Trong khoảng hơn một tháng qua, bộ phim Mandy trở thành đề tài điện ảnh đáng chú ý. Tác phẩm thuộc dòng kinh dị có Nicolas Cage trong vai chính, với câu chuyện về một người đàn ông đi trả thù những kẻ đã hãm hại vợ mình.

Với phong cách bạo lực, máu me, Mandy gây hứng thú cho cả giới phê bình lẫn khán giả đại chúng. Trên Rotten Tomatoes, hiện 91% bài bình luận dành cho bộ phim là tích cực. Còn Nicolas Cage được ca ngợi sau chuỗi ngày dài đầy thất vọng khi cứ phải tham gia vô số tác phẩm làng nhàng để kiếm tiền trả nợ.

Và câu chuyện đằng sau chiến dịch phát hành dành cho Mandy tại Mỹ cùng thú vị.

Từ chiến lược phát hành “day-and-date” thông thường

“Day-and-date” là cụm từ dùng để chỉ cách phát hành một bộ phim ngoài rạp, trên dịch vụ VOD (video-on-demand) và băng đĩa cùng một ngày.

Với kiểu phát hành này, hãng phim chủ yếu muốn lợi dụng việc phim ra rạp để quảng bá cho hai hình thức còn lại, và số lượng rạp chiếu dành cho tác phẩm là cực kỳ hạn chế.

Mandy cũng vậy. Trong khoảng ba tuần trình chiếu đầu tiên, số tiền mà tác phẩm đem về từ các rạp chiếu phim lên tới 840.000 USD. Nhưng theo nhà phát hành RLJ, họ còn thu nhiều triệu USD từ dịch vụ VOD và các định dạng băng đĩa.

007.jpg
Mandy được phát hành cùng lúc ngoài rạp (dưới diện hạn chế), dịch vụ VOD và băng đĩa.

Các rạp hoặc chuỗi rạp chiếu phim nổi tiếng không thích chiến lược “day-and-date” và thường không dành phòng chiếu cho các tác phẩm kiểu Mandy. Muốn đi theo hướng phát hành này, nhà sản xuất cần tìm kiếm những chuỗi rạp nhỏ hơn, hoặc một số rạp chiếu phim chuyên trình chiếu phim nghệ thuật, độc lập. Nếu chúng nằm ở các thành phố lớn, thì càng tốt.

Bất cứ câu chuyện nào từ quá trình chiếu rạp, như bình luận, họp báo, phản ứng, tỷ lệ lấp phòng…, rốt cuộc cũng chỉ để nhà phát hành quảng bá cho dịch vụ VOD và băng đĩa.

Bởi với nhiều khán giả không ở thành phố lớn muốn theo dõi bộ phim, họ buộc phải tìm đến hai định dạng đó. Trước Mandy, các bộ phim gần đây của Nicolas Cage cũng thường đi theo lối phát hành này.

RLJ Entertainment vào cuộc với Mandy như biết bao tác phẩm kén người xem khác của họ như Brawl in Cell Block 99 hay Bone Tomahawk. Tuần đầu tiên, phim có mặt ở 75 rạp. Đội ngũ đạo diễn Panos Cosmatos và hai ngôi sao Nicolas Cage - Linus Roache có mặt để giao lưu với khán giả tại một số buổi chiếu đặc biệt.

Cùng lúc đó, việc bộ phim đạt số điểm sớm lên tới 94% trên Rotten Tomatoes liên tục được tận dụng để quảng bá trên mạng xã hội, với hy vọng thu hút sự chú ý của công chúng đối với bộ phim.

Thành công ngoài dự kiến

Ba ngày đầu tiên, Mandy thu 225.723 USD từ 75 rạp. Song, rạp Alamo Drafthouse tại New York, Music Box tại Chicago, hay thậm chí El Paso ở Texas thông báo rằng có nhiều suất chiếu đã cháy vé.

Và điều bất thường xảy ra: nhiều khán giả không đặt xem Mandy theo dịch vụ VOD, mà họ dùng mạng xã hội để yêu cầu RLJ mở rộng việc trình chiếu bộ phim ngoài rạp. Người Mỹ liên tục tìm kiếm xem liệu Mandy đến bao giờ sẽ tới rạp chiếu phim ở gần họ nhất.

5bb39218a4cb6217d80e89a31200.jpg
Ê-kíp của Mandy có mặt tại một rạp chiếu phim để giao lưu với khán giả.

Khao khát ấy là có thật. Trong tuần thứ hai trình chiếu, Mandy rút xuống còn 71 rạp, tức mất 4 rạp và đều nằm ở miền Nam của California. Đây là điều bình thường bởi các bộ phim “day-and-date” sang tuần hai phải rút rạp xuống, nhằm thu hút thêm người xem đến hai định dạng còn lại.

Ngoài ra, hợp đồng mà RLJ Entertainment ký kết với các rạp chiếu phim đã được thảo ra từ trước. Kể cả khi muốn, hai phía khó lòng có thể sắp xếp thêm lịch chiếu khi những bộ phim mới liên tục ra rạp.

Tuy nhiên, sức hút của Mandy đã giúp bộ phim lấy lại 3 rạp tại Los Angels, Mỹ trong tuần kế đó. Ngay cả khi bị mất rạp như thế, Mandy chỉ bị giảm 31% lượng vé so với tuần đầu, và thu 155.405 USD - tiếp tục nằm trong top phim độc lập chiếu rạp trong tuần.

Thêm nữa, Mandy vẫn kiếm tiền tốt ở cả hai định dạng còn lại, và khiến chính RLJ Entertainment cũng phải ngạc nhiên. Mark Ward - chủ tịch hãng - hứa rằng bộ phim sẽ còn tiếp tục trụ rạp trong thời gian tới.

002_2.jpg
Tình hình hiện tại cho thấy Mandy sẽ còn chiếu rạp tại Mỹ trong tháng 10 và 11.

“Tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ các rạp. Họ nói rằng lịch chiếu giờ kín rồi, liệu họ có thể chiếu tiếp Mandy trong tháng 10 hoặc tháng 11 không”, Lisa Whalen - một nhà sản xuất của bộ phim tiết lộ với tạp chí Business Insider.

Lúc này, rất nhiều người cảm thấy lười ra rạp, muốn thưởng thức các bộ phim tại gia với hệ thống âm thanh tân tiến. Song, trường hợp như Mandy chứng tỏ điều ngược lại. Có những bộ phim vẫn khiến công chúng muốn tới rạp để thưởng thức một cách trọn vẹn.

Còn Mark Ward thì kỳ vọng Mandy có thể trở thành giống như The Rocky Horror Picture Show - bộ phim cult (phim thiêng) nổi tiếng của Hollywood. Đó là tác phẩm vẫn chiếu ngoài rạp nhiều thập kỷ sau khi ra đời để phục vụ một lượng fan nhất định.

Chỉ thời gian mới có thể trả lời cho điều đó. Nhưng ít ra thì Mandy đã tạo ra tiền lệ mới trong kiểu phát hành “day-and-date”.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022