Bữa cơm tối của người châu Âu tại Sài Gòn bắt đầu lúc 19 giờ 30, khi màn đêm đã buông xuống. Sau đó, phần lớn thanh niên và những người độc thân đến các câu lạc bộ hay vào các quán cà phê, ngồi uống bia ướp lạnh và có khi vui chơi đến sáng.
Từ khi tình trạng vệ sinh ở Sài Gòn được cải thiện, nhiều phụ nữ người Âu kéo sang Việt Nam sống cùng với gia đình, vì thế sinh hoạt ở các câu lạc bộ hay quán cà phê lắm lúc được chuyển về những gia đình hiếu khách. Ở đó, họ nghe nhạc, nói chuyện, đánh bài và thường thì buổi gặp gỡ kết thúc bằng một cuộc khiêu vũ kéo dài đến nửa đêm. Ngoài những buổi họp mặt thân mật như thế, hằng năm có một hoặc hai buổi khiêu vũ đông người, dành cho giới trẻ trong thành phố và một buổi khiêu vũ chính thức được tổ chức tại dinh Thống đốc Nam kỳ.
Một phụ nữ Sài Gòn năm 1908, tóc bới cao Ảnh: Tư liệu của Lê Nguyễn |
Cuộc sống của người Âu là cả một thiên đường so với những người dân bản xứ đang sống chen chúc cạnh các sông rạch hoặc dãi dầu trên ghe thương hồ rày đây mai đó. Đầu thế kỷ 20, bà Gabrielle M. Vassal - một phụ nữ Anh lấy chồng là bác sĩ thuộc địa người Pháp, chỉ sau đám cưới vài tuần lễ đã phải theo chồng sang công tác ở Viện Pasteur Nha Trang. Trong những ngày sống ở Sài Gòn chờ ra Nha Trang, bà Vassal có dịp quan sát sinh hoạt tại thành phố này và kể lại trong tập hồi ký Mes trois ans d’Annam (Ba năm ở An Nam của tôi - NXB Hachette, Paris, 1912).
Khi mới đến thành phố, Vassal đã di chuyển bằng xuồng tam bản và một trong những bối rối đầu tiên của bà là không thể phân biệt được giới tính của những người chèo xuồng. Họ ăn mặc gần như nhau, chỉ có những khác biệt nhỏ mà phải sau một thời gian, Vassal mới phân biệt được.
Sở hữu một cây dù là điều đáng hãnh diện của đàn ông Sài Gòn xưa Ảnh: Tư liệu của Lê Nguyễn |
Đường Catinat (nay là Đồng Khởi), nơi sinh hoạt của phần lớn người Âu tại Sài Gòn trước đây Ảnh: Tư liệu của Lê Nguyễn |
Thời đó, người Sài Gòn, nam cũng như nữ, đều mặc quần dài và áo rộng, tóc đều cuộn lại thành búi tó. Quan sát kỹ mới thấy ở phụ nữ, búi tó nằm ở vị trí cao hơn, phía trên đầu, chiếc áo rộng cũng dài hơn. Về vóc dáng người Sài Gòn đầu thế kỷ 20, đàn ông ít khi vượt quá 1,6 mét chiều cao, phụ nữ còn thấp bé hơn nữa. Mặc dù vậy, họ là những người chèo xuồng rất thiện nghệ. Các phu kéo xe cũng thế, họ có thể kéo dễ dàng một người Âu nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể họ.
Với sự hiện diện của nhiều người Âu, cảnh chợ búa ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19 diễn ra khá náo nhiệt. Phía ngoài chợ là cửa hàng của người Ấn Độ thường được gọi là Matabar. Họ bán đủ loại hàng hóa, nhất là vải vóc. Khách hàng của họ nhiều nhất là phụ nữ và cách buôn bán của họ không giống người Tàu khiến cho cuộc sống ở Sài Gòn xưa có thêm những giao thoa về văn hóa vô cùng thú vị. (Còn tiếp)