Tác phẩm hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Cố cung Đài Loan, gồm bốn cuộn. Chiều cao bức tranh 51 cm, tổng chiều dài bốn cuộn hơn 25 mét, chủ đề nếp sống, nghi thức cung đình.

Theo trang DPM, thân tàm là hoạt động tế bái thần tằm Luy Tổ do hoàng hậu chủ trì, với sự tham gia của các phi tần cùng công chúa, phúc tấn. Luy Tổ còn gọi Tây Lăng Thị, nhân vật nữ trong truyền thuyết, là người chỉ dẫn nuôi tằm, quay tơ, lấy kén. Lễ thân tàm có mục đích khuyến khích dân chúng chăm chỉ trồng dâu nuôi tằm, phát triển ngành dệt vải.

canh-hoang-hau-thoi-thanh-te-than-tam-cuon-hai-1700119023.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ehvut2zsHfPm-PlaW2A12g
Cảnh hoàng hậu thời Thanh tế thần Tằm, cuộn hai

Cuộn hai của bức tranh tái hiện khung cảnh bàn tế thần tằm. Video: Youtube/Shuge

Làm nông, trồng dâu nuôi tằm là những hoạt động sản xuất quan trọng thời phong kiến Trung Quốc, người xưa thường dựng nên một vị thần cho mỗi hoạt động sản xuất. Tục tế bái thần tằm có từ thời Chu, do hoàng hậu chủ trì, được duy trì ở các triều đại sau đó.

Năm Càn Long thứ chín (1744), triều đình nhà Thanh lần đầu tổ chức lễ cúng tế thần tằm. Việc quan trọng nhất là chọn địa điểm lập đàn tế. Theo nguyên tắc âm dương ngũ hành cổ đại, hoàng hậu đại diện cho đất, thuộc âm, theo hướng Bắc, vì thế đàn tế được dựng ở phía Bắc kinh thành.

hoang-hau-thoi-thanh-lam-le-te-than-tam-cuon-ba-1700118671.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=m0MqCBd43pzkS2RVKgA8wQ
Hoàng hậu thời Thanh làm lễ tế thần Tằm, cuộn ba

Cuộn thứ ba của bức tranh tập trung khắc họa cảnh hoàng hậu ngồi trên đài, quan sát phi tần, phúc tấn hái dâu. Video: Youtube/Shuge

Lễ tế được cử hành trong ngày lành của tháng 3 âm lịch, vật phẩm tế bái gồm bò, dê, lợn, rượu. Hoàng hậu cùng các phi tần, công chúa, phúc tấn, nữ quan đến đàn tế thần làm lễ, quy trình phức tạp. Ngoài quỳ lạy, dâng hương, dâng lễ vật còn có hoạt động hái lá dâu. Hoàng hậu cầm giỏ bằng vàng, thực hiện nghi thức hái ba lá. Các thái giám đánh trống, hát bài ca hái dâu. Sau đó, hoàng hậu sau ngồi trên thềm cao, quan sát các phi tần, cung nữ hái dâu tằm. Số lá hái được mang cho tằm ăn, kết thúc lễ tế.

Bức tranh do vua Càn Long lệnh họa sĩ cung đình thực hiện, các họa sĩ chính vẽ tác phẩm gồm Lang Thế Ninh, Kim Khôn. Theo Shuge, bức tranh đậm phong cách tả thực về hoạt động trong cung đình, bối cảnh rộng lớn, số lượng nhân vật đồ sộ.

hoang-hau-9990-1700121100.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JgNNW5pohC5tHN9gHzXYuQ

Hoàng hậu ngồi trên thềm quan sát cảnh hái lá dâu. Ảnh: Shuge

Tác giả chính của bức tranh - Lang Thế Ninh (1688-1766) - sinh ở Milan, tên tiếng Italy là Giuseppe Castiglione. Ông tới Trung Quốc truyền giáo vào thập niên 1710, được vua Khang Hy triệu kiến năm 1715. Bấy giờ, nhà vua 61 tuổi, không tán thành tôn giáo của Lang Thế Ninh nhưng yêu khoa học nghệ thuật, phái ông làm họa sĩ cung đình. Lang Thế Ninh phụng sự hai đời vua tiếp theo - Ung Chính và Càn Long, không rời Trung Quốc. Càn Long coi trọng tài năng của Lang Thế Ninh, vì thế đa phần chân dung vua và các ái phi đều do Lang Thế Ninh vẽ.

Thời gian tại vị của Càn Long (1711-1799) dài, ông có tổng cộng 41 bà vợ, trong đó có ba đời hoàng hậu, người đầu tiên là Hiếu Hiền Thuần (1712-1748), thuộc dòng họ Phú Sát. Theo The Paper, hoàng hậu Hiếu Hiền Thuần quản lý hậu cung nghiêm túc, giúp vua yên tâm việc triều chính. Khi vua gặp phiền muộn, bà có thể cảm nhận được và chia sẻ với ông, giúp vua bớt căng thẳng. Năm 1748, hoàng hậu đi tuần cùng vua và các cận thần, bà qua đời trên đường ngồi thuyền về kinh.

Như Anh (theo Shuge)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022