The Beguiled khi mới ra mắt đã khiến cả liên hoan phim Cannes xáo động. Nữ đạo diễn Sofia Coppola không để cho danh tiếng của bộ phim cùng tên trước đó do Clint Eastwood thủ vai làm mình xao lãng.
Lấy điểm nhìn từ chính "những kẻ khát tình", The Beguiled của Coppola kế thừa ý tưởng của những The Virgin Suicides hay Marie Antoinette: là câu chuyện về những phụ nữ sống biệt lập, thiếu "hơi trai". Để rồi một ngày họ nhận về sự hiện diện của đàn ông như một thú vui nguy hiểm.
Chuyện kể rằng năm 1864 giữa lúc nội chiến Mỹ diễn ra ác liệt (còn được biết tới là cuộc chiến giữa miền nam và miền bắc), một ngôi trường nữ sinh hẻo lánh nhận được một vị khách bất ngờ: một người lính miền Bắc bị thương bất tỉnh ngay gần khuôn viên trường.
Ngay khi đặt gã lính mất ý thức xuống giường, nỗi sợ của những người phụ nữ nhanh chóng được thay bằng khao khát và tò mò. Với bà hiệu trưởng Martha (Nicole Kidman), tim bà đã lạc nhịp từ lúc lấy khăn lau cho tấm thân trần tráng kiện của một người đàn ông. Có một cảnh khá đắt đó là khi bàn tay của Martha cầm chiếc khăn ướt đã dừng lại đầy lưỡng lự và đầy khát khao ở phần da thịt dưới thắt lưng của John.
Colin F
Với cô bé Amy (Oona Laurence), đó là tình yêu mà cô thường dành cho những con vật bị thương tội nghiệp. Một Alicia (Elle Fanning) lẳng lơ, nhìn là biết chỉ muốn ngã ngay vào lòng đàn ông thì sự có mặt của McBurney không khác gì mỡ để miệng mèo.
So với phiên bản năm 1971 và nguyên tác tiểu thuyết, Sofia Coppola không đi sâu vào quá khứ của từng nhân vật hay mối quan hệ căng thẳng giữa họ khi có sự xuất hiện của một người đàn ông trong nhà.
Nếu chỉ xem The Beguiled năm 2017, khán giả không bao giờ biết được bà hiệu trưởng Martha từng có một mối tình loạn luân nồng nàn với người anh trai dưới cái lốt đứng đắn. Alicia (hay Carol trong phiên bản cũ) là thiếu nữ trẻ thừa hưởng tính tình lả lơi từ bà mẹ. Thậm chí Sofia Coppola còn bỏ đi một nhân vật là nữ nô lệ da màu Hallie để tập trung cho tuyến chính.
Quay trở lại dàn "yêu quái" xinh đẹp của chúng ta, người ta thấy rõ ràng ham muốn của những người phụ nữ được chia làm hai nửa. Một nửa là Martha, Edwina và Alicia – những người đàn bà trưởng thành hoặc gần trưởng thành với ngọn lửa dục vọng cháy bỏng. Số còn lại là những nữ sinh nhỏ tuổi – bị thúc đẩy bởi sự tò mò và lòng tốt ngây thơ.
Ngay cả trong số đó thì mỗi nhân vật lại có cách biểu hiện khác nhau. Đóng vai trò chủ nhà – là người mẹ cả, hiệu trưởng trường học, Martha thường dành nhiều thời gian để đối thoại với McBurney vị trí chủ - khách hoặc người cầm tù – kẻ bị cầm tù tùy quan điểm người xem.
Vị trí đó đã ít nhiều sụp đổ khi bà cố gắng kiềm chế lại khát khao được hôn lên đôi môi đẹp của gã hạ sỹ sau bữa tiệc. Quyết định cắt chân McBurney – dù đó là do tình thế cấp bách đi chăng nữa – ai dám nói là không phải vì lửa ghen khi không "được" trai đẹp thăm phòng trong đêm?
Không xa cách như Martha, Edwina là người chiếm được nhiều cảm tình nhất (có lẽ vậy) của McBurney. Cô giáo trẻ dịu dàng và mù quáng tin theo lời hứa "đi xa khỏi nơi này" từ đầu môi chót lưỡi của anh chàng.
Edwina của Kirsten Dunst là hiện thân của những thiếu nữ - đủ trẻ để cảm thấy héo hon khi nhìn gương Martha nhưng cũng đủ già để không còn ảo tưởng như Alicia. Cảnh làm tình mãnh liệt trên nền nhà cho thấy có lẽ đây cũng mới là lần đầu của Edwina, đủ để hiểu nhân vật này hành động theo trực giác như thế nào.
Alicia thì tiếp cận "con mồi" bị thương theo cách khác. Nếu Edwina chỉ được cầm tay đã đỏ bừng mặt, thì Alicia dám bước vào phòng để trao nụ hôn sâu cho gã lính. Đây là phương châm "đánh nhanh thắng nhanh", chỉ cần em thích thì em sẽ làm. Chỉ trong một căn nhà nhưng người ta đã thấy có tới ba kiểu phụ nữ khác nhau mà ta có thể bắt gặp ngoài đời.
Cuộc chiến trong phim của Sofia Coppola là cuộc chiến tình thù, không phải chiến tranh. Khác với tính nam hiện diện trong phim của Don Siegel, The Beguiled của Coppola là cái nhìn đậm tính nữ, nhưng dường như quá thận trọng khiến tác phẩm chưa thực sự bộc lộ được cái nguy hiểm của những người đàn bà đẹp bị cô lập.