có đời sống riêng của nó.

Thời gian trong "Vợ Ba" có thể chỉ gói gọn trong một năm nhưng nó bao trùm trong đó cả đời người. Nó có sự sống, cái chết, tình yêu, sự ngây thơ, lòng trắc ẩn, bội phản cũng như sinh nở, trưởng thành, già cỗi. Nó có những ẩn ức của tuổi mới lớn bị đè bẹp bởi định kiến, nó có sức mạnh của nữ quyền dưới sự thống trị của nam quyền. Hiển hiện rõ đến nỗi một bé gái cũng nhận ra và thể hiện sự phản kháng bằng câu: "Lớn lên muốn được làm đàn ông". Nhưng cả trong câu này cũng đã thấy rõ sự thất bại của việc muốn trở thành một "kẻ khác" thay vì sống trọn vẹn với bản thể của mình.

Dù là một bộ phim hay nhưng có lẽ "Vợ Ba" khó lòng gây được sự hấp dẫn với khán giả Việt Nam - những người đã quá quen với bối cảnh, con người nông thôn Bắc Bộ nửa phong kiến nửa tân thời trong văn chương Tự Lực Văn Đoàn. Có chăng, những khán giả quốc tế sẽ thấy ấn tượng với một Việt Nam như bước ra từ truyện cổ tích. Những phong tục văn hóa ngày lễ Tết, cưới hỏi, tang ma được tái hiện sinh động.

Có cảm giác "Vợ Ba" được làm để hoài niệm một quá khứ, để tri ân những người bà, người mẹ, người vợ như một tiếng vọng nữ quyền yếu ớt. Trong dàn diễn viên cũng đã thấy sự xuất hiện của 3 thế hệ, từ gạo cội như Như Quỳnh rồi Trần Nữ Yên Khê đến Maya và cả những diễn viên chưa đến tuổi thành niên: Trà My, Lâm Thanh Mỹ… Mỗi người đại diện cho một giai đoạn khác nhau, cả về mặt lịch sử xã hội, lẫn lịch sử điện ảnh của Việt Nam, hội ngộ trong một bộ phim kể về một câu chuyện xa xưa, giờ chỉ còn trong những thước phim cũ, trong những trang tiểu thuyết úa màu và trong cả phim "Vợ Ba" của Nguyễn Phương Anh.

Huỳnh Trọng Khang

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022