Kinh dị có lẽ là dòng phim "ngon - bổ - rẻ" của Việt Nam khi chỉ cần đầu tư không quá nhiều mà có thể mang về lợi nhuận vừa đủ. Vì thế mà mỗi năm, các nhà làm phim cho ra mắt rất nhiều tác phẩm nhưng phần lớn trong số đó lại tệ hại khiến khán giả dần mất niềm tin. Song, Quỷ Cẩu lại gây bất ngờ bởi có sự chỉn chu rõ rệt trong nhiều khâu.
Quỷ Cẩu bắt đầu khi ông Mạnh (Đào Anh Tuấn) bất ngờ bỏ mạng trong lúc đi giao thịt chó vào sáng sớm. Nam (Quang Tuấn) cùng bạn gái Xuân (Mie) về quê chịu tang cha. Cuộc hội ngộ với gia đình gồm bà Nga (NSND Kim Xuân) - mẹ của Nam, cô Thúy (Vân Dung), chú Quyết (Quốc Quân) và dì Liễu (Nam Thư) không hề vui vẻ. Cũng từ thời điểm ấy, những sự kiện rùng rợn liên tiếp xảy ra trong nhà. Từng thành viên trong gia đình đều gặp phải cơn ác mộng đến từ loài ngạ quỷ đội lốt con chó trắng mũi đỏ nuôi trong nhà để rồi lần lượt bỏ mạng. Những sự thật đáng sợ xoay quanh mối quan hệ giữa các thành viên dần hé lộ.
Bối cảnh cùng yếu tố kinh dị chất lượng
Điểm mạnh của Quỷ Cẩu nằm ở phần bối cảnh và những màn hù dọa rùng rợn. Căn nhà của bà Nga có phần tách biệt với hàng xóm bởi những khu vườn um tùm cây ăn quả. Xung quanh nhà là những chiếc lồng nuôi chó thịt và một lò mổ lúc nào cũng sặc mùi tử khí. Vì thế mà khi những thảm họa xảy ra, các thành viên gia đình bà Lan gần như chẳng thể cầu cứu được ai dù có la hét lớn ra sao.
Bối cảnh phim hầu như đều chìm trong bóng tối, ngay cả buổi sáng vẫn toát lên vẻ âm u và lạnh lẽo. Trong đêm tối thì người xem khó lòng mà nhìn thấy căn phòng đen kịt phía sau nhân vật đang ẩn chứa thứ đáng sợ nào. Đạo diễn Lưu Thành Luân tận dụng rất tốt ánh sáng đỏ từ những chiếc đèn bàn thờ để khiến cho không gian thêm phần mờ ảo và đầy cảm giác bất an.
Yếu tố kinh dị của Quỷ Cẩu là sự kết hợp giữa sự căng thẳng và âm thanh. Những mảng miếng hù dọa không mới nhưng cách tạo sự kịch tính của Lưu Thành Luân lại khá tốt khi các nhân vật dần bước vào cái kết kinh hoàng được định sẵn mà không hề hay biết. Ngạ quỷ trong phim không "hù dọa cho vui" mà giết người theo những cách máu me và thê thảm nhất.
Những âm thanh ghê rợn trong đêm tối cũng được khai thác triệt để để tăng tính kinh dị. Tiếng bước chân lọc cọc trên mái nhà bằng ngói, tiếng gầm gừ hay liếm mép của loài chó, tiếng sủa văng vẳng trong đêm đen đều mang lại hiệu quả tốt. Hình ảnh mổ thịt chó hay ăn món rựa mận được quay cận cảnh tạo cảm giác ghê rợn.
Kịch bản lớp lang nhưng kỹ xảo tệ hại
Kịch bản luôn là điểm yếu của điện ảnh Việt nhưng Quỷ Cẩu phần nào khắc phục được điều này. Nội dung phim tương đối đơn giản nhưng các sự kiện nối tiếp nhau một cách lớp lang, không có tình tiết "từ trên trời rơi xuống", nhảy mốc thời gian lung tung hay kéo dài một phân đoạn để chèn tấu hài vô tội vạ như nhiều phim Việt khác.
Những bí mật đen tối trong gia đình được hé lộ một cách khéo léo. Ban đầu, nhà bà Nga chỉ cho thấy sự độc hại trong mối quan hệ trọng nam khinh nữ, gia trưởng của ông Quyết. Nhưng dần dần, mọi thứ hóa ra còn nghiêm trọng và tệ hại hơn như vậy nhiều lần. Hóa ra, những sự tai họa mà ngạ quỷ giáng xuống cũng chỉ là hậu quả từ hành động tồi bại của từng thành viên. Từ đó, Quỷ Cẩu cho thấy thông điệp người thân đôi khi còn tàn ác với nhau hơn cả loài quỷ.
Kỹ xảo chính là điểm trừ lớn nhất của Quỷ Cẩu. Phần tạo hình con chó chống gậy trong phim khá tệ hại, nhìn không khác gì ảnh 2D ghép cẩu thả vào khung hình. Những lần nó bước đi hay tấn công nạn nhân thì đồ họa y hệt một tựa game tầm trung ra mắt 20 năm trước. Nhiều cảnh phim bớt tính kinh dị đi vài phần chỉ vì kỹ xảo quá kém.
Diễn xuất đồng đều của dàn diễn viên thực lực
Quỷ Cẩu quy tụ dàn diễn viên thực lực đến từ cả hai miền Nam Bắc như NSND Kim Xuân, Quang Tuấn, Vân Dung, Quốc Quân… Sự kết hợp này khá ổn, nhất là để nhấn mạnh sự độc hại trong một gia đình đậm tính gia trưởng. Quyết thì nóng nảy, lúc nào cũng muốn làm chủ mọi việc trong gia đình sau cái chết của anh trai và đày đọa những thành viên còn lại. Bà Nga và Liễu thì lúc nào cũng phải nhẫn nhịn còn Thúy thì chua ngoa, đanh đá không kém gì hai người anh trai.
Tuy nhiên, khi sự thật phơi bày thì khán giả lại thấy một bộ mặt khác đáng sợ hơn của bà Nga và Liễu. Phim có nhiều cảnh quay cận mặt, cho thấy biến đổi tâm lý và tính cách liên tục của hai nhân vật này. Phân đoạn này không làm khó một diễn viên gạo cội như NSND Kim Xuân. Nhưng Nam Thư gây bất ngờ khi diễn nội tâm rất tốt, thoát khỏi hình ảnh tấu hài thường thấy. Mie có vai diễn đầu tay tròn trịa. Biểu cảm của nàng DJ trong những cảnh sợ hãi, làm nũng khá tốt nhưng lại chưa cho thấy được sự đau khổ của Xuân.
Chấm điểm: 3.5/5
Quỷ Cẩu là minh chứng cho thấy một kịch bản không mới vẫn có thể cho ra một tác phẩm chỉn chu, lôi cuốn nếu đạo diễn biết xây dựng các tình tiết hợp lý và tập trung mạnh vào phần kinh dị. Đây là một tác phẩm đáng khen của điện ảnh Việt trong bối cảnh người người, nhà nhà liên tục làm phim nhưng chất lượng chỉ ở mức làng nhàng.