Việt Nam Thông tấn xã là cơ quan đầu tiên phát tin vui chiến thắng mà quân và dân ta phải chờ đợi, chiến đấu trong suốt 30 năm. Thời khắc đó, cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp các phố phường, các công sở và nhà dân. Những thông tin, hình ảnh, các bài tường thuật đầu tiên của phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng được phát trong nước và phát ra thế giới, kịp thời phản ánh những khoảnh khắc lịch sử Ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước; sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn; sự phá sản của Chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ.
Những bức ảnh và dòng tin lịch sử
Theo lời kể của nhà báo Trần Mai Hưởng, rạng sáng 30/4/1975, mũi đột kích Quân đoàn 2 tiến vào trung tâm Sài Gòn. Ông cùng các đồng nghiệp qua cầu xa lộ lớn trên sông Đồng Nai từ sớm. Lúc ấy, nhiều đoạn trên xa lộ, chiếc xe com-măng-ca chở nhóm phóng viên phải áp vào sườn xe tăng, lúc luồn bên phải, khi lại lách sang trái để tránh làn đạn đáp trả của địch. Xe tăng dẫn đầu, rồi đến xe thiết giáp, xe chở bộ binh, cùng pháo 130 ly bắn yểm trợ dọc hai bên đường, đoàn xe nối đuôi nhau hướng thẳng đến Dinh Độc Lập.
Nhóm phóng viên Việt Nam Thông tấn xã đến Dinh Độc Lập khi những chiếc xe tăng đầu tiên đã húc đổ cổng Dinh và tiến vào trong sân. Vừa tới nơi, nhà báo Trần Mai Hưởng liền nhảy xuống xe và chứng kiến hình ảnh chiếc tăng 846 đang hùng dũng tiến qua cánh cổng sắt vừa bị húc đổ. Phản xạ của một phóng viên thôi thúc ông giơ máy ảnh lên và chụp lại. Bức ảnh đó sau này được đặt tên "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975".
Phóng viên TTXVN Trần Mai Hưởng có mặt kịp thời và chụp được bức ảnh xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập niên (1954 - 1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng – TTXVN
Nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết: "Phim chụp ảnh được ưu tiên cho các anh phóng viên ảnh, còn tôi là phóng viên viết nên chỉ được cấp 2 cuộn. Đến Dinh Độc Lập, tôi chỉ còn 13 tấm phim, nhưng khi chiếc xe tăng với lá cờ quân giải phóng tung bay trên tháp pháo tiến vào, tôi biết mình phải ghi lại khoảnh khắc lịch sử đó. Tôi bấm đúng một tấm, sau đó gửi cuộn phim ra Hà Nội. Bức ảnh của tôi khi gửi về Hà Nội được nhiều cơ quan báo chí trong nước và hãng thông tấn nước ngoài sử dụng rộng rãi, trở thành biểu tượng của ngày chiến thắng ngày 30/4. Nhưng mãi hơn một năm sau, khi trở về cơ quan tại Hà Nội, tôi mới được tận mắt thấy bức ảnh do chính mình chụp", nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ với niềm tự hào.
Theo cánh quân phía Tây, Tổ phóng viên Thông tấn xã Giải phóng do nhà báo Nguyễn Thanh Bền làm trưởng nhóm tiến vào Sài Gòn từ hướng Hóc Môn, Gò Vấp cũng chứng kiến bầu không khí vừa phấn khởi, vừa xúc động của người dân trong ngày giải phóng. Từng đợt, từng đợt "hoan hô" vang lên của đồng bào hai bên phố khi có đoàn xe bộ đội đi qua, đệm thêm nhạc nền hùng tráng từ các máy thu thanh được mở to hết cỡ.
"Đến Sài Gòn, anh Chín Thép dẫn ngay tổ Thông tấn xã Giải phóng về nhà anh ở đường Cách mạng (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi), quận Phú Nhuận. Sau vài phút thăm hỏi gia đình, anh lấy chiếc xe Vespa đưa tôi đi một vòng quanh sân bay Tân Sơn Nhất, ở ngã tư đường còn một xe tăng đang cháy, thỉnh thoảng đạn pháo nổ vang. Chúng tôi qua khu dệt Bảy Hiền, tới chợ Bến Thành, theo đường Trần Hưng Đạo vô Chợ Lớn. Buổi chiều, khi quay lại nhà anh Chín Thép, tôi viết ngay bài "Sài Gòn mấy giờ đầu giải phóng". Trên sân thượng, cả tổ phóng viên lẫn điện đài quên ăn quên uống, thay nhau quay ragonô phát điện để chuyển tin về căn cứ Tây Ninh. Chiều tối mà mồ hôi mấy anh em chảy ròng ròng xuống ragonô nghe "xèo xèo". Anh Đào Tùng là tổng chỉ huy trực chiến tại Tây Ninh nhanh chóng chuyển tin về Hà Nội. Đến 20 giờ ngày 30/4/1975, tôi nghe Đài phát thanh đọc bản tin của mình, cảm giác rất khó tả", nhà báo Nguyễn Thanh Bền kể về bản tin đầu tiên của mình trong ngày đầu giải phóng.
Lực lượng phóng viên tin, ảnh của Việt Nam Thông tấn xã, Thông tấn xã Giải phóng đã ở trên tuyến đầu của công tác thông tin, góp phần phản ánh một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phóng viên TTXGP tác nghiệp ở chiến trường Củ Chi. Ảnh: TTXGP
Liên tiếp sau tin giải phóng, hàng loạt tin, bài ghi nhận được chuyển theo đường morse, teletype, cùng hàng ngàn tấm ảnh phản ánh chân thực đời sống người dân Sài Gòn những ngày đầu giải phóng, được chuyển thẳng về Việt Nam Thông tấn xã ở Hà Nội theo đường máy bay và telephoto; kịp thời cung cấp thông tin cho báo, đài trong nước và các hãng thông tấn quốc tế. Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã "tuy hai mà một" đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan thông tấn từ chiến trường đến ngày chiến thắng.
Viết tiếp chương mới cùng đất nước
Ngay trong đêm 30/4/1975, phần lớn phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng tham gia các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn đã hội ngộ trong niềm hân hoan.
Để dòng thông tin không bị gián đoạn, họ lại lập tức bắt tay vào công việc, viết bài tường thuật về việc giải phóng, tiếp quản các cơ sở. Thông tin từ các cánh quân, phân xã, phân khu dồn dập chuyển về căn cứ ở Tây Ninh. Tại đây, Tổng biên tập Đào Tùng đã huy động toàn bộ lực lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham gia vào việc xử lý thông tin để chuyển về Hà Nội.
Ngày 24/5/1976, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng hợp nhất thành Việt Nam Thông tấn xã. Ngày 12/5/1977, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 84/NQ-QHK6 phê chuẩn việc đổi tên Việt Nam Thông tấn xã thành Thông tấn xã Việt Nam.

Phòng thu - phát tin, ảnh của TTXGP tại chiến khu. Ảnh: TTXGP
Những phóng viên chiến trường trở về thời bình vẫn tiếp tục sứ mệnh truyền tải thông tin, hình ảnh công cuộc kiến thiết đất nước. Nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy sau giải phóng được phân công làm phóng viên thường trú tại tỉnh Minh Hải (Cà Mau). Trong thời gian này, ông đã đi theo đồng chí Võ Chí Công (lúc đó là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam) ghi nhận, phản ánh công tác cải tạo nông nghiệp, phát triển kinh tế khắp các tỉnh miền Nam.
"Dù phải công tác xa gia đình, xa quê hương nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc vì đã lựa chọn làm phóng viên thay vì ở lại Hà Nội nghiên cứu khoa học. Được đi, được chứng kiến và được viết về tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân ta trong chiến tranh; tinh thần thi đua lao động hăng say sau ngày giải phóng là niềm vinh dự và tự hào của người làm báo", nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy chia sẻ.
Với nhà báo Trần Mai Hưởng, dù trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau từ phóng viên, quản lý cho đến cương vị Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, việc được chứng kiến thời khắc lịch sử của ngày 30/4/1975 là điều may mắn và tự hào nhất trong cuộc đời làm báo của ông, bởi phóng viên chiến trường là "những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn".
"Để phản ánh chân thực, chính xác nhất những thông tin, hình ảnh về cuộc chiến đấu anh hùng của chiến sỹ, nhân dân trên khắp các mặt trận, những người làm báo của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã có mặt, chứng kiến nhiều trận đánh, trận càn của địch; không ít người trong số đó đã trả giá bằng sự sống của mình. Chưa có một hãng thông tấn, cơ quan báo chí nào có số lượng liệt sĩ nhiều như Thông tấn xã Việt Nam, hơn 260 người đã ngã xuống với tay máy, tay viết và những dòng tin còn dang dở", nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ với giọng xúc động xen lẫn tự hào.
Sau giải phóng, nhà báo Nguyễn Thanh Bền tiếp tục công tác tại Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam cho đến khi nghỉ hưu. Ông cũng chọn Thành phố Hồ Chí Minh là quê hương thứ hai để gắn bó. Chứng kiến từng sự thay đổi của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm, nhà báo Nguyễn Thanh Bền nhìn nhận, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã là một đô thị hiện đại, "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" rất nhiều; những công trình, tòa nhà mọc lên san sát, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
"Những ngày tháng 4 này, dù với tư cách là một cựu phóng viên chiến trường hay một công dân của Thành phố Hồ Chí Minh, trong lòng tôi vẫn thấy thật tự hào, thật hãnh diện. Phát huy sự năng động, sáng tạo cùng với tinh thần cống hiến của các thế hệ, Thành phố sẽ sớm đạt được mục tiêu trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình", nhà báo Nguyễn Thanh Bền gửi gắm.